Tổng thống lâm thời của Ai Cập tuyên thệ nhậm chức

08:07, 04/07/2013
.

Chiều 4/7 ông Adli Mahmud Mansour, chánh án Tòa án hiến pháp Ai Cập, đã chính thức tuyên thệ nhậm chức, trở thành Tổng thống lâm thời của nước này sau khi Tổng thống Morsi bị quân đội buộc phải ra đi.

Trước sự chứng kiến của những người ủng hộ tại Tòa án hiến pháp Ai Cập, ông Mansour tuyên thệ: “Tôi xin thề trước Chúa toàn năng sẽ bảo vệ một cách trung thành chế độ Cộng hòa, tôn trọng hiến pháp và pháp quyền, và quan tâm đầy đủ tới lợi ích của nhân dân, bảo vệ độc lập quốc gia và lãnh thổ. Nhân danh Chúa”.
 

  Ông Adli Mahmud Mansour đã tuyên thệ nhậm chức.
Ông Adli Mahmud Mansour đã tuyên thệ nhậm chức.


Theo BBC, trong bài diễn văn sau đó, ông Mansour khẳng định đây là vinh dự và niềm tự hào lớn lao khi được trao nhiệm vụ lãnh đạo đất nước trong giai đoạn chuyển tiếp.

Ông cũng bày tỏ hy vọng người biểu tình sẽ tiếp tục giơ cao ngọn cờ cách mạng hiện nay, và rằng các cuộc bầu cử quốc hội là con đường duy nhất cho một tương lai tự do hơn, dân chủ hơn.

Vị Tổng thống lâm thời của Ai Cập cũng ngợi khen thanh niên và các lực lượng vũ trang khi trở thành lương tri của đất nước, người bảo vệ cho an ninh.

Ông Mansour cũng ca ngợi truyền thông Ai Cập đã phơi bày những điều xấu xa của chế độ cũ.

Vị Tổng thống “bí ẩn”

Sinh ra tại Cairo năm 1945, ông Adli Mahmud Mansour đã nhận được bằng luật sư từ đại học Cairo năm 1967 và gia nhập hội đồng nhà nước năm 1970. Được đảm nhận nhiều vị trí khác nhau, đến năm 1992, ông được bổ nhiệm là phó chánh án Tòa án hiến pháp Ai Cập.

Hôm 1/7, ông chính thức tuyên thệ nhậm chức trở thành người đứng đầu Tòa án hiến pháp sau khi được bổ nhiệm hồi tháng 5.

Ông từng chủ trì phiên điều trần hiến pháp năm 2012. Tại đây, luật “cô lập chính trị”, một đạo luật cấm các thành viên của chế độ cũ tham gia tranh cử, đã bị bãi bỏ.

Chính đạo luật này đã cho phép thủ tướng của chế độ Mubarak cũ, ông Ahmad Shafiq trở thành ứng viên trong cuộc bầu cử tổng thống mới đây nhất của Ai Cập.

Ông Mansour có vẻ như đã lần đầu nổi lên như một nhà lãnh đạo của Ai Cập hôm 30/6 vừa qua. Ngay trong ngày đầu tiên của làn sóng biểu tình, một nhóm có tên “Al-Sha'ab Yureed” (Yêu sách của nhân dân) đã phân phát nhưng tờ rơi cho người biểu tình, kêu gọi thành lập một hội đồng tổng thống mới để điều hành đất nước, trong đó có tên của ông Mansour.


Trang web Masrawi của Ai Cập thì cho rằng đây là một thời kỳ “thay đổi chóng vánh” với ông Mansour, người đã có 10 năm “giữ vị trí chỉ huy thứ hai” tại tòa án. Trang web này cũng khẳng định ông Mansour là một người “bí ẩn”, rất ít xuất hiện trên báo giới.

Từ khi ông Mansour chưa lên tiếng, các cư dân mạng nước này đã tỏ ra ủng hộ khả năng ông trở thành tổng thống lâm thời. Nhiều người xem đây là điều tất yếu và đã có những thông điệp chúc mừng trên Twitter.

Phát biểu với tờ Al-Ahram Al-Shabab, thẩm phán Hamid al-Jamal miêu tả ông Mansour “là một người trầm tĩnh, người luôn đưa ra những quyết định cân bằng và là người sẽ tôn trọng ý nguyện của người dân Ai Cập”

Theo thông tin không chính thức, chỉ riêng từ Chủ nhật đến nay đã có 50 người biểu tình Ai Cập thiệt mạng trong các cuộc đụng độ giữa phe ủng hộ và phe phản đối Tổng thống Morsi. Trong đó riêng ngày hôm qua có 32 người đã thiệt mạng.

Theo quy định của hiến pháp Ai Cập, thủ tướng nước này sẽ là người thay thế Tổng thống lãnh đạo đất nước nếu Tổng thống không thể đảm đương nhiệm vụ. Tuy nhiên, trong phát biểu trên truyền hình hôm qua, tư lệnh các lực lượng vũ trang Ai Cập, tướng Abdul Fatah Khalil Al-Sisi, đã tuyên bố đình chỉ hiến pháp và cho biết quân đội có kế hoạch riêng của mình.

Ông Sisi khẳng định ông Morsi “đã không đạt được các mục tiêu của nhân dân”, và không đáp ứng được nguyện vọng chung đó là ông chia sẻ quyền lực với phe đối lập.

Ông Morsi đã phải ra đi sau khi bác bỏ tối hậu thư yêu cầu từ chức trong vòng 48 giờ của quân đội. Theo đại diện phong trào Anh em Hồi giáo của ông Morsi, hiện vị cựu Tổng thống Ai Cập cùng các nhân vật thân cận đang bị giam giữ tại một cơ sở của quân đội.

 


Theo Thanh Tùng/Dân trí

 


.