Ai Cập đối mặt các cuộc biểu tình quy mô lớn vào ngày 30/6

08:06, 29/06/2013
.

Thế đối đầu căng thẳng hiện nay đang có nguy cơ đẩy Ai Cập vào vòng xoáy bạo lực mới và bất ổn kéo dài.

Sự chia rẽ chính trị và căng thẳng đang ngày càng leo thang trước ngày Tổng thống Ai Cập Mohamed Mursi kỷ niệm một năm cầm quyền (30/6).


Phe Hồi giáo ngày 28/6  đã phát động một cuộc biểu tình "không hạn chế" nhằm ủng hộ ông Mursi tại Cairo, trong khi làn sóng chống chính phủ sẽ đạt đỉnh điểm vào ngày mai khi phe đối lập tuyên bố sẽ tổ chức hàng loạt cuộc biểu tình quy mô lớn trên toàn quốc nhằm đòi ông Mursi từ chức và tổ chức bầu cử tổng thống trước thời hạn.

Tổ chức Anh em Hồi giáo, khối chính trị có ảnh hưởng lớn tại Ai Cập ngày 28/6 tuyên bố phong trào này sẽ không cho phép xảy ra một cuộc "đảo chính" ở Ai Cập, trong bối cảnh tại quốc gia Bắc Phi này chuẩn bị diễn ra các cuộc biểu tình quy mô lớn phản đối Tổng thống Mursi.

 

Biểu tình bùng phát thành bạo loạn tại Alexandria, Ai Cập (Ảnh: AFP)
Biểu tình bùng phát thành bạo loạn tại Alexandria, Ai Cập (Ảnh: AFP)


Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh các cuộc biểu tình của phe đối lập diễn ra trên khắp Ai Cập, càng làm gia tăng quan ngại về sự chia rẽ chính trị sâu sắc ở nước này. Một chiến dịch mang tên “nổi dậy” đã kêu gọi tổ chức biểu tình vào ngày 30/6, nhân một năm Tổng thống Mursi lên cầm quyền để đòi ông từ chức và tổ chức bầu cử tổng thống trước thời hạn. Đảng tự do công lý của ông Mursi và nhiều đảng Hồi giáo tuyên bố chiến dịch ủng hộ Tổng thống sẽ tiếp tục kéo dài đến ngày mai. Những người ủng hộ Tổng thống Mursi cho rằng họ tham gia các cuộc biểu tình trong hòa bình và chính họ là nạn nhân của tình trạng bạo lực.

Một người ủng hộ ông Mursi cho biết: “Chúng tôi sẽ ở đây để đợi cho ngày 30/6 sẽ trôi đi một cách hòa bình. Tôi muốn nói với người dân Ai Cập rằng họ hãy ở trong nhà và hy vọng họ sẽ nhận ra ai là người muốn phá hoại đất nước và ai không làm điều đó”.

Căng thẳng giữa các phe phái bắt đầu gia tăng từ tháng 11/2012, một ngày sau khi làm trung gian thành công cho thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và phong trào Hamas của Palestine ở Dải Gaza, ông Mursi bất ngờ ban hành tuyên bố hiến pháp sửa đổi nhằm “thâu tóm” quyền tư pháp, theo đó các điều luật, sắc lệnh do ông ban hành được "miễn dịch" trước mọi phán quyết của tòa án. Ngoài ra, ông cũng tự trao cho mình quyền sa thải và bổ nhiệm tổng công tố, đồng thời ngăn chặn mọi quyết định bất lợi của các cơ quan tư pháp đối với Hội đồng lập hiến và Hội đồng Shura (Thượng viện) do phe Hồi giáo kiểm soát.

Tuy nhiên, quyết định trên đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ phe đối lập và dân chúng, buộc ông Mursi đã rút lại bản tuyên bố hiến pháp, song vẫn tiếp tục thúc đẩy cuộc trưng cầu dân ý về bản dự thảo hiến pháp gây tranh cãi theo kế hoạch đã định. Tuy Hiến pháp cuối cùng cũng được thông qua với sự ủng hộ của phe Hồi giáo và tâm trạng lo lắng của cử tri về nguy cơ bất ổn kéo dài, kế hoạch tổ chức bầu cử quốc hội của ông Mursi nhằm nhanh chóng hoàn thiện các thể chế nhà nước vẫn bị trì hoãn vô thời hạn.

Ông Ahmed Maher, người đứng đầu phong trào Thanh niên mùng 6/4 đánh giá tình hình Ai Cập kể từ cuối tháng 12/2012: “Thời điểm làm chúng tôi nhận thấy không còn hy vọng đó là tuyên bố hiến pháp. Điều này dẫn đến sự chia rẽ chính trị trong xã hội và sau đó là các cuộc biểu tình bạo lực và người dân thấy rằng chính phủ không có ý định từ bỏ quyền lực. Tuyên bố hiến pháp và việc miễn cưỡng thông qua hiến pháp bằng mọi giá đã mở ra thế đối đầu với chúng tôi và đó là một sai lầm. Kể từ tháng 12/2012 đến nay không có sự ổn định nào và không có giải pháp nào để chấm dứt tình trạng chia rẽ”.

Theo hãng tin chính thức MENA, nhằm bảo đảm an ninh tại các khu vực dự kiến xảy ra các cuộc biểu tình ngày 30/6, quân đội Ai Cập đã được triển khai tại các lối ra vào thủ đô và thiết lập một số trạm kiểm soát tại đây. Trong một tuyên bố, Quân đội Ai Cập cho biết việc triển khai lực lượng quân sự là nhằm bảo đảm an toàn cho công dân Ai Cập và tránh thương vong đáng tiếc xảy ra./.
 

 


Ngọc Khương/VOV


.