Thế giới 2013: Lo nhất chuyện kinh tế

03:01, 01/01/2013
.

Năm 2012 đã trôi qua sau một loạt những sóng gió khủng hoảng ở các nền kinh tế trung tâm của cả 3 châu lục. Bước vào năm 2013, có lẽ điều thế giới chờ đợi nhất là sự phục hồi cho nền kinh tế toàn cầu vốn “quặt quẹo” liên tục kể từ năm 2008. Các cuộc chuyển giao quyền lực lớn diễn ra năm qua ở những các nền kinh tế đầu tàu của thế giới càng khiến người ta hy vọng về một luồng gió mới.
 

Năm 2013, cuộc khủng hoảng nợ tại châu Âu được dự đoán sẽ vẫn tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu. Đối với Mỹ, ngành chế tạo là ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất khi các hãng sản xuất ô tô lớn như Ford, General Motor đều phụ thuộc nhiều vào doanh số bán tại châu Âu. Các công ty đa quốc gia có một phần quan trọng doanh số ở châu Âu, các ngân hàng lớn của Mỹ có sự liên kết chặt chẽ tới vấn đề nợ công, tài chính ở châu Âu. Sự gắn kết chặt chẽ giữa nền kinh tế Mỹ với kinh tế châu Âu đã khiến cả hai gã khổng lồ lúng túng và sẽ phải tìm đến mọi sự trợ giúp từ bên ngoài.

Năm 2013 là năm đầu tiên trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Obama sẽ vị trí đứng đầu Nhà Trắng. Nhưng ngay đầu năm mới, con tàu kinh tế Mỹ sẽ va phải “vách đá tài khóa” khi hai đảng Dân chủ và Cộng hòa không nhất trí với nhau về các biện pháp cắt giảm ngân sách. Kể từ 1/1/2013, thuế thu nhập cá nhân với hàng triệu hộ gia đình Mỹ sẽ tăng lên cùng với nhiều loại thuế khác, trong khi luật cắt giảm chi tiêu công bắt đầu có hiệu lực. Các biện pháp này tuy giúp cắt giảm khoảng gần 600 tỷ USD nhưng lại khiến Mỹ đứng trước nguy cơ rơi vào một cuộc suy thoái kinh tế mới do tăng trưởng âm. Nhưng giới phân tích vẫn cho rằng cả hai phe đều hiểu rõ được tình thế “chung một con thuyền” hiện nay và sẽ không làm quá căng để sớm tìm ra biện pháp lèo lái đưa nền kinh tế Mỹ thoát khỏi tình trạng hiện nay.  

Các chuyên gia kinh tế nhận định dù gì Tổng thống và Quốc hội Mỹ cũng sẽ giải quyết bất đồng để tránh phải tăng thuế và giảm chi tiêu nhiều trong năm tới. Dự báo kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng với tốc độ tăng dần trong năm, vào khoảng trên 2%. Mặc dù đây không phải là con số đáng hài lòng nếu so với những năm trước nhưng dù sao cũng đã là rất khả quan nếu so với châu Âu hiện nay.

Những nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ cũng ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Ban lãnh đạo mới của Trung Quốc cam kết sẽ đẩy mạnh tiêu dùng nội địa, áp dụng các biện pháp kích thích tăng trưởng trong năm 2013 như giảm lạm phát , kích thích việc làm. Dự kiến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc sẽ đạt mức 8% trong năm 2013. Ban lãnh đạo mới của Trung Quốc được hy vọng sẽ đem lại luồng gió mới cho nền kinh tế đất nước này, cả về kinh tế và xã hội.  

Trong khi đó, nước Nga cũng có một Tổng thống mới nhưng không hề xa lạ, ông Vladimir Putin. Trong nhiệm kỳ mới, ông đã cam kết sẽ tạo thêm 25 triệu việc làm mới cho nền kinh tế Nga. Nước Nga vẫn còn nhiều cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng trong quá trình chuyển đổi từ một nền kinh tế kế hoạch sang nền kinh tế thị trường mà từ trước đến nay vẫn chưa được khai thác hết. Một quốc gia mới nổi đông dân thứ hai thế giới là Ấn Độ cũng sẽ phải giải quyết thực trạng lạm phát cao, thâm hụt ngân sách khi bước sang năm mới. Nhưng với cuộc bầu cử vào năm 2014, trong năm mới, nền kinh tế Ấn Độ cũng sẽ chứng kiến nhiều thay đối từ những động thái chính trị trước bầu cử.

Những lực cản xuất phát từ châu Âu và Mỹ sẽ khiến cho các quốc gia đang phát triển khó mà đạt được động lực như mong muốn. Người tiêu dùng ở các quốc gia mới nổi đang trở thành những người chi tiêu rộng rãi và sản lượng của thế giới đang phát triển tính chung sẽ tăng khoảng 6%trong năm 2013, gần gấp 4 lần mức tăng trưởng của thế giới giàu có. Nhưng trong khi phương Tây vẫn trì trệ thì chỉ có vài quốc gia có thể tăng trưởng vững chắc như kỳ vọng. Brazil có thể đạt tới mức tăng trưởng 4% trong năm 2013, trong khi Ấn Độ dù tăng trưởng có thể lên đến 6,5% nhưng vẫn phải nỗ lực giành lại sức bật từng có trước đây. Một lần nữa hy vọng tăng trưởng toàn cầu có vẻ vẫn đặt vào Trung Quốc.




Dương An/VnMedia


.