Nước Pháp chia rẽ về án tù của cựu Tổng thống Chirac

04:12, 16/12/2011
.

Lần đầu tiên trong lịch sử, một cựu Tổng thống Pháp bị kết án tù. Tuy nhiên, đằng sau “quyết định lịch sử” này còn rất nhiều điều còn gây tranh cãi.

Trong bối cảnh chỉ còn 5 tháng nữa là đến cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2012, bản án dành cho ông Jacques Chirac được nhiều người quan tâm bởi những tác động của nó đến chính trường nước Pháp.

Với nhiều đảng phái, chủ yếu là các đảng cánh tả, bản án 2 năm tù treo dành cho ông Chirac là một thắng lợi của công lý. “Công lý đã được thực thi” - bà Eva Joly, ứng cử viên đảng Xanh bình luận.

Án tù với cựu Tổng thống Chirac được đánh giá là mang tính tượng trưng
Án tù với cựu Tổng thống Chirac được đánh giá là mang tính tượng trưng

Ứng cử viên Tổng thống của Đảng Xã hội, Francois Hollande thì coi bản án này như một bằng chứng cho sự độc lập của tư pháp. Một ứng cử viên Tổng thống khác là ông Francois Bayrou của Phong trào Dân chủ bình luận: “Luật pháp cứng rắn, nhưng đó là luật pháp, công lý không thể bị thực thi một cách khác đi”.

Trong khi đó, các thành viên cánh hữu của đảng UMP, đảng kế tục của đảng Tập hợp vì nền Cộng hòa (RPR) mà ông Chirac từng làm Chủ tịch, lên tiếng bảo vệ mạnh mẽ ông Chirac. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy kêu gọi “dù thế nào thì cũng không thể quên những đóng góp liên tục của ông Chirac cho nước Pháp” còn Thủ tướng Pháp Francois Fillon thì đánh giá “quyết định của tòa án đã đến quá muộn và sẽ không thể ảnh hưởng đến mối quan hệ cá nhân giữa ông Chirac và người dân Pháp”.

Các nhà phân tích chính trị Pháp nghiêng về hướng ủng hộ quan điểm của cánh hữu và cho rằng bản án dành cho ông Chirac không giúp cho chính trường Pháp hiện tại sáng sủa hơn bởi việc của ông Chirac xảy ra đã gần 20 năm và điều các chính trị gia Pháp nên tranh cãi bây giờ không phải là đào bới lại quá khứ mà là tìm ra các giải pháp cứu nền kinh tế đang rơi vào suy thoái.

Bản án của ông Chirac tiếp nối những bê bối mới được phanh phui gần đây về việc gây quỹ của cựu Thủ tưởng Edouard Balladur hay việc tham ô của Đảng Xã hội ở vùng Pas de Calais có nguy cơ đầu độc và chia rẽ nghiêm trọng chính trường nước Pháp, trong lúc nước Pháp cần sự đoàn kết để vượt qua khủng khoảng.

Về phía mình, trong tuyên bố chính thức đầu tiên sau khi biết tin nhận án tù treo 2 năm vì tội lạm dụng tín nhiệm để tham ô công quỹ trong thời gian còn làm thị trưởng Paris từ năm 1990 - 1995, ông Jacques Chirac cho biết: “sẽ không kháng án quyết định của tòa án, dù phản đối tất cả mọi cáo buộc”. Vị cựu Tổng thống Pháp cũng cho biết ông “khẳng định với danh dự rằng không làm việc gì sai để bị chê trách” và coi việc phán xử ông 2 năm tù treo là việc mà ông “không còn đủ sức lực cần thiết để chiến đấu giành lại sự thật”.

Phản ứng của ông Jacques Chirac được cho là phù hợp bởi lẽ trên thực tế, phán quyết của tòa phúc thẩm Paris không còn ảnh hưởng quá nhiều đến cá nhân vị cựu Tổng thống từng 12 năm nắm quyền ở điện Elysees. Ở tuổi 79, ông Chirac đang gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe với các chứng bệnh về thần kinh và suy giảm trí nhớ. Vì bệnh tật, ông Chirac đã không xuất hiện trước tòa ở cả hai phiên xử sơ thẩm hồi tháng 9 năm nay và phiên phúc thẩm vừa diễn ra.

Kể cả khi bỏ qua một bên yếu tố sức khỏe, phán quyết 2 năm tù treo với ông Chirac cũng bị đánh giá là mang tính tượng trưng hơn là thực chất bởi nó cũng không làm suy xuyển vị thế và những ưu đãi chính trị mà ông Chirac được hưởng. Ông Chirac vẫn sẽ được hưởng những chế độ đặc biệt của một cựu Tổng thống như được bảo vệ đến hết đời, có tài xế riêng, thư ký riêng và một khoản lương hưu đáng kể.

Những nguy cơ khác như bị tước Huân chương danh dự hay mất tư cách thành viên suốt đời trong Hội đồng Hiến pháp, nơi tập hợp tất cả các cựu nguyên thủ của nước Pháp cũng ít có khả năng xảy ra dù một số chính trị gia như bà Eva Joly, ứng cử viên Tổng thống của đảng Xanh đã lên tiếng yêu cầu.

Thiệt hại lớn nhất với ông Chirac, như bình luận của nhiều tờ báo Pháp là “cuốn tiểu sử của ông sẽ có một vết đen”./.

 

Theo VOV

 


.