Bạo lực đẫm máu sau bầu cử ở Ai Cập

07:12, 17/12/2011
.

Ít nhất ba người chết và 257 người bị thương trong làn sóng bạo lực tồi tệ nhất suốt nhiều tuần qua tại Ai Cập, phủ bóng đen lên cuộc bầu cử lịch sử mới đây.

Một người biểu tình Ai Cập bị thương được những người bạn đưa đi. Ảnh: AFP
Một người biểu tình Ai Cập bị thương được những người bạn đưa đi. Ảnh: AFP

Một quan chức Bộ Y tế Ai Cập nói với AFP rằng hai trong số ba người thiệt mạng bị bắn chết, trong khi truyền hình nước này đưa tin 3 người chết trong các cuộc đụng độ suốt đêm trên một con phố gần các tòa nhà chính phủ và quốc hội ở thủ đô Cairo. Các cuộc đụng độ kéo dài tới bình minh này là sự kiện đẫm máu nhất kể từ làn sóng bạo lực 5 ngày hồi tháng 11, khiến hơn 40 người thiệt mạng.

Một trong những người bị chết là Emad Effat, một giáo sĩ nổi tiếng của viện Dar al-Ifta. Effat được coi là một người tử vì đạo. Những đoạn video được đưa lên trang Youtube cho thấy vị giáo sĩ người đầy máu nằm sấp trên phố, trước khi được những người biểu tình đưa đi.

Làn sóng bạo lực ngày hôm qua bùng phát sau khi một người biểu tình nói rằng anh ta bị bắt và bị các binh sĩ chính phủ đánh. Điều này khiến những người biểu tình khác nổi giận và bắt đầu ném đá vào các binh sĩ. Những người biểu tình còn dùng cả bom xăng trong các cuộc đụng độ với lính chính phủ và cảnh sát quân sự. Họ yêu cầu tử hình ông Hussein Tantawi, người đứng đầu Hội đồng Tối cao Các Lực lượng Vũ trang, cơ quan nắm quyền lực ở Ai Cập sau khi cựu Tổng thống Hosni Mubarak rút lui.

Mostafa Hussein, một blogger ở Cairo, cho hay những người biểu tình cố tiến vào hành lang của các văn phòng nội các Ai Cập sau khi phá được cổng chính, nhưng sau đó bị đẩy lùi bởi một lực lượng binh sĩ đông đảo. Những nhân chứng tại hiện trường nhìn thấy nhiều người biểu tình đầy máu được đưa đi, trong khi nhiều người khác bị bắt.

Ai Cập chìm trong bất ổn từ đầu năm nay khi những người biểu tình tổ chức tuần hành đòi cựu Tổng thống Mubarak từ chức. Trước sức ép này, ông Mubarak buộc phải rút lui hồi tháng 2. Tuy nhiên, quốc gia này chưa hoàn toàn yên ổn kể từ đó tới nay. Các vụ bạo lực đẫm máu vẫn thường xuyên xảy ra, cả trước và sau cuộc bầu cử lịch sử mới đây.

 

Theo VnExpress


.