Người khổng lồ gục ngã

10:06, 03/06/2009
.
Những chiếc xe của GM trong tình trạng “đắp chiếu”. Ảnh: Theepochtimes.com
Những chiếc xe của GM trong tình trạng “đắp chiếu”. Ảnh: Theepochtimes.com
Cuối cùng thì sau nhiều tháng chống đỡ không kết quả, ngày 1-6, tập đoàn sản xuất ô tô lớn nhất nước Mỹ, General Motors (GM) - biểu tượng của sức mạnh kinh tế, niềm tự hào của nước Mỹ đã sụp đổ trước sức mạnh của “cơn bão tài chính” và phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản.

 

 

Ngập chìm trong thua lỗ và nợ, số phận của GM đã được định đoạt. Cách đây 3 hôm, GM đã hoàn tất hồ sơ xin bảo hộ phá sản với đề nghị thành lập một công ty mới mà 72,5% cổ phần sẽ thuộc sở hữu chính quyền liên bang. Đây được xem là một giải pháp làm yên lòng các cổ đông trước đó phản đối đề nghị đổi nợ lấy cổ phần của GM. Bây giờ họ sẽ có cơ hội sở hữu thêm cổ phần của công ty GM mới. Lãnh đạo GM cho biết kế hoạch thành lập công ty mới đã được Bộ Tài chính Mỹ thông qua, theo đó công ty mới này phải mua lại tài sản của GM cũ.

 

Công ty mới sẽ được thành lập trên cơ sở nhóm lại một số công ty nhánh vẫn làm ăn được, đồng thời cắt bỏ dứt điểm mọi yếu tố dẫn đến thua lỗ hoặc kém lãi, chi phí cao. Trong lịch sử trăm năm hình thành và phát triển, đã có 77 năm liền GM ngự trị ở ngôi vị số 1 thế giới trong ngành công nghiệp ô tô. Nói đến GM là người ta nghĩ đến một tập đoàn có thực lực rất vững mạnh. Tuy có vài lần gặp khó khăn do bị cạnh tranh gay gắt và lãnh đạo yếu kém những năm 1980 và 1991 khiến bị thua lỗ, nhưng GM khẳng định vị trí số 1 của mình.

 

Bước ngoặt báo hiệu ngày sụp đổ thực sự rõ ràng là từ năm 2007 và năm 2008. Trước những khó khăn của các tập đoàn ô tô lớn, trong đó có GM, chính quyền của Tổng thống B.Ô-ba-ma đã đồng ý hỗ trợ tài chính hàng chục tỉ đô-la. Nhưng đến hết quý I-2009, GM đã thực sự gục ngã trước “bão tài chính”. Đến lúc này thì chính quyền của ông Ô-ba-ma cũng hiểu rõ, khả năng trụ vững của GM không còn nên cần một giải pháp dứt điểm hơn là kéo dài thời gian "sống thực vật" của bệnh nhân lớn này.

 

Trước việc GM phá sản, các chuyên gia cảnh báo sự kiện này sẽ tác động tiêu cực lên thị trường chứng khoán Mỹ nói riêng và nền kinh tế Mỹ nói chung. Ước tính ban đầu, gần 500.000 viên chức nghỉ hưu, hơn 150.000 thành viên sống phụ thuộc vào chế độ bảo hiểm y tế và lương hưu của tập đoàn chắc chắn sẽ bị cắt giảm chế độ. Ngoài ra, công việc của hàng trăm nghìn nhân sự tại các điểm sản xuất và giao dịch của GM sẽ bị ảnh hưởng. Cổ phiếu của tập đoàn trên thị trường Mỹ đã sụt giảm thê thảm khi chốt phiên giao dịch ở mức 75 cent/1 cổ phiếu, mức giảm tồi tệ nhất từ năm 1932.

Theo QĐND Online


.