Taleban trỗi dậy ở Pakistan: Hậu hoạ khó lường

02:05, 15/05/2009
.

 
Tình hình an ninh của Pakistan thời gian gần đây ngày một xấu đi. Nếu trước đây cái tên Taleban vẫn gắn liền với chiến trường Afghanistan, thì những diễn biến gần đây cho thấy Taleban đang dần chuyển địa bàn hoạt động sang Pakistan.

 

Theo các nhà phân tích, những gì đang diễn ra tại Pakistan là hậu họa từ thái độ "tắc trách" của Mỹ. Cách đây gần chục năm, Mỹ tấn công tiêu diệt Taleban ở Afghanistan và để lại một chiến trường xơ xác; cuộc sống người dân khổ cực, mất niềm tin vào chính phủ. Điều đó đã tạo điều kiện cho tàn quân Taleban và al-qaeda hồi phục và mở rộng địa bàn đến lãnh thổ Pakistan. Bên cạnh đó một thực tế khách quan khác là trong thời điểm hiện tại, chính phủ của Pakistan không còn mạnh mẽ như trước đây. Đây là hệ quả từ những biến cố chính trị trong suốt thời gian qua ở quốc gia Nam Á này, nhất là từ khi Tổng thống "quân sự" Musharraf bị phế truất.

 

Sự bất lực của chính quyền Pakistan có thể thấy rõ sau khi Taleban chiếm thung lũng Swat ở khu vực tây bắc Pakistan vào tháng 2/2009. Chính phủ Pakistan đã ký hiệp định ngừng bắn với Taleban và chấp thuận cho áp dụng Luật Hồi giáo Sharia ở đây. Tuy nhiên, thỏa thuận hòa bình sau đó đã bị Taleban phá bỏ; đồng thời mở rộng tầm ảnh hưởng đến sát thủ đô Islamabad. Trước diễn biến này, với sức ép và sự hậu thuẫn của Mỹ, chính quyền Pakistan trong những ngày qua đã mở những cuộc tấn công lớn nhằm đẩy lùi lực lượng Taliban. Cuộc tấn công đã khiến hàng chục nghìn người dân bị mất nhà cửa.

 

Tình hình trên cho thấy Chính phủ của Tổng thống Zardari hiện đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng. Pakistan phải đương đầu với nguy cơ sụp đổ thực sự, nếu quân đội nước này chưa nhận rõ mối nguy hiểm to lớn mà lực lượng Taleban đang gây ra. Trong đó nguy hiểm nhất là khả năng thâm nhập của Taleban vào hàng ngũ quân đội nước này. Cũng không ai có thể khẳng định kho vũ khí hạt nhân của Pakistan sẽ không nằm trong tay bọn khủng bố, dù hiện giờ chính quyền Pakistan vẫn đang kiểm soát.

 

Các chuyên gia quân sự Mỹ cho rằng, cần có sự thay đổi cơ bản về biện pháp tiếp cận với các vấn đề của Pakistan nếu muốn giành chiến thắng, ít nhất là trong cuộc chiến chống khủng bố tại đây. Trong bối cảnh hiện nay, cuộc chinh phục "con tim và khối óc" của người dân Pakistan có thể còn quan trọng hơn các chiến dịch quân sự nhằm vào lực lượng nổi dậy. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton cũng đã yêu cầu Quốc hội tài trợ khẩn cấp gần 500 triệu USD để bình ổn nền kinh tế Pakistan, củng cố hệ thống luật pháp và cứu giúp người tị nạn. Hy vọng đây sẽ là giải pháp giúp Mỹ có thể giữ vững "thành trì chống khủng bố" ở Pakistan, trước khi hướng sang trọng điểm Afghanistan và rộng hơn là vùng Tây Á trong tương lai.

Như Quỳnh


.