Khi phụ nữ đam mê bóng chuyền

02:06, 20/06/2016
.

(Báo Quảng Ngãi)- Chơi bóng chuyền đối với chị em phụ nữ ở đồng bằng đã là chuyện hiếm. Vậy mà, ở xã Trà Xinh (Tây Trà) lại có đến 8 đội bóng chuyền nữ.

Xã có nhiều đội bóng chuyền nữ

Đi từ đầu đến cuối xã Trà Xinh, thậm chí vào đến các thôn xa xôi, hẻo lánh như Trà Ôi vào những buổi chiều chúng ta dễ dàng bắt gặp những trận bóng chuyền giữa các đội bóng nữ. Đang cùng chị em chơi bóng tại sân bóng trung tâm xã, chị Hồ Thị Viên bảo, ban đầu nghe mọi người gọi đi chơi bóng chuyền tôi ngại lắm. Bởi phụ nữ đã có chồng con nên công việc quá nhiều. Với lại, sau một ngày lên rẫy mệt mỏi lại ra sân chạy nhảy sợ không đủ sức. “Mình chỉ dám đến sân xem, rồi nhặt bóng giúp. Hôm đó thấy thích quá nên "nhập cuộc" và trở thành cầu thủ luôn. Giờ chiều nào mà mắc công việc nhà không ra sân được là tay chân “ngứa ngáy” lắm!”, chị Viên cho hay.
 

 

Phụ nữ xã Trà Xinh tham gia đánh bóng chuyền để rèn luyện sức khỏe.
Phụ nữ xã Trà Xinh tham gia đánh bóng chuyền để rèn luyện sức khỏe.

Hiện nay, ngoài 15 đội bóng chuyền nam, thì ở xã Trà Xinh còn có 8 đội bóng chuyền nữ, hầu hết là chị em đồng bào dân tộc thiểu số. Ông Nguyễn Thanh Hải - Trưởng phòng Văn hóa- Thông tin huyện Tây Trà cho biết, Trà Xinh là xã có phụ nữ chơi bóng chuyền nhiều nhất ở Tây Trà.

Khỏe để làm việc tốt hơn

Chị Phạm Thị Hẹo, giáo viên Trường Tiểu học Trà Xinh, một người tham gia đánh bóng chuyền cho biết, chị quê ở thị trấn Ba Tơ lên Trà Xinh công tác. Ở trên này buồn hơn ở quê. Ngoài thời gian lên lớp còn lại chỉ biết ôm sách vở, giáo án ra đọc. Sau khi tham gia tập bóng chuyền thấy vui và khỏe nên chiều nào cũng ra sân làm vài hiệp rồi mới về phòng lo cơm nước. Chơi thể thao để giảm căng thẳng sau một ngày làm việc và giúp tinh thần thoải mái hơn.

Vừa phải lo chuyện cơm nước cho gia đình, chăm đàn heo và ngày nào cũng lên rẫy, thế nhưng cứ chiều đến chị Hồ Thị Điếu, lại đều đặn ra sân thi đấu bóng chuyền. Sau hơn 4 năm tham gia đánh bóng chuyền, giờ chị Điếu là một trong những chủ công đắc lực của đội bóng khu vực trung tâm xã. “Chơi bóng chuyền tưởng mất sức ngày hôm sau không đi làm nổi, nhưng ngược lại thấy sức khỏe tăng lên. Nhờ đó mà mình làm công việc nhà trôi chảy nên chồng ủng hộ mình chơi thể thao lắm”, chị Điếu tâm sự.

Người gầy dựng phong trào

Từ chỗ "trắng" phong trào thể dục, thể thao, đến nay Trà Xinh là xã đi tiên phong trong lĩnh vực này của huyện Tây Trà, nhất là thể thao của chị em phụ nữ. Để có được điều này công lớn thuộc về chị Đinh Thị Kiều Oanh, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã. Chị Oanh cho biết, trước đây hầu hết chị em ở đây ngoài giờ đi làm thì về nhà lo cơm nước cho chồng con mà không tham gia bất kỳ hoạt động nào để gắn kết chị em phụ nữ lại. Trong khi mình là một cán bộ phụ nữ thì phải làm sao để phát huy tinh thần của chị em, vừa làm tốt công việc, vừa tăng sức khỏe.
 
“Hôm đó lên huyện công tác vô tình nhìn thấy các em học sinh Trường THPT Tây Trà chơi bóng chuyền tôi nảy ra ý tưởng mua bóng về kêu gọi chị em tập chơi bóng. Ban đầu gian nan lắm! Nhiều chị em khi nghe mình rủ chơi bóng chuyền đã từ chối ngay. Nhưng cũng có một số chị em tham gia.

Riêng tôi không biết đánh bóng chuyền là gì cũng tự nguyện cùng chị em đánh để làm gương. Dần dà vừa thuyết phục vừa động viên nên số lượng các chị tham gia cứ tăng lên. Nhờ đó, mà xã mới có các đội bóng chuyền hùng hậu như hiện nay”, chị Oanh cho biết.
 
Bài, ảnh: NGỌC QUANG


 

.