"Nữ hoàng chân đất" Phạm Thị Bình: Bình yên bên ngoài đường đua

06:09, 19/09/2015
.

(Báo Quảng Ngãi)- Hẹn cà phê với Bình vào một buổi sáng nắng nhẹ sau bão. Giọng Bình hiền khô, đầy hóm hỉnh khi kể về chuỗi ngày sau khi cô giã từ đường đua marathon.

TIN LIÊN QUAN

Bình mà tôi nhắc đến là “cô gái vàng” của điền kinh Việt Nam Phạm Thị Bình (27 tuổi), người được mệnh danh là “nữ hoàng chân đất” của môn marathon. Nhờ Bình mà tại Seagames 27 được tổ chức ở Myanmar, điền kinh Việt Nam có HCV đầu tiên ở bộ môn marathon. Hay trước đó là HCĐ tại giải vô địch marathon Châu Á, cùng nhiều danh hiệu lớn nhỏ ở các giải đấu quốc nội.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Quang Thích tặng Bằng khen của UBND tỉnh cho Phạm Thị Bình.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lê Quang Thích tặng Bằng khen của UBND tỉnh cho Phạm Thị Bình.


Sau tấm HCV ở Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII - năm 2014, Bình chuyển sang công tác huấn luyện tại Đội điền kinh trẻ của tỉnh Quảng Ngãi. Gặp tôi, Bình liền khoe là đã được vào biên chế của Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh (thuộc Sở VH-TT&DL) từ đầu tháng 7 vừa qua. Bình bảo, so với nhiều vận động viên khác sau khi giải nghệ, Bình may mắn khi được địa phương hỗ trợ, chăm lo nhiều. Với vận động viên từng đối diện với “tử thần” vì bệnh tim, hạnh phúc bây giờ là hai chữ bình yên bên cạnh những người yêu thương, với những dự định mới trong tương lai.

Đôi vợ chồng trẻ còn bộn bề nỗi lo, nhưng niềm vui thì luôn ngập tràn. Chồng Bình - anh Nguyễn Ngô Đại là Chủ nhiệm CLB tình nguyện Nhiệt huyết trẻ Quảng Ngãi. Nhờ những chuyến đi thiện nguyện cùng CLB mà Bình đã bén duyên với chàng thủ lĩnh thanh niên giàu lòng nhân ái và sôi nổi này.

Công việc hằng ngày của Bình được chia làm hai “ca”. Buổi sáng Bình phải dậy từ 4 giờ sáng để bắt đầu công tác huấn luyện. Đến 6 giờ rưỡi, Bình kết thúc buổi huấn luyện đầu tiên trong ngày. Đến chiều, khoảng 3 giờ 30 phút là Bình lại có mặt tại sân vận động tỉnh để tiếp tục chỉ dạy cho năm cô học trò nhỏ. Việc chăm lo cho những cô học trò tuổi chỉ xấp xỉ 14, khiến Bình bở hơi tai. Vì đang tuổi mới lớn nên tính tình của các học trò cũng rất khó đoán, nên Bình càng phải sâu sát, nhắc nhở từng chút một. Nhưng Bình bảo, được chứng kiến các em tiến bộ từng ngày khiến Bình cảm thấy rất vui. Hy vọng có ngày, điền kinh Quảng Ngãi sẽ được hái quả ngọt từ những “mầm non” này.

Bình luôn trăn trở về việc học văn hóa của các vận động viên. Bình tâm sự: “Quãng đời làm vận động viên không dài. Chừng khoảng 10 năm, thậm chí với nhiều vận động viên còn ít hơn khi tài năng không phát triển nữa sẽ phải chia tay để chuyển sang ngã rẽ khác. Khi còn là vận động viên, nếu học hành chẳng đến nơi đến chốn, các em sẽ chịu rất nhiều thiệt thòi sau khi giã từ sự nghiệp thi đấu”. Từ suy nghĩ trên mà Bình bàn với Huấn luyện viên Trần Văn Nhân, đề ra nội quy cho các vận động viên trẻ với 14 nội dung; trong đó, nhấn mạnh việc đi học văn hóa phải chăm chỉ và nghiêm túc.

Hỏi Bình, chắc là vận động viên nổi tiếng thì khỏi phải lo chuyện “cơm áo gạo tiền” nhỉ? Bình cười hiền khô, rồi nói: Vợ chồng Bình hiện vẫn phải sống trong căn phòng nhỏ được Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh “cho mượn”. Nhưng vợ chồng còn trẻ mà, cố gắng tích cóp rồi từ từ “ra riêng”. Dù đã có chồng, nhưng Bình vẫn cùng gia đình phụ giúp hai em đang học Đại học TDTT Đà Nẵng nhờ đồng lương ít ỏi của mình và khoản thu nhập có được khi là đại sứ thương hiệu của nước khoáng Thạch Bích. Bình vẫn mong rằng, lo cho các em học xong, thì vợ chồng sẽ đón chào thêm thành viên mới. Khi ấy, chắc cực nhưng vui lắm anh nhỉ?... Bình hỏi tôi mà như đã tự trả lời cho chính mình.

Bài, ảnh: NGUYỄN TRIỀU

 


.