Khởi tố vụ cá độ tại The Vissai Ninh Bình

08:04, 16/04/2014
.

Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án đánh bạc và tổ chức đánh bạc tại đội Ninh Bình, liên quan đến trận đấu tại AFC Cup. Tuy nhiên, trước đó cơ quan cảnh sát điều tra cũng đã vào cuộc để mở rộng điều tra và có thể khẳng định sự việc không dừng lại ở trận đấu với Kelantan và vẫn còn nhiều câu hỏi cần được trả lời.
 

Không chỉ dừng lại ở trận đấu với Kalantan, còn có nhiều trận đấu của Ninh Bình ở V-League đang được mở rộng điều tra. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Không chỉ dừng lại ở trận đấu với Kalantan, còn có nhiều trận đấu của Ninh Bình ở V-League đang được mở rộng điều tra. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG



Cá độ có tổ chức

Vụ án được chính thức khởi tố sau khi xảy ra việc một nhóm cầu thủ xin đổi lời khai, qua đó cho rằng thủ môn Nguyễn Mạnh Dũng (tuyển thủ quốc gia và U.23) mới là chủ mưu. Ngoài ra, đã xuất hiện thêm các thông tin cho biết, trận đấu với Kelantan không phải là duy nhất mà có thêm một trận đấu khác của Ninh Bình tại AFC Cup cũng được làm độ, cũng có thể là “ông trùm” vẫn chưa bị cơ quan điều tra “sờ gáy”. Đấy là chưa kể, có 3 trận đấu của Ninh Bình tại V-League đã đưa vào tầm ngắm.

Tính chất của vụ việc cho thấy rất khó có khả năng các cầu thủ chỉ đánh cược một trận duy nhất. Theo tìm hiểu của chúng tôi, không thể có chuyện nhận độ qua điện thoại lên đến hơn 1 tỷ đồng nếu không nằm trong “đường dây” hoặc đã “làm ăn” với nhau nhiều lần. Hơn nữa, nếu đây chỉ là lần đánh cược duy nhất thì không cầu thủ nào có thể mạo hiểm rủ rê đến hơn chục người tham gia vì quá rủi ro. Ngoài ra, số tiền độ không hề nhỏ nên khó có chuyện đây mới là lần đầu của những cầu thủ tham gia chơi ở trận đấu này.

  Vì sao đều là cầu thủ trẻ?

Có một điều đáng để suy nghĩ, đó là các vụ bán độ đình đám nhất của bóng đá Việt Nam đều liên quan đến các cầu thủ trẻ. Đầu tiên là vụ tiêu cực tại đội U.23 dự Cúp JVC hồi năm 2003, qua đó trung vệ Vũ Như Thành bị treo giò 5 năm. Kế đến là vụ dàn xếp tỷ số tại SEA Games 2005 với 6 cầu thủ U.23 và bây giờ, trong danh sách 11 cầu thủ có liên quan đến tiêu cực tại Ninh Bình, đa số đều còn trẻ, có đến 4 tuyển thủ U.23.

Ngoài ra, bóng đá Việt Nam cũng từng trải qua các nghi ngờ về bán độ tại SEA Games 2001, chung kết SEA Games 2009 hay vòng bảng SEA Games 2011. Mới đây, trận đấu tại BTV Cup 2013 của đội U.23 cũng đã khiến dư luận giận dữ.

Có 2 cách giải thích: Thứ nhất, cầu thủ trẻ nên dễ bị “nhúng chàm” do sự hiểu biết và bản lĩnh chưa nhiều. Thứ hai, đó là môi trường của bóng đá Việt Nam quá nhiều tiêu cực và ngay từ lúc còn trẻ, các cầu thủ đã làm quen với việc cá độ, rồi dẫn đến bán độ. Nhiều chuyên gia trong nghề nghiêng về cách giải thích thứ hai hơn vì trên thực tế, nhiều cầu thủ khi trẻ nhúng chàm vẫn “ngựa quen đường cũ” khi trưởng thành. Tiêu biểu như trường hợp của cầu thủ Vũ Như Thành sau án treo giò 5 năm, trở lại thi đấu vẫn thừa nhận mình tiếp tục cá độ quốc tế.

Cần thời gian làm đến nơi đến chốn

Theo một báo cáo của Ban tư vấn đạo đức thuộc Công ty VPF, riêng tại V-League 2013, đội Ninh Bình đã liên quan đến ít nhất 3 trận đấu có biểu hiện tiêu cực với chung một kịch bản là tỷ số trận đấu luôn có 5 - 6 bàn thắng một cách bất thường. Còn tính luôn cả giải đấu, ít nhất 9 trận đấu của các đội khác bị nghi ngờ. Trên thực tế, việc Công an Ninh Bình khởi tố vụ án chỉ mới là “phát súng” đầu tiên, quá trình điều tra đang được mở rộng. Động thái xin dừng thi đấu tại V-League của lãnh đạo đội Ninh Bình cho thấy sự việc không chỉ dừng lại ở đây.

Vì lẽ đó, nếu cần thiết vẫn phải tạm ngưng thi đấu V-League một thời gian nhất định để làm rõ mọi việc, tránh tình trạng giải đấu tiếp diễn trong bầu không khí đầy nghi ngờ như hiện nay.
 

Theo ĐĂNG LINH/SGGPO

 


.