Thảo Nguyên và những vần thơ khe khẽ

10:11, 30/11/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Sinh năm Đinh Hợi (1947), năm nay, Thảo Nguyên (Lê Văn Diêu) bước vào tuổi 75 và “Khe khẽ” là tập thơ thứ 5 của Thảo Nguyên vừa được Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành tháng 10/2022. Trong lời giới thiệu, nhà thơ Thanh Thảo đã nhận xét rất thấu đáo rằng: “Tôi được đọc thơ Thảo Nguyên ngay từ tập thơ đầu tay của anh. Ngày ấy, tôi đã nhận xét, bây giờ đọc lại vẫn không cần sửa: Thơ Thảo Nguyên mộc mạc - chân thành và hồn nhiên - bất ngờ như con người anh”.
 
Cả quãng đời tuổi trẻ dấn thân vào cuộc kháng chiến, và đi suốt thời chiến sang thời bình, thơ Thảo Nguyên vẫn cứ “khe khẽ” nói lên những trải nghiệm, những “hồi tưởng” của chính mình: Đâu dễ quên một thời/ Vượt qua đạn bom rơi/ Giờ ngồi hồi tưởng lại/ Trải nghiệm với cuộc đời (Một thời).
 
Đến cả việc nói về hồn thiêng sông núi qua “Cung bậc Tiến quân ca”, Thảo Nguyên vẫn cứ nói một cách “hồn nhiên - chân thành - mộc mạc”: “Hồng Hà trào dâng sóng/ Cửu Long soi hình bóng/ Gió lộng vang cồng chiêng/ Dội đến khắp mọi miền/ Mang hồn thiêng nước Việt (Cung bậc Tiến quân ca).
 
Liên tưởng đến con sông chia cách Bắc - Nam thời kháng chiến, Thảo Nguyên cũng nói trong “nhịp thở” tim mình gửi theo tiếng “gọi gió đưa” nhè nhẹ: “Anh gọi gió đưa em về bến nhỏ/ Sông Hiền Lương nhịp thở mãi mãi theo” (Bến nhỏ).
 
Dường như đến nơi đâu, ngồi bất cứ nơi nào, trên môi Thảo Nguyên cũng cứ nhâm nhẩm thơ rồi hồn nhiên ghi lại. Một vạt Dã Quỳ Đà Lạt: “Vạt Dã Quỳ vàng cả trời mơ/ Vạt Dã Quỳ đọng lại chút thơ (Đà Lạt yêu); một “dòng sông Trẹm êm đềm”: “Cảnh tiên đất mũi hồn thiêng/ Bên dòng sông Trẹm êm đềm trăng thu” (Về đất Mũi); rồi trải theo sông nước phương Nam với Bạc Liêu, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Phú Quốc, Cửu Long giang... Nơi nào Thảo Nguyên cũng “khe khẽ” gọi hồn những chi tiết thơ làm nên đặc trưng vùng đất ấy với “nhà công tử”, “gạo trắng nước trong”, “đờn ca tài tử”: “Về với Bạc Liêu, thăm nhà công tử/ Nơi đây lưu giữ, vang bóng một thời/ Lục tỉnh à ơi, An Giang, Đồng Tháp/ Vĩnh Long, Phú Quốc, sóng nước Cửu Long/ Gạo trắng, nước trong: Đờn ca tài tử” (Vạch xuất/ Hành trình).
 
Về đất thiêng Hà Nội, Thảo Nguyên cũng “khe khẽ” gọi những điều nhỏ nhẻ theo trí nhớ của mình hiện lên từ quá khứ đến hiện tại: “Anh về Hà Nội luôn có em/ Nhớ gánh hàng hoa một thuở êm đềm/ Nhớ nửa chừng xuân vẫn còn duyên dáng/ Vẫn yêu kiều, yêu hồn bướm mơ tiên/ Giữ trong lòng một khoảng trời riêng/ Đâu đoạn tuyệt với đời mưa gió/ Bao chuyện tình còn hằn sâu trong đó/ Đến bây giờ đâu dễ đã quên” (Hà Nội luôn có em). Lang thang Sài Gòn, Thảo Nguyên nhớ ngay Trung Niên thi sĩ Bùi Giáng, tưởng như gã điên Vân Mồng Bùi Bàng Dúi cũng đang lang thang cùng anh dưới hàng me, dưới ánh đèn đường: “Lang thang Bùi Giáng/ Hàng me vắng hoe/ Đèn đêm lắng nghe/ Hồn anh rảo bước” (Lang thang).
 
Rồi bất chợt, hồn thơ Thảo Nguyên lại quay về thực tại, thỏ thẻ những câu thơ tự nhiên như lời nói, mộc mạc như câu chuyện tỉ tê: “Nghe tôi vào Sài Gòn, anh Đoàn Minh Tuấn gọi/ Cậu lang thang ở đâu? Em đang ngồi quán cóc/ Anh Minh Tuấn chọc, có bóng hồng nào không?/ Chỉ có bống và bông, thích không em điều tới”. Hết cợt đùa cùng Đoàn Minh Tuấn, lại nâng ly đưa hơi cùng Nguyễn Quang Sáng để bâng khuâng gợi lại thuở chiến trường: “Nguyễn Quang Sáng đang qua, cùng vui nhau chiết tửu/ Em đâu dám uống rượu, xin phục vụ các anh/ Lại nói về chiến tranh, để được thêm dòng chảy/ Cùng chìm vào trong ấy, đêm nhớ về Sài Gòn (Đêm Sài Gòn). Trong những ngày lang thang ấy, tất nhiên, anh cũng đã gặp những bóng giai nhân khiến lòng bỗng “giật mình” thốt lên “khe khẽ” thành thơ: “Lữ khách lang thang ngồi quán gió/ Bất ngờ xuất hiện bóng giai nhân/ Hỏi ra, thục nữ từ đâu đến/ Giật mình văng vẳng tiếng chuông ngân” (Giật mình).
 
So với 4 tập thơ trước, “Khe khẽ” lần này không hiểu sao Thảo Nguyên nhắc đến rất nhiều những danh tài, văn nghệ sĩ của cả nước, kể cả người đã khuất cũng như người hiện còn. Kể cả những danh nhân nơi quê hương núi Ấn sông Trà cho đến rất nhiều danh nhân, văn nhân trên cả nước. Nơi xa, Thảo Nguyên nhớ đến Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Hữu Đang, Văn Cao, Phùng Quán... Ở quê, bên cạnh Tế Hanh, Bích Khê, Thanh Thảo, anh còn nhắc đến cả những Cao Bá Quát, Nguyễn Cư Trinh, Tạ Tương: “Trà Giang ai còn nhớ/ Chu Thần đã từng qua/ Nhắm giọt rượu sông Trà/ Ngẩn ngơ chiều Thiên Ấn/ Nguyễn Cư Trinh thơ thẩn/ Sao Thiên Bút phê vân/ Sà xuống áng thơ ngần/ Tạ Tương đang cày chữ” (Mãi với sông Trà).
 
Rồi nhớ đến mẹ cha cũng là nhớ về những chi tiết mang tính văn nghệ như “tiếng mẹ ru” và những vần thơ người cha để lại: “Dặm trường con đã vượt qua/ Lợi danh, phú quý chỉ là phù du/ Nhớ thơ, nhớ tiếng mẹ ru/ Lắng trong tâm khảm, mặc dù khuất xa/ Con luôn giữ mãi thơ cha/ Tiếp thêm năng lượng, ngân nga với đời” (Ngờ đâu). Thảo Nguyên còn thể hiện lòng yêu thương quê hương tha thiết với những đặc sản khó quên và những danh thắng hữu tình: “Nhớ bờ xe nước thầm thì/ Thài bai nước lợ đôi khi chạnh lòng/ Con don, con hến, lòng tong/ Bồng bềnh theo sóng trên dòng Trà Giang/ Bút thiêng đâu cạn suối ngàn/ Chuông chùa Thiên Ấn chứa chan ân tình” (Ai yêu).
 
Đối với người làm thơ, những rung cảm bất ngờ dễ trở thành thi tứ. Tập “Khe khẽ” của Thảo Nguyên đã đưa ta đến với những bất ngờ và mới mẻ từ tứ thơ đến cả tiết điệu thơ trong từng câu chữ: “Khe khẽ, gió che ru nhè nhẹ/ Nhớ cha, nhớ mẹ ru con vào đời” (Khe khẽ).
 
MAI BÁ ẤN
 

.