Còn đây, văn hóa làng

08:02, 06/02/2022
.
(Báo Quảng Ngãi)- Giữa cuộc sống hiện đại với bao đổi thay, nhiều làng quê xứ Quảng vẫn lưu giữ nét cổ kính, mộc mạc của “ngày muôn năm cũ”. Ở đó, nét đẹp văn hóa đặc trưng của làng vẫn được bao lớp người gìn giữ và lưu truyền.
[links()]
 
Vẹn nguyên không gian xưa
 
Nắng tháng Chạp ngập tràn sông Phước Giang xanh mát, hong lên mái ngói rêu phong của đình làng và những rặng chè tàu xanh mướt uốn lượn khắp nẻo đường ở làng Phước Lâm, xã Hành Nhân (Nghĩa Hành). Nét đặc biệt ở làng Phước Lâm là những hàng rào, cổng ngõ được cắt tỉa duyên dáng từ cây cối xanh rì cùng nhiều mái nhà và đình làng có tuổi đời cả trăm năm. “Hàng cây chè tàu này đã gắn bó với nhà tôi gần nửa thế kỷ nay. Dẫu trải qua bao phen lụt lội, nước sông tràn vào làng làm ngập đường, ngập nhà. Nhưng hàng rào chè tàu thì cứ tươi tốt, xanh mãi như vậy”, vừa tỉa lại hàng rào chè tàu chuẩn bị đón xuân, cụ ông Đoàn Khắc Lập (90 tuổi), ở làng Phước Lâm, tự hào kể.
 
Đình làng rêu phong hơn 200 năm tuổi tọa lạc ngay trung tâm làng Phước Lâm, xã Hành Nhân (Nghĩa Hành).  ẢNH: Ý THU
Đình làng rêu phong hơn 200 năm tuổi tọa lạc ngay trung tâm làng Phước Lâm, xã Hành Nhân (Nghĩa Hành). ẢNH: Ý THU
Một lòng gìn giữ nếp nhà, nếp vườn xưa, nên hầu hết gia đình ở Phước Lâm đều vun trồng và làm hàng rào, cổng ngõ từ cây xanh. Qua đôi bàn tay khéo léo của người làng, từng bụi chè tàu, ngâu, bông trang... trở thành bờ rào xanh vững chãi, ôm ấp lấy hơn 150 nóc nhà, uốn lượn theo khắp cung đường làng ngang, dọc.
 
Không chỉ là ngôi làng đi ngược lại với xu hướng bê tông sân vườn đương đại, mà không gian thuần Việt của làng còn lưu lại rõ nét tại mái đình làng rêu phong cùng cây đa, giếng nước và tầng tầng, lớp lớp lũy tre xanh bao bọc lấy làng.
 
Tọa lạc ngay trung tâm làng Phước Lâm, đình Lâm Sơn dù đã tồn tại hơn 200 năm với bao khắc nghiệt của thiên nhiên và chiến tranh tàn phá, nhưng kiến trúc đình vẫn được các thế hệ người làng Phước Lâm luân phiên gìn giữ gần như nguyên vẹn mãi đến giờ. Phía trước đình làng là chiếc cổng dựng từ thời Gia Long được bảo tồn nguyên trạng. Sau đình là cây đa cổ thụ được người làng nâng niu, chăm sóc, bảo vệ, tỏa bóng mát cho làng đằng đẵng hơn 300 năm qua.
 
Gìn giữ văn hóa truyền thống, tại đình làng, người dân Phước Lâm luôn kính cẩn tổ chức hai lễ tế chính gồm tế Xuân vào tháng 2 và tế Thu vào tháng 8 âm lịch hằng năm. Ngoài ra, vào các dịp như giỗ Tổ Hùng Vương, rằm tháng Giêng, tháng 7, tháng 10 âm lịch, người làng cũng thành kính dâng hương, sửa soạn mâm cỗ để cúng đình.
 
Lưu dấu “tục cũ, nếp xưa” 
 
Người làng Phước Xã, xã Đức Hòa (Mộ Đức) không ai nhớ rõ lễ cúng nghĩa trủng của làng có tự bao giờ. Chỉ biết rằng, mỗi thế hệ người làng lớn lên, ngoài thờ cúng tổ tiên, họ còn có truyền thống chăm lo hương khói và làm lễ cúng nghĩa trủng vào ngày 16/4 âm lịch. Khu vực tế lễ được thực hiện ngay dưới gốc đa mấy trăm năm tuổi tỏa bóng sum suê đầu làng, nơi có nhiều ngôi mộ vô danh.
 
Người dân phường Phổ Vinh (TX.Đức Phổ) tổ chức lễ tế Xuân tại lăng thần thủy tổ Nam Hải vào ngày 12/2 âm lịch hằng năm.                                                                      ẢNH: Ý THU
Người dân phường Phổ Vinh (TX.Đức Phổ) tổ chức lễ tế Xuân tại lăng thần thủy tổ Nam Hải vào ngày 12/2 âm lịch hằng năm. ẢNH: Ý THU
Là một trong ba lễ lớn nhất trong năm của làng, nên lễ cúng ở Phước Xã luôn thu hút rất đông người dân tham gia. Gắn với lễ tế là câu chuyện đẹp về văn hóa làng. “Lễ cúng nghĩa trủng là tín ngưỡng dân gian được người làng tôi duy trì từ đời này sang đời khác, thể hiện sự cảm thông sâu sắc của người đang sống với những thân phận bất hạnh đã khuất. Đó có thể là những người đã vong thân vì nước, thân xác, mộ phần bị chôn vùi;  người mất đi nhưng không có người thân thích hương khói...”, cụ Ngô Văn Hoa, người chăm lo hương khói, cúng tế tại nghĩa trủng ở Phước Xã, chia sẻ.
 
Còn ở xã Bình Dương (Bình Sơn), tiếp nối phong tục tập quán gắn liền với nghề nông của cha ông, người dân làng Đông Yên 2 sau khi thu hoạch xong đều tổ chức cúng Thần Nông. Khu vực tổ chức lễ là miếu thờ Thần Nông tọa lạc cạnh cánh đồng lúa rộng thênh thang ở xóm Đập. “Theo tập tục, chúng tôi sẽ dâng những chén cơm nóng còn thơm mùi lúa mới vừa thu hoạch được để cúng thần. Kèm với cơm trắng, là các món mặn như thịt heo, thịt gà để mâm cúng thần được tươm tất. Ngoài cúng tại miếu, người dân cùng canh tác trên một cánh đồng còn góp tiền mua sắm lễ vật rồi ra đồng để “cúng đồng”, nhằm cảm tạ trời đất, thổ địa đã phù hộ cho mùa màng bội thu”, cụ Lê Văn Bảy (85 tuổi), ở thôn Đông Yên 2, bồi hồi kể.
 
Xuôi về phía biển, các lễ, hội truyền thống như lễ nghinh Ông, lễ cầu ngư gắn với tín ngưỡng thờ cá Ông vẫn luôn được ngư dân các vạn chài gìn giữ vẹn nguyên qua tháng rộng năm dài. Tại làng chài Tuyết Diêm, xã Bình Thuận (Bình Sơn), cứ đến lệ tế Xuân diễn ra vào ngày rằm tháng 2, ngư dân lại tề tựu về lăng vạn Tuyết Diêm 2, người dọn bàn thờ, người sắm lễ vật... chuẩn bị cho lễ nghinh Ông - một nghi thức rước cá Ông (được người miền biển mệnh danh là thần Nam Hải phù trợ cho dân chài) về dự lễ với dân làng.
 
Ở làng chài Nam Phước, phường Phổ Vinh (TX.Đức Phổ), vào ngày 12/2 âm lịch hằng năm, người làng cũng xúm xít tụ họp về lăng thần thủy tổ Nam Hải để tổ chức lễ tế Xuân. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, nhưng mọi nghi thức cúng tế vẫn vẹn nguyên nét truyền thống.
 
Khi tìm hiểu về văn hóa làng ở Quảng Ngãi, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Văn Mạnh cho rằng, văn hóa làng ở Quảng Ngãi là tổng thể những giá trị vật chất và tinh thần, vật thể và phi vật thể. Những đặc trưng về địa hình và đất đai vùng đồng bằng ven biển Quảng Ngãi đã tạo nên những loại hình làng nông nghiệp, ngư nghiệp, thủ công nghiệp, nông - lâm nghiệp, nông - ngư nghiệp. Mỗi loại làng đều có những đặc trưng văn hóa đặc thù như làng ngư nghiệp phổ biến tục thờ cá Ông và những trò diễn xướng nghề đánh bắt cá, lễ hội nghề cá; làng nông nghiệp có tín ngưỡng thờ cúng nông nghiệp cầu mong thổ thần, tổ tiên phù hộ mùa màng... nhưng vượt lên trên hết, là tinh thần vượt khó của người Quảng Ngãi. 
 
Cuộc sống đương đại hối hả. Tục cũ, nếp xưa tại nhiều nơi cũng dần mai một! Vậy nên, chọn lọc và trao truyền nhau gìn giữ phong tục, tập quán đẹp của làng là cách mà người dân ở các ngôi làng "xưa cũ" này kể lại cho thế hệ mai sau về một thời mở đất lập làng, về nền văn hóa làng trăm năm vẫn còn đây...
 
Ý THU
 
 
 
 

.