Nghệ nhân Nhân dân người Hrê

08:12, 23/12/2021
.

(Baoquangngai.vn)- Người dân ở thôn Nước Lui, xã Ba Vinh (Ba Tơ) đã quen thuộc với tiếng đàn, tiếng sáo vang lên trong ngôi nhà sàn của Nghệ nhân Nhân dân Phạm Văn Sự. Căn nhà của ông Sự như một “bảo tàng” âm nhạc thu nhỏ của người Hrê. 

[links()]

NGƯỜI THỔI HỒN VÀO TRE NỨA

 
Chúng tôi tìm đến nhà ông Phạm Văn Sự vào buổi sáng mùa đông yên tĩnh của miền sơn cước. Bên chái nhà sàn, góc bếp, góc sân của ông sự, ở đâu cũng thấy nguyên liệu để chế tác ra nhạc cụ truyền thống của người Hrê.
 
Sáng sớm, trong căn nhà ấy thường phát ra những âm thanh của tiếng đàn Vroác, Ra Đoong, Ka Râu, Rin Ru (Chingkala), ra ngói (đàn môi), sáo Ta lía… báo thức mọi người dậy sớm nấu cơm mang đi làm rẫy, gọi lũ trẻ dậy sớm đến trường. Ban đêm, từ ngôi nhà ấy cũng thường phát ra những âm thanh vang vọng trong không gian yên ả của núi rừng như giúp dân làng xua tan mệt mỏi sau một ngày lao động vất vả.
 
Nghệ nhân Nhân dân Phạm Văn Sự thổi hồn
Nghệ nhân Nhân dân Phạm Văn Sự thổi hồn vào tre nứa cho ra các nhạc cụ truyền thống của người Hrê.
Nhấp ngụm nước chè xanh, ông Sự bắt đầu kể về quá trình chế tác các nhạc cụ từ tre, nứa, thân cây rừng. Lúc 13 tuổi, thấy cha mình sở hữu nhiều nhạc cụ. Mỗi khi trong làng có lễ cúng, tiếng đàn của cha và các già làng ngân vang hòa quyện cùng làng điệu ca choi, ta lêu mượt mà khiến ông say đắm.
 
Những lần vào rừng, ông chặt lấy ống tre, nứa, lồ ô về học theo cha làm các loại nhạc cụ cho riêng mình. Không chỉ biết chế tác nhạc cụ, ông Sự còn hòa tấu nhạc cụ do chính mình làm ra, đó cũng là cách ông thỏa niềm đam mê và lưu giữ hồn âm nhạc của dân tộc mình.
 
“Thời 15 tuổi, tôi đi bộ đội, cây đàn Vroác theo tôi đi khắp chiến trường. Nó như người bạn tâm tình và là vũ khí khích lệ bộ đội chiến đấu”, ông Sự bộc bạch.
 
Hơn 82 tuổi, nụ cười hồn nhiên, đôn hậu, đôi chân còn khỏe, đôi mắt còn tinh tường, ông vẫn thường lên rừng, xuống suối để tìm nguyên liệu về chế tác nhạc cụ. Đôi tay ông vẫn điêu luyện nhẹ lướt trên phím đàn.
 
a
Chiếc đàn Rin Ru được ông Sự chế tác từ ống tre.
 

"Người nghệ nhân phải thực sự đam mê, am hiểu về đặc tính, cấu tạo của âm thanh từng loại nhạc cụ thì mới chế tác được một nhạc cụ hoàn chỉnh"

Nghệ nhân Nhân dân PHẠM VĂN SỰ

Để có được nhạc cụ hay, cho âm thanh bay bổng, ông phải đi rất xa, lặn lội vào rừng sâu tìm nguyên liệu. Như loại nhạc cụ phổ biến nhất là đàn Vroác, loại đàn để tấu các làn điệu dân ca mang tính tự sự, ru con.

Cần đàn Vroác được làm từ tre, nứa hoặc lồ ô thẳng xuyên vỏ quả bầu khô rỗng ruột. Đàn có 9 phím mắc 2 dây, vỏ quả bầu vừa đẹp, vừa để tỳ đàn, vừa có chức năng cộng hưởng. Phím đàn làm từ gai cây gòn được gắn vào cần đàn bằng sáp ong rú. Cần đàn làm từ thanh gỗ liêm huyết, ông đặt mua tận ở xã Ba Giang (Ba Tơ).
 
Vừa dứt lời, ông Sự đưa tay gãy đàn Vroác với những ngón tay điêu luyện trên phím đàn, giai điệu gần gũi, ngọt ngào vang vọng khắp núi rừng làm say đắm lòng người. Có dịp đến nhà cụ Sự, du khách sẽ say mê với những âm thanh như tiếng suối chảy róc rách, tiếng gió rì rào xuyên qua kẽ lá có lúc lảnh lót, thanh cao.
 
           
TRAO TRUYỀN VỐN QUÝ CHO ĐỜI SAU
 
Trải qua thời gian, các hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng ngày càng ít nên nhạc cụ truyền thống của dân tộc Hrê bị mai một, ít người biết sử dụng và chế tác các loại nhạc cụ dân tộc. Với mong muốn giá trị văn hóa của dân tộc tiếp tục được giữ gìn và phát huy, ông Sự duy trì việc truyền dạy cho lớp trẻ tại nhà và nhà văn hóa thôn, để trao truyền vốn quý của dân tộc mình cho đời sau. Là “cánh chim đầu đàn” của Nước Lui, ông Sự là người tiếp lửa cho bao thế hệ người con Hrê đến với nhạc cụ truyền thống.
 
a
Ông Sự trao truyền vốn quý cho nhiều thế hệ người Hrê.
Ông Sự cùng với chính quyền địa phương đến từng nhà vận động các bạn trẻ tham gia lớp học nhạc cụ và hướng dẫn chế tác nhạc cụ để khơi dậy niềm đam mê văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Ông cùng các nghệ nhân trong huyện đi biểu diễn khắp nơi trong tỉnh và cả nước. Mỗi khi có lễ hội, ông Sự lại trình diễn những điệu nhạc truyền thống của người Hrê làm say đắm lòng người.
 
“Tôi đã dạy được nhiều thanh niên học nhạc cụ, đã có nhiều người chơi và chế tác nhạc cụ thành thục, được dân làng gọi là nghệ nhân. Tre già đã có măng mọc. Tôi rất vui khi lớp trẻ thích thú với những nhạc cụ truyền thống”, ông Sự phấn khởi nói.
 

"Ông Phạm Văn Sự là người có công rất lớn trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của người Hrê. Với những đóng góp đó, năm 2015, ông Sự vinh dự được Chủ tịch Nước phong tặng Nghệ nhân Ưu tú. Năm 2019, ông được phong tặng Nghệ nhân Nhân dân. Đây là sự ghi nhận xứng đáng với những đóng góp của ông trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Hrê"

Phó Trưởng phòng VH - TT huyện Ba Tơ
LÊ CAO ĐỈNH

 

Bài, ảnh: ÁI KIỀU
 

.