Cảm thức trăng trong thơ Trần Hữu Sơn

03:09, 21/09/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Nhà thơ Trần Hữu Sơn làm thơ từ những ngày còn học THPT. Chắt chiu cả một đời làm thơ, nhưng Trần Hữu Sơn chỉ mới ra mắt bạn đọc hai tập thơ, đó là tập “Miền trăng” do Nhà Xuất bản Lao động, năm 2016 và tập “Tháp cát”, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, năm 2019.
 
Nhà thơ Trần Hữu Sơn. ẢNH: HUỲNH THẾ
Nhà thơ Trần Hữu Sơn. ẢNH: HUỲNH THẾ
Nhắc đến Trần Hữu Sơn, người yêu thơ rất ấn tượng bởi những cảm nhận về hình ảnh trăng trong thơ anh. Vốn là người đọc nhiều văn thơ cổ nên trăng trong thơ anh cứ ẩn hiện, làm nên những khúc ru tròn vẹn tuổi thơ bên vành nôi hoài niệm; những câu thơ cứ khẽ khàng thấm vào hồn ta những niềm thương nỗi nhớ...        
 
Cũng như bạn bè cùng trang lứa, Trần Hữu Sơn có cuộc sống đó đây, thăng trầm, nhưng ở hoàn cảnh nào anh cũng tạo cho mình sự lạc quan, tâm hồn luôn bay bổng. Gắn cả đời mình với một làng quê nghèo ven biển, nhưng anh biết tạo cho mình một cuộc sống hòa mình cùng nghệ thuật. Anh yêu thích sinh vật cảnh, văn thơ và thú vui đọc sách... vui vầy với non nước quê nhà.
 
Nhà thơ Trần Hữu Sơn, hiện sinh sống tại xã Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi). Anh là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ngãi; Phó Chủ tịch Hội thơ Đường luật tỉnh Quảng Ngãi.
Nhà thơ Trần Hữu Sơn, hiện sinh sống tại xã Tịnh Hòa (TP.Quảng Ngãi). Anh là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ngãi; Phó Chủ tịch Hội thơ Đường luật tỉnh Quảng Ngãi.
Thơ như vận vào người anh, cứ hồn nhiên như nói lên, hát lên giữa đất trời cao rộng mà nghe thấm đẫm một nỗi niềm yêu thương gia đình, bè bạn. “Mình xuất thân từ vùng quê, nhưng lại yêu thích rất nhiều loại hình nghệ thuật, chẳng hạn như đồ xưa, đồ cổ, cây cảnh, chim cảnh... nên ngoài chuyện dành thời gian tìm kế sinh nhai cho gia đình, còn lại là mình dành cho nghệ thuật, nhất là dành thời gian đọc sách, nghiên cứu tài liệu về văn thơ của các thi sĩ mình yêu thích. Thế nhưng, mình vẫn dành cho thơ phần nhiều, vì thấy thơ là loại sản phẩm vô cùng chắt lọc sức lao động của con người”, nhà thơ Trần Hữu Sơn chia sẻ.
           
Thi phẩm “Miền trăng” được Trần Hữu Sơn chắt chiu từ những tháng ngày anh còn rong ruổi nhiều vùng miền của đất nước. Anh đã từng đi qua nhiều vùng đất, thế nhưng, quê hương vẫn canh cánh trong lòng. “Miền trăng” với khá nhiều bài thơ viết về quê hương đầy ắp kỷ niệm. Qua tập thơ này, dễ thấy Trần Hữu Sơn là cây bút đa năng, đa cảm, chuyển tải nhiều đề tài phong phú và hầu như anh viết được tất cả các thể loại thơ, đặc biệt là thơ Đường luật, một thể loại thơ niêm luật nghiêm ngặt.
 
“Tập thơ này mình viết tặng cho nơi mình sinh ra và trưởng thành, đó là những tình cảm mình dành cho quê hương, trong đó có những bài như “Tịnh Kỳ thương nhớ”; “Tịnh Hòa quê tôi”... Tập thơ gói ghém những tâm sự về cuộc sống cá nhân và tình cảm đối với quê nhà yêu dấu”, nhà thơ Trần Hữu Sơn nói về tập thơ “Miền trăng”.
 
Sau tập thơ “Miền trăng”, Trần Hữu Sơn tiếp tục ra mắt bạn đọc tập thơ thứ hai với nhan đề “Tháp cát”. Đây là tập thơ thiên về chủ đề tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương, đất nước... Khá nhiều bài thơ có một chút trầm tư, tĩnh lặng với những được mất của cuộc đời, pha lẫn nét yêu thương những tháng ngày đã qua mà chưa cũ.
 
Từng câu thơ của Trần Hữu Sơn thấm đẫm tình yêu tha thiết với thôn xóm, làng mạc chốn quê nhà, thấm đẫm tình yêu thương đối với người dân quê... Người đọc nhận ra trong từng câu thơ của Trần Đức Sơn có tiếng nói tâm tình, sẻ chia như dòng sông Kinh vẫn êm đềm xuôi về phía biển.
 
HUỲNH THẾ
 
 
 
 

.