Sự nồng nàn của tâm hồn thơ bay bổng

09:08, 23/08/2021
.
(Báo Quảng Ngãi)- Sau hai tập truyện ngắn “Bụi bay vào mắt” (NXB Hội Nhà văn, 2018) và “Bên kia cũng là núi...” (NXB Hội Nhà văn, 2021), nhà giáo Trần Đức Sơn (SơnTrần) lại trình làng tập thơ tự do “Bay trên đôi cánh của ngày”. Tập thơ được NXB Đà Nẵng phát hành tháng 8 năm 2021. Với 111 trang in, gồm 50 bài thơ viết theo thể tự do là những trải nghiệm sâu lắng, của một tâm hồn đa cảm, làm nồng nàn trái tim bạn đọc.                                    
 
Thật vậy, xưa nay, người làm thơ thì lãng mạn và “đa sự” là điều khó tránh. Nhưng lãng mạn thế nào, “đa sự” ra sao thì không phải ai cũng hiểu và Sơn Trần đã có câu trả lời đích thực cho riêng mình và cho tất cả những người yêu thơ bằng những tứ thơ thật đẹp, lúc nhẹ nhàng sâu lắng, lúc riết róng, ám ảnh.
 
“Bay trên đôi cánh của ngày” của Sơn Trần vừa gần vừa xa, vừa giản dị vừa sâu thẳm. Nó cũng giống như đời sống của anh - đời sống của một thầy giáo dạy văn vẫn còn nặng lòng với nỗi lo “cơm, áo, gạo, tiền” nhưng thơ vẫn cứ là thơ theo đúng nghĩa trong tâm hồn giàu cảm xúc và sự trải nghiệm cuộc đời của anh.
 
Ở đó có một vùng quê nghèo “lấp lánh” trong cái nhìn “Tháng Tư” mặn mòi, ăm ắp yêu thương của anh bằng những câu từ ấn tượng, đầy ám ảnh: "Tháng Tư về trong dáng áo mẹ phơi/ Màu phù sa trộn cùng mồ hôi những ngày giáp hạt/ Con giếc, con rô lẫn trong bùn trơ xương gầy rạc/ Buổi chợ chiều quán xá buồn thiu…".
 
Và cứ thế, những mùa quê đi qua cuộc đời nhà thơ cứ hằn sâu chẳng thể nào xóa được dẫu làng quê bây giờ đã gần như chẳng còn mái tranh nghèo như mấy mươi năm trước: "Mùa lỡ nhịp trên vầng trán của cha/ Khói thuốc từng đêm rít mòn suy nghĩ/ Mái tranh nghèo buồn thiu khi ước mơ ngã quỵ/ Tiếng mưa đêm ướt nhẹp nỗi niềm..." (Mùa).
 
Dường như tất cả những ký ức nghèo khó đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho ngòi bút của Sơn Trần. Anh muốn “Bay trên đôi cánh của ngày” dù mỏng manh nhưng tinh khiết giữa ruộng đồng màu xanh bát ngát, để đôi khi: "Chợt thấy lòng mình như mới/ Tháng Giêng ngồi hát bồng bềnh/ Niềm vui khẽ khàng thắp nến/ Mùa gieo thương nhớ, rạng ngời!" (Điệp khúc tháng Giêng).
 
Trong tập thơ này, nỗi niềm quê là mạch ngầm chưa bao giờ ngừng chảy. Tuy nhiên, từ mạch ngầm ấy, tác giả tiếp tục mở ra những mạch ngầm dữ dội hơn trong tiềm năng văn chương của anh. Sau khi bay trên đôi cánh của ước mơ, Sơn Trần tạm không “đuổi theo những giấc mơ cánh cò trong đêm trăng suông”, anh đã cho phép mình thỏa sức mở tung những mạch ngầm dữ dội ấy và thơ anh cũng vì thế mà thăng hoa một cách ngoạn mục: "Cổng đêm vừa khép/ Vùng tối mở ra/ Nỗi sợ hãi đồng hành cùng tiếng mèo hoang/ Cấu xé và hoan lạc/ Mái nhà nghiêng trong sự thổn thức/ Một mình..." (Cổng đêm).
 
Tư duy thơ thay đổi, có điều gì khiến những câu thơ không còn mềm mại nữa mà bắt đầu gai góc, giãy giụa trong những giằng xé cô đơn khi “cổng đêm vừa khép”? Ai hiểu được những “riết róng vòng ôm/ trong tiếng cười ma mị” giữa “đường đêm gập ghềnh/cô độc” mà con người có lúc đã đi qua một cách hoặc tình cờ hoặc cố ý? Và, dù thế nào, cuối hành trình ấy cũng chỉ còn lại điều duy nhất: Sự cô độc! Cho nên, không ít lần trong “Về thương những cánh cò”, Trần Đức Sơn dùng từ “đánh đu” để diễn tả nỗi “cô độc” lạ lùng đó. Lạ lùng bởi trên thực tế anh chưa bao giờ thiếu những người bạn tốt. Vậy vì sao có lúc anh phải thốt lên “tiếng tặc lưỡi đánh đu số phận”, phải “đánh đu bằng cách chuyện trò với bóng của mình”, phải “đánh đu điều phiền toái”...? Thì ra vì, anh muốn “trục xuất khỏi trái tim/  những điều dối trá” hay “giữa một rừng điêu ngoa/ tự cô lập mình”. Phải chăng anh đã nhận ra có biết bao điều dối trá đằng sau những vỏ bọc mỹ miều, hào nhoáng trong hành trình tìm kiếm thiện lương nhọc nhằn, gian khó mà anh hằng ấp ủ và thơ đã giúp anh giải tỏa, đã giúp anh chia sẻ để anh mãi  mặc nhiên kiêu hãnh cùng thơ?
 
Có thể nói, bước chân Sơn Trần đã rong ruổi khắp nơi để tìm kiếm những hạt giống cho thơ để gieo những vườn thơ quý giá của riêng mình. Dù là vùng quê núi Ấn, sông Trà đến Tây Nguyên lộng gió hay Hà Nội phồn hoa... đều dạt dào cảm xúc trong thơ anh. Không vướng bận “nắng gió hay thời tiết thị phi”, Sơn Trần bình thản với niềm đam mê mà cũng là một phần của cuộc mưu sinh anh phải hoàn thành. Trong anh, vẫn mãi là nỗi nhớ quê thao thiết: "Tôi trở lại vườn xưa mùa trái chín/ Mùi thị thơm dắt tuổi thơ về/ Nghe trong gió tiếng chim gù thật khẽ/ Gọi bình yên trong sắc nắng xanh ngời..." (Nhớ quê).
 
“Bay trên đôi cánh của ngày” là sự thăng hoa cảm xúc, lục tìm ký ức mà Sơn Trần đã chắt chiu, nuôi dưỡng, cất giữ và nâng niu bằng một thứ tình yêu đặc biệt. Đó là thơ. Sẽ làm mất đi sự hấp dẫn và thú vị nếu cứ mải mê giải mã những ý thơ của Sơn Trần. Hãy đọc thật chậm rãi, suy ngẫm thật sâu để thấm thía những câu thơ nằng nặng nỗi niềm của anh - một thầy giáo dạy văn lãng mạn và “đa sự” đáng được trân trọng.
 
TRẦN THU HÀ
 

.