Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh: Cơ hội mới để phát triển du lịch

10:10, 20/10/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Hồ sơ Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh (CVĐC) lập cuối năm 2015. Qua quá trình xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO, diện mạo của một công viên địa chất toàn cầu đang từng bước định hình. Nếu được công nhận CVĐC toàn cầu, đây sẽ là đòn bẩy mở ra cơ hội phát triển cho du lịch Quảng Ngãi.
Giám đốc Sở VH-TT&DL Nguyễn Minh Trí cho biết: Với hơn 300 điểm di sản được xác định, Ban Quản lý CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh đã chọn 89 điểm dừng chân gồm các di sản tiêu biểu về địa chất, địa mạo, cảnh quan, văn hóa, làng nghề để xây dựng 4 tuyến du lịch gồm: “Bí ẩn nơi đảo thiêng”, “Lục địa cổ - Vũ điệu thời gian", “Hành trình về những nền văn hóa cổ” và “Tiếng vọng của biển và Ký ức chiến tranh” trên nền chủ đề “Miền đất của những chuyển động”. 
 
Vẻ đẹp vùng biển Lệ Thủy, ở huyện Bình Sơn, một điểm nằm trong Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh.          ẢNH: MINH THU
Vẻ đẹp vùng biển Lệ Thủy, ở huyện Bình Sơn, một điểm nằm trong Công viên địa chất Lý Sơn - Sa Huỳnh. ẢNH: MINH THU
Đảo Lý Sơn thuộc tuyến du lịch phía đông với tên gọi “Bí ẩn nơi đảo thiêng”, với các điểm di sản nổi bật về sinh thái biển đảo như núi lửa Thới Lới, giếng Tiền, chùa Hang, chùa Đục, đường bờ biển cổ, thắng cảnh đảo Bé... Với những lợi thế này, Quảng Ngãi đã tập trung phát triển tuyến du lịch biển đảo Lý Sơn.
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Lê Văn Ninh chia sẻ: “Thời gian qua, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã khảo sát các điểm di tích, danh thắng, địa chất... để lựa chọn 30 địa điểm xây dựng thành tuyến du lịch nằm trong CVĐC. Với nhiều giải pháp đầu tư về hạ tầng, phát triển các dịch vụ du lịch, huyện Lý Sơn đã và đang là điểm đến thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Thời gian đến, Lý Sơn phấn đấu đạt 300 nghìn lượt khách và doanh thu từ ngành này trên 500 tỷ đồng/năm”.
 
Xuôi về phía nam của tỉnh là tuyến du lịch “Hành trình về những nền văn hóa cổ” với nền văn hóa Sa Huỳnh, Chămpa và văn hóa Đại Việt có các đình, miếu, lăng thờ gắn liền với nhiều loại hình tín ngưỡng dân gian của cộng đồng dân cư và cảnh quan thiên nhiên độc đáo. Trong đó, các di sản nổi bật của tuyến du lịch này như: Đầm nước ngọt An Khê và di tích khảo cổ Sa Huỳnh, làng Gò Cỏ, bia ký Chămpa, bãi biển Châu Me, hang Én.
 
Làng Gò Cỏ là một điểm đến của CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh với nhiều giá trị về di sản địa chất, địa mạo, cảnh quan môi trường, văn hóa độc đáo và đa dạng. Nơi đây gần như là một công viên địa chất thu nhỏ. Người dân trong vùng đã bắt tay làm du lịch. Hợp tác xã Du lịch cộng đồng Gò Cỏ được hình thành trong hai năm qua, hiện đã và đang thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến trải nghiệm những nét độc đáo ở ngôi làng thú vị này.
 
Ngược về phía tây là tuyến du lịch “Lục địa cổ - vũ điệu thời gian”, trong đó các điểm du lịch sinh thái như suối khoáng nóng Nghĩa Thuận, thác nước Suối Chè, ghềnh Bà Ngõng (Trà Bồng). Đó là vũ điệu của lục địa cổ, của các lớp thạch quyển nâng lên, hạ xuống, của các lớp đá biến chất va chạm vào nhau trong quá trình kiến tạo. Quay vòng theo vũ điệu này, du khách có cơ hội đặt chân đến đỉnh núi Cà Đam, "nóc nhà" của Quảng Ngãi có độ cao hơn 1.400m so với mực nước biển...
 
Từ trung tâm TP.Quảng Ngãi ra phía bắc là tuyến tham quan mang tên “Tiếng vọng của biển và Ký ức chiến tranh” với các điểm tiêu biểu như bãi biển Lệ Thủy, thắng cảnh Gành Yến (Bình Sơn), bãi biển Mỹ Khê, thắng cảnh Thạch Ky điếu tẩu, thắng cảnh Ba Làng An... Tuyến du lịch này giúp du khách tìm hiểu về các điểm du lịch sinh thái gắn với lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc của người dân Quảng Ngãi. 
 
Khung cảnh bình yên ở làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ (phường Phổ Thạnh, TX.Đức Phổ).          Ảnh: TRÍ PHONG
Khung cảnh bình yên ở làng du lịch cộng đồng Gò Cỏ (phường Phổ Thạnh, TX.Đức Phổ). Ảnh: TRÍ PHONG
Với những lợi thế trên, CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh tích hợp giữa văn hóa với du lịch, với giá trị độc đáo của địa chất, địa mạo chính là yếu tố để xây dựng thương hiệu, thúc đẩy du lịch Quảng Ngãi phát triển.
 
Theo ông Nguyễn Minh Trí, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên tiến trình thẩm định của UNESCO trong năm nay bị tạm hoãn. Trong khi chờ kết quả thẩm định vào năm tới, song song với quá trình xây dựng hồ sơ di sản, từ năm 2019, tỉnh đã tổ chức các hội nghị tập huấn giới thiệu, cập nhật tiến độ xây dựng hồ sơ CVĐC toàn cầu Lý Sơn - Sa Huỳnh đến các ban, ngành, chính quyền địa phương và người dân trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ nguồn tài nguyên địa chất, sự đa dạng sinh học...
 
“Hiện tại chúng tôi vẫn triển khai các hoạt động tuyên truyền, quảng bá cũng như đẩy mạnh phát triển các tuyến du lịch nằm trong CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh. Ban Quản lý CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh đã phối hợp với các địa phương lắp đặt các biển chỉ điểm di sản CVĐC Lý Sơn - Sa Huỳnh và các bảng thông tin, biển chỉ hướng, hướng dẫn tại các địa điểm, nhằm giới thiệu cho du khách tham quan, tìm hiểu”, ông Trí cho biết thêm.
 
TRÍ PHONG
 
 
 
 

.