Góp sức bảo tồn văn hóa truyền thống

08:07, 07/07/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Thời gian qua, huyện Trà Bồng đã triển khai nhiều giải pháp bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đồng bào Cor. 
Giữ tiếng chiêng mãi ngân vang 
 
Ngôi nhà của nghệ nhân ưu tú Hồ Văn Biên, ở thôn Bắc, xã Trà Sơn (Trà Bồng), là điểm đến của nhiều nghệ nhân để truyền dạy cho thanh niên địa phương các điệu múa, đánh chiêng. Nhiều năm qua, những giá trị văn hóa của dân tộc Cor luôn được người dân ở đây ý thức gìn giữ, để phục vụ mỗi khi có lễ hội.
 
Xã Trà Sơn hiện có gần 10 đội cồng chiêng tại các thôn và 1 đội cồng chiêng do xã thành lập. Đây là hạt nhân quan trọng trong các lễ hội hằng năm ở địa phương. “Chiêng ngày xưa rất nhiều, nhưng giờ toàn xã chỉ giữ được hơn chục bộ. Gia đình tôi giữ gìn các bộ chiêng coi như tài sản quý giá để lưu giữ nét văn hóa của dân tộc mình", ông Hồ Văn Biên bộc bạch. 
 
Nghệ nhân Hồ Thị Non, ở thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng), nỗ lực làm lại trang sức truyền thống đồng bào Cor.
Nghệ nhân Hồ Thị Non, ở thị trấn Trà Xuân (Trà Bồng), nỗ lực làm lại trang sức truyền thống đồng bào Cor.
Không chỉ những nghệ nhân lớn tuổi, nhiều thanh niên có tâm huyết với văn hóa dân tộc cũng ra sức học hỏi, phát huy văn hóa dân tộc mình. Anh Hồ Văn Kỳ, ở xã Trà Hiệp, mới hơn 30 tuổi, nhưng đã có "thâm niên" trong đội chiêng của xã. Anh Kỳ đã kết nối lớp thanh niên và nghệ nhân lớn tuổi để duy trì hiệu quả hoạt động của đội chiêng. 
 
Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT huyện Trà Bồng Nguyễn Thanh Hải cho biết: Nghệ thuật cồng chiêng đồng bào Cor đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Những năm qua, huyện Trà Bồng có nhiều giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của nghệ thuật cồng chiêng, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân trong huyện. Huyện đã tổ chức khảo sát, sưu tầm nhiều hiện vật có giá trị văn hoá đặc sắc của đồng bào Cor. 
 
Hiện nay, trên địa bàn huyện còn lưu giữ khoảng gần 2 nghìn bộ cồng chiêng và nhiều loại nhạc cụ truyền thống. Ngoài ra, huyện đã chủ động mời những nghệ nhân có kinh nghiệm trực tiếp truyền dạy cho con cháu kỹ thuật đánh chiêng, làm nhạc cụ truyền thống, hát dân ca, dân vũ... Nhờ vậy, tiếng cồng chiêng, tiếng đàn môi, sáo talía, kèn amáp và các làn điệu dân ca xà ru, a giới... vẫn ngân vang trong cộng đồng.
 
Tuy nhiên, theo nhiều nghệ nhân, trong thời gian đến để giữ gìn được di sản này thì rất cần sự chung tay của cộng đồng và sự quan tâm hỗ trợ kinh phí của địa phương, để các nghệ nhân có điều kiện tham gia truyền dạy.
Toàn huyện Trà Bồng hiện có gần 70 đội cồng chiêng ở các xã, thôn, khu dân cư. Mỗi đội cồng chiêng được thành lập và duy trì hoạt động đã trở thành nơi sinh hoạt văn hóa, lưu giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Cor. Ngoài ra, thông qua các ngày hội văn hóa, các hội diễn, hội thi, ngành chức năng ở huyện Trà Bồng lồng ghép các hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, qua đó thu hút đông đảo các nghệ nhân người Cor tham gia trổ tài, góp phần làm cho đời sống tinh thần của đồng bào Cor thêm phong phú.
Để thiếu nữ Cor mãi duyên
 
Trước sự mai một của bộ trang phục, trang sức truyền thống người Cor, nghệ nhân Hồ Thị Non (65 tuổi), ở thị trấn Trà Xuân đã cất công tìm kiếm nguyên liệu, làm lại trang sức truyền thống để giữ “nét duyên” cho người thiếu nữ Cor. Bà Non chia sẻ: Trước đây nhà nào cũng có cườm đá. Còn bây giờ, trang sức này đã và đang dần mất đi. 
 
Không để mất đi những giá trị văn hóa quý giá của dân tộc, bà Non đã cất công tìm mua nguyên liệu, làm lại trang sức cườm. Tính đến nay, bà đã cung cấp cho các địa phương và các vùng lân cận gần trăm bộ cườm truyền thống có giá trị. Không những thế, bà còn dành tâm huyết chỉ dạy cho thế hệ trẻ ở địa phương để lưu giữ công thức làm cườm cho mai sau. “Làm cườm đá rất công phu, phải mất cả tháng mới xong một bộ. Nếu không có đam mê và nặng lòng với văn hóa truyền thống thì khó ai theo đuổi được”, bà Non bộc bạch.
 
Còn nghệ nhân Hồ Thị Huệ, ở xã Trà Sơn thì nặng lòng với điệu xà ru, điệu múa, tiếng kèn a máp. Bà Huệ đã cùng với những cụ lớn tuổi trong làng, nỗ lực truyền dạy các điệu múa truyền thống cho giới trẻ địa phương. “Tuổi trẻ bây giờ ảnh hưởng công nghệ, đời sống hiện đại, nên phần nào đã quên làn điệu dân ca. Những nghệ nhân chúng tôi phải ra sức truyền dạy để giữ gìn văn hóa đồng bào mình”, bà Huệ bày tỏ.
 
Bài, ảnh: KIM NGÂN
 
 
 
 
 

.