Nhà thơ Quách Tấn dịch "Nhật ký trong tù"

04:05, 27/05/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Qua 60 năm kể từ khi được công bố (1960), tác phẩm “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều nhà văn, nhà thơ và các bậc túc nho “thử sức” dịch sang tiếng Việt. Nhà thơ Quách Tấn cũng nằm trong số đó, song số phận của tác phẩm dịch này cùng tác giả của nó thì lại không giống với bất cứ dịch giả nào.
 
Tập Nhật ký trong tù do nhà thơ Quách Tấn phỏng dịch.
Tập Nhật ký trong tù do nhà thơ Quách Tấn phỏng dịch.
Quà từ nước Pháp
 
Ông Quách Giao (86 tuổi), con trai cả của nhà thơ Quách Tấn, kể: “Thời đất nước còn chiến tranh, việc liên lạc giữa hai miền gần như bị cắt hoàn toàn nên để có trong tay tập thơ Nhật ký trong tù của Hồ Chủ tịch từ miền Bắc gửi vô Nha Trang là điều không thể. Cha tôi đã nhận tập thơ ấy từ một người bạn bên Pháp gửi sang”.
 
Cũng theo ông Quách Giao, cha ông giữ tập thơ ấy như một báu vật. Thi thoảng ông Quách Tấn lấy tập thơ ra lần giở từng trang, chăm chú đọc rồi hí hoáy viết, xong đem cất ở một nơi rất đặc biệt trên giá sách của gia đình. Sau này, khi tiếp cận với bản thảo tập thơ được cha ông dịch, ông Quách Giao mới biết đó là tập thơ Nhật ký trong tù.
 
Quách Tấn là nhà thơ nổi tiếng trong phong trào Thơ Mới cùng nhóm “Bàn thành tứ hữu” (Bốn người bạn ở thành Đồ Bàn) với Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên và Yến Lan. Tuy nhiên, hai tập thơ đầu tiên của ông trình làng với thi đàn nước Việt là Một tấm lòng (1939) và Mùa cổ điển (1941) thì được viết theo thể thơ Đường luật. Tập Một tấm lòng thì được Tản Đà giới thiệu trân trọng còn Mùa cổ điển thì được nhà phê bình văn học Hoài Thanh đánh giá cao trong Thi nhân Việt Nam. Phải là người tinh thông Hán học, lại có năng khiếu về sáng tác thơ thì mới có thể thẩm thấu và tri triển những cảm xúc của mình ra trang giấy rất thành công như thế. 
 
Chính vì nhuần nhuyễn thể thơ Đường luật như vậy, nên khi tiếp cận với tập Nhật ký trong tù được Bác Hồ viết cũng theo thể thơ này, Quách Tấn đã “bắt sóng” ngay. Một phần là ông khâm phục lãnh tụ Hồ Chí Minh, một phần là Quách Tấn cũng muốn thử sức mình trong việc dịch thơ của Bác. Hai lý do ấy đã “thử thách” tác giả Mùa cổ điển trong 15 năm kể từ khi ông nhận món quà bất ngờ từ Pháp gửi sang-năm 1960.
 
Còn nhà sử học Dương Trung Quốc, người đã nhìn thấy tập thơ dịch ấy sớm nhất thì kể rằng, năm 1978, trong chuyến công tác dọc miền Trung sau ngày đất nước thống nhất, ông có ghé thăm nhà thơ Quách Tấn ở Nha Trang. Vốn là một nhà nho uyên thâm lại luôn khiêm cung, sau khi nghe ông Dương Trung Quốc bày tỏ mục đích chuyến thăm là sưu tầm một số sách quý được xuất bản tại miền Nam trước năm 1975 để bổ sung vào tủ sách nghiên cứu của Viện Sử học - nơi ông Dương Trung Quốc đang làm việc, nhà thơ Quách Tấn mới mở lòng.
 
 Nghe ông Dương Trung Quốc yêu quý sách, lại thích những quyển sách hợp “gu” với mình, nhà thơ Quách Tấn tặng luôn cho Viện Sử học số sách quý ấy. Trước khi “bàn giao” số sách quý nọ, cụ Quách Tấn dẫn ông Dương Trung Quốc vào phía bên trong phòng khách rồi lật dưới án thư lên một cuốn sách có bìa bọc nhung, nói: “Đây là tập “Nhật ký trong tù” của Cụ Hồ được một người bạn bên Pháp gửi cho tôi từ năm 1960. Tôi đọc thấy các bậc túc nho ở ngoài Bắc dịch “Nhật ký trong tù”, có bài tôi thích, có bài tôi chưa hài lòng, nên cặm cụi dịch lại từ hơn chục năm nay. Nhưng anh đừng nói với ai vì có thể họ hiểu nhầm tôi lúc này”. 
 
Chép tay cả tập thơ Nhật ký trong tù
 
Dịch xong tập thơ Nhật ký trong tù, Quách Tấn nhờ bạn mình- ông Trần Thúc Lâm (1913 - 1981) chép lại. Theo hồi ký của Quách Tấn thì Trần Thúc Lâm là người Mộ Đức (Quảng Ngãi), thông chữ Hán, giỏi chữ Nôm, nhưng mồ côi cha từ nhỏ, nên không được học hành trường lớp. Tuy nhiên, bằng sự thông minh thiên bẩm, ông Lâm tự học và trở thành một nhà nho nổi tiếng ở Nha Trang. Ông được Quách Tấn đồng ý để ông Lâm chép lại toàn bộ tập “Nhật ký trong tù” bằng chữ Hán là vì lý do này. Công phu của quyển sách này không chỉ ở chỗ tác giả Quách Tấn- một nhà thơ nổi tiếng thời Thơ Mới rất giỏi chữ Hán bỏ ra 15 năm (1960 - 1975) để dịch toàn bộ 133 bài thơ trong tập “Nhật ký trong tù” mà còn ở chỗ, thủ bút bằng chữ Hán của Trần Thúc Lâm và thủ bút bằng chữ Việt của Quách Tấn được in trọn vẹn.
 
Bản thân Hán tự là một thứ ngôn ngữ cô đọng, thơ viết bằng chữ Hán như được chưng cất thêm lần nữa. Vì vậy, diễn giải ra tiếng Việt đã là khó, huống là dịch từ thơ ra thơ. “Nhật ký trong tù” được thể hiện bởi một bậc đại trí, đại nhân, đại dũng Hồ Chí Minh thì việc chuyển ngữ để lột tả hết những điều tinh túy trong đó quả là một thử thách lớn.
 
Có lẽ, nhà thơ Quách Tấn ngoài việc muốn thử sức dịch thơ mình, ông còn muốn biểu lộ sự ngưỡng mộ đối với nhà thơ  Hồ Chí Minh nữa. Những ai yêu mến Nhật ký trong tù lại có thêm một sự chọn lựa nữa qua bản dịch của Quách Tấn bên cạnh bản dịch quen thuộc của Nam Trân và các bậc túc nho khác.
 
Bài, ảnh: TRẦN ĐĂNG
 
 
 

.