Lời ca ra chiến trường, tiếng hát dựng xây quê hương

10:05, 03/05/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Không quản ngại mưa bom bão đạn, thiếu thốn trăm bề, những chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng luôn bám sát trận địa, non cao đem lời ca tiếng hát của mình để phục vụ chiến trường, xây dựng quê hương. Họ như những con tằm mải miết nhả tơ, làm thi vị hóa bao gian lao, hiểm nguy... 
“Tiếng hát át tiếng bom”
 
Những ngày cuối tháng tư, cờ hoa, biểu ngữ đỏ rực khắp các phố phường để chào mừng kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 - 30.4.2020). Nhạc sĩ Trương Quang Tuấn (TP.Quảng Ngãi) - hạt nhân của Đoàn Văn công giải phóng Quảng Ngãi từ những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang theo dõi những thước phim tư liệu, hình ảnh nơi chiến trường được phát trên tivi không khỏi bồi hồi, xúc động. Ông Tuấn kể: Ngày đó, chiến tranh ác liệt và tàn khốc lắm.  
 
Một tiết mục do Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh biểu diễn.  Ảnh: NVCC
Một tiết mục do Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh biểu diễn. Ảnh: NVCC
Trai tráng, thanh niên đều lên đường gánh vác nhiệm vụ. Người trực tiếp cầm súng, làm hậu cần, vận chuyển vũ khí lương thực... Tôi nhờ có chút năng khiếu ca hát, nên được tổ chức phân công vào Đoàn Văn công giải phóng Quảng Ngãi để đem lời ca, tiếng hát cổ vũ, động viên tinh thần bộ đội chiến đấu”.
 
Năm 1967, chiến trường Quảng Ngãi ác liệt, chàng trai trẻ Trương Quang Tuấn lúc ấy vừa tuổi đôi mươi đã lên đường cùng đồng đội bám sát chiến trường. Ông Tuấn nhớ lại: Ngày đó, Quảng Ngãi chia làm hai chiến trường phía nam và phía bắc. Ban ngày bom dội, nhưng đêm xuống nơi nào đội văn công cũng có thể dựng sân khấu để cất lời ca, tiếng đàn. Những bài ca “Quảng Ngãi đất mẹ ngoan cường”,“Bài ca bên cánh võng”, "Cánh chim Đinh Tía", "Dũng sĩ 85", “Tiếng đàn ta lư”, “Anh về quê em”, hay kịch: “Núi rừng năm ấy”, hát bài chòi... cứ lần lượt được diễn khắp các chiến trường.
 
“Nhiều ca sĩ, nhạc sĩ còn bám sát chiến trường, sẵn sàng phục vụ ngay trên chặng đường hành quân. Có những anh em đã hy sinh, nhưng khí thế văn nghệ ngày đó như “Tiếng hát, át cả tiếng bom”, ông Tuấn bùi ngùi.
 
Không chỉ ông Tuấn, vào năm 1964, Đoàn Văn công giải phóng Quảng Ngãi thành lập tại suối Chí, xã Hành Tín (Nghĩa Hành) đã có 12 đồng chí. Lực lượng văn nghệ mỏng, địch thường xuyên vây ráp, nhưng đoàn văn công đã biết sáng tạo lồng ghép các thể loại ca, kịch, hát, nhạc... biểu diễn đi sâu vào lòng người, tác động mạnh mẽ kết nối tinh thần đoàn kết của chiến sĩ và nhân dân ta chiến đấu ngoan cường góp phần giải phóng miền Nam thống nhất đất nước...
“Ngày đó, chiến tranh ác liệt và tàn khốc lắm. Trai tráng, thanh niên đều lên đường gánh vác nhiệm vụ. Người trực tiếp cầm súng, làm hậu cần, vận chuyển vũ khí lương thực... Còn tôi vào Đoàn Văn công giải phóng Quảng Ngãi để đem lời ca tiếng hát cổ vũ, động viên tinh thần bộ đội chiến đấu”.
 
Nhạc sĩ TRƯƠNG QUANG TUẤN (TP.Quảng Ngãi)
Tiếp nối truyền thống
 
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những ca khúc hào hùng năm nào vẫn sống mãi trong ký ức của người biểu diễn. Họ như ngọn đuốc lan truyền cho nhiều thế hệ hôm nay đem lời ca, tiếng hát để cổ vũ xây dựng quê hương.
 
Thẩm thấu từ lòng mẹ, chàng trai Đinh Thiên Vương (hiện là nhạc sĩ, Phó trưởng Đoàn ca múa nhạc dân tộc Quảng Ngãi) đã sớm yêu văn nghệ từ nhỏ. Mẹ anh nguyên là nữ văn công xuất sắc là nghệ sĩ ưu tú Kim Nhớ lưu diễn trên đất Bắc trong những ngày đất nước bị dày xéo bom đạn. Sau ngày giải phóng đất nước, trở về quê hương, Thiên Vương lớn lên trong lời ru hời đậm chất dân ca của mẹ. Năm 16 tuổi, anh thi đỗ vào Trường Trung cấp Âm nhạc Huế (nay là Học viện Âm nhạc Huế). Năm 1980, anh tốt nghiệp loại xuất sắc. Mặc dù, được giữ lại trường giảng dạy, nhưng vì niềm đam mê biểu diễn, nên anh đã rời trường học xin về công tác tại Đoàn ca múa nhạc Nghĩa Bình, rồi bây giờ Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh. Sau này, anh thi đỗ vào Trường Đại học Âm nhạc Huế chuyên ngành sáng tác.
 
Có đầy đủ vốn kiến thức và niềm đam mê ca hát, thế là những bài ca của anh ra đời. Những tác phẩm“Người Hrê ơn Bác”,“Mặt trời Bác Hồ”, “Nhớ ơn Bác Hồ”,“Mời rượu cần”... đều thể hiện một tình yêu tha thiết với quê hương. Mỗi một tác phẩm đều mang đậm chất nghệ thuật được các diễn viên chuyên và không chuyên ở Đoàn ca múa nhạc dân tộc tỉnh biểu diễn ở nhiều nơi. Qua đó, đi vào lòng người, góp phần tiếp nối, giữ gìn truyền thống bất khuất, khí thế hào hùng của dân tộc trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc; giữ gìn văn hóa đồng bào dân tộc các huyện miền núi, xây dựng quê hương ngày càng khởi sắc.
 
   Bài, ảnh: TRƯỜNG AN
 
 
 
 
 

.