Cần quan tâm hơn đến nghệ nhân ở miền núi

09:05, 26/05/2020
.
(Báo Quảng Ngãi)- Các nghệ nhân là những người nắm giữ những giá trị tinh hoa văn hóa nghệ thuật truyền thống, được trân trọng gọi là “báu vật nhân văn sống”. Tuy nhiên, đời sống nghệ nhân nhân dân (NNND), nghệ nhân ưu tú (NNƯT) trên địa bàn tỉnh hiện chưa được quan tâm đúng mức để họ yên tâm cống hiến, lưu truyền và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc.
Những người nắm giữ tinh hoa văn hóa
 
Quảng Ngãi có 6 huyện miền núi, với 3 dân tộc Cor, Ca Dong và Hrê sinh sống. Trong mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa đặc sắc riêng. Rất nhiều nghệ nhân trong cộng đồng nắm giữ nhiều giá trị di sản văn hóa phi vật thể quý giá. Theo thống kê, các huyện miền núi trong tỉnh hiện có 3 người được phong tặng NNND (trong đó 1 người đã mất) và 16 người được phong tặng NNƯT.  
 
Nghệ nhân ưu tú Đinh Thanh Sơn, ở xã Sơn Mùa (Sơn Tây) (ngoài cùng bên trái) và một số nghệ nhân đang truyền dạy các loại nhạc cụ Ca Dong cho lớp trẻ.
Nghệ nhân ưu tú Đinh Thanh Sơn, ở xã Sơn Mùa (Sơn Tây) (ngoài cùng bên trái) và một số nghệ nhân đang truyền dạy các loại nhạc cụ Ca Dong cho lớp trẻ.
NNND Đinh Ngọc Su, ở xã Sơn Thượng (Sơn Hà) là người am hiểu tường tận về nhạc cụ dân tộc Hrê. Ông đã có công phục hồi lại sáo Tà vỗ, một loại nhạc cụ độc đáo cổ xưa của người Hrê mà thời gian đã làm mai một. Năm 2019, ông Su vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu NNND. Dù ông đã mất cách đây hai năm, nhưng nhờ những lớp truyền dạy sinh thời của ông mà nhạc Tà vỗ được nhiều người trẻ biết sử dụng.
 
Còn NNND Đinh Văn Ước, ở thị trấn Ba Tơ (Ba Tơ), dù năm nay đã 90 tuổi, nhưng vẫn miệt mài gìn giữ, lưu truyền nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Ông là một trong số ít người ở huyện Ba Tơ còn có thể chế tạo và sử dụng các loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc Hrê như đàn Vơ roát, Vơ rao, Ra đong, sáo Ta lía...
 
Riêng  NNƯT Đinh Thanh Sơn, ở xã Sơn Mùa (Sơn Tây), thì không những hát thành thạo các làn điệu dân ca của dân tộc Ca Dong, mà còn sử dụng thành thạo rất nhiều loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc như A khung, Brooc Krau, Brooc tru, Brooc a khung... Ông còn biết cách chế tác rất nhiều nhạc cụ. Hằng năm, ông tham gia các lớp truyền dạy dân ca của địa phương để thế hệ trẻ học hỏi, giữ gìn.
 
Chưa được hỗ trợ kịp thời
 
Theo thống kê của Sở VH-TT&DL, ngoài những nghệ nhân được phong tặng danh hiệu trên, thì trong cộng đồng còn gần 300 nghệ nhân có nhiều đóng góp, nắm giữ, lưu truyền các giá trị văn hóa dân tộc. Trong số này, không ít nghệ nhân sống trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn, không có môi trường hoạt động.
 
Từ năm 2015, Chính phủ đã ra Nghị định số 109/2015 (Nghị định 109) về việc hỗ trợ đối với NNND và nghệ NNƯT có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên đến nay, Quảng Ngãi vẫn chưa có trường hợp nghệ nhân nào được nhận hỗ trợ theo Nghị định này. Vẫn còn rất nhiều “báu vật nhân văn sống” đang phải sống trong cảnh già yếu, không được bảo đảm cuộc sống tốt để có thể cống hiến kinh nghiệm của mình cho cộng đồng. Đơn cử như NNƯT Đinh Ka La, ở xã Sơn Mùa (Sơn Tây), nay đã 80 tuổi, cuộc sống rất khó khăn. “Thời gian qua, tôi chưa nghe nói đến chính sách hỗ trợ. Nếu có hỗ trợ của Nhà nước thì chúng tôi có điều kiện để ổn định cuộc sống hơn”, ông Ka La bộc bạch.
 
Theo Phó Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở VH-TT&DL) Phạm Minh Đát, các nghệ nhân đã và đang có những đóng góp tích cực trong việc truyền dạy, bảo tồn các di sản văn hóa dân tộc mình. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa được hưởng chính sách nào liên quan đến danh hiệu đã được công nhận. Việc công nhận danh hiệu 3 năm mới triển khai 1 lần, nên nghệ nhân lớn tuổi khi được công nhận thì một số đã mất, phần nào thiệt thòi cho họ. “Sở LĐ-TB&XH và chính quyền các địa phương cần sớm triển khai, hướng dẫn và rà soát để kịp thời triển khai chính sách hỗ trợ để ổn định cuộc sống cho các nghệ nhân được phong tặng có đời sống khó khăn”, ông Đát nói.
 
Bài, ảnh: KN
 
 

.