Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa

04:11, 24/11/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Di sản văn hóa (DSVH) - bao gồm vật thể và phi vật thể - là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Nó có vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta; là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa lưu truyền qua nhiều đời. Việc giữ gìn và phát huy giá trị di sản luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm.
Bảo tồn giá trị di sản
 
Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 23.11.1945, Chủ tịch Chính phủ lâm thời Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 65/SL “Ấn định nhiệm vụ của Đông Phương Bác cổ học viện”. Đây là sắc lệnh đầu tiên của Nhà nước ta về việc bảo tồn DSVH dân tộc. Sắc lệnh khẳng định, việc bảo tồn cổ tích “là công việc rất quan trọng và rất cần thiết cho công cuộc kiến thiết nước ta”.
 
Trong suốt 74 năm qua, Đảng và Nhà nước có nhiều chủ trương, chính sách đối với việc bảo tồn DSVH. Đến nay, nhiều DSVH vẫn còn nguyên giá trị. 
 
Đội múa hát sắc bùa xã Đức Phong (Mộ Đức) tập luyện để tham gia Ngày hội Di sản văn hóa ở trung ương.
Đội múa hát sắc bùa xã Đức Phong (Mộ Đức) tập luyện để tham gia Ngày hội Di sản văn hóa ở trung ương.
Ở Quảng Ngãi, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị DSVH lịch sử, danh lam thắng cảnh luôn được quan tâm. Lần đầu tiên, năm 2016, Quảng Ngãi có cả hai nghị quyết chuyên đề về xây dựng và phát triển văn hóa con người Quảng Ngãi và phát triển dịch vụ du lịch Quảng Ngãi. Qua đó, những giá trị DSVH của Quảng Ngãi được giữ gìn và phát huy.
 
Đến nay, toàn tỉnh hiện có 229 di tích, trong đó có 1 di tích quốc gia đặc biệt và 29 di tích lịch sử - văn hóa quốc gia. Các di tích còn lại được công nhận có giá trị cấp tỉnh và có quyết định bảo vệ. Nhờ bảo tồn và phát huy các giá trị nên nhiều DSVH vật thể, phi vật thể, di sản tự nhiên của Quảng Ngãi còn nguyên giá trị, được giới văn hóa, khảo cổ học trong nước và quốc tế đánh giá cao. Đó là các di sản văn hóa Sa Huỳnh, Chămpa, địa chất núi lửa...
"Múa hát sắc bùa là văn hóa của quê hương. Bây giờ già rồi, nhưng tôi vẫn cố gắng tập luyện rồi truyền lại cho lớp trẻ. Đây là cách mình gìn giữ một loại hình văn hóa đặc sắc của làng quê".
 
LÊ THỊ THỌ, thành viên Đội trình diễn múa hát
sắc bùa xã Đức Phong (Mộ Đức) 

Tự hào di sản quê hương

Nhân kỷ niệm 74 năm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam (23.11.1945 - 23.11.2019) tổ chức tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa nghệ thuật Việt Nam, với chủ đề “Di sản văn hóa hội nhập và phát triển”, các địa phương trong nước tham gia nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, trưng bày sản phẩm, DSVH.
 
Theo đó, Quảng Ngãi cũng tham gia nhiều nội dung, như: Trưng bày hình ảnh, tư liệu, hiện vật giới thiệu DSVH, địa chất Quảng Ngãi trong quá trình phát triển du lịch; trình diễn nghề dệt thổ cẩm của đồng bào Hrê thôn Làng Teng, xã Ba Thành (Ba Tơ); trình diễn nghệ thuật dân gian hát múa sắc bùa của cư dân vùng biển Quảng Ngãi...
 
Chị Nguyễn Thị Bích Liên, ở thôn Thạch Thang, xã Đức Phong (Mộ Đức), người được tuyển chọn vào đội trình diễn múa hát sắc bùa trong dịp này, cho hay: "Nghề múa hát sắc bùa đã theo tôi từ nhỏ, khi các cô, các bà cùng múa hát với ông nội tôi.
 
Ngày đó, ông nội tôi bảo: "Đây là nghề xuất phát từ văn hóa của ông bà xưa để lại. Mỗi lời ca, điệu múa đều cầu mong mưa thuận, gió hòa, mong những điều bình an đến với gia đình, quê hương", vì vậy cần phải giữ gìn... Nên giờ được đi trình diễn ở trung ương, tôi cố gắng tập luyện để văn hóa của quê hương mình lan truyền rộng rãi". 
 
Cũng trân quý DSVH nghề dệt thổ cẩm ở làng mình, phụ nữ Làng Teng, xã Ba Thành, đã giữ gìn nguyên vẹn cách dệt truyền thống của đồng bào Hrê. Vừa qua, Bộ VH-TT&DL đã công nhận nghề dệt thổ cẩm Làng Teng là văn hóa phi vật thể Quốc gia.
 
Theo Phó trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở VH-TT&DL) Nguyễn Thị Xuân: "Hiện nay, nhiều DSVH bị mai một. Việc chọn các loại hình văn hóa nghệ thuật để đi trình diễn nhằm mục đích bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Qua đó, giới thiệu đến du khách hiểu hơn về con người và quê hương núi Ấn, sông Trà, nhằm phát triển du lịch". 
 
Bài, ảnh: MAI HẠ
 
 

.