Phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, vùng miền

10:04, 06/04/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong những năm qua, Quảng Ngãi đã chú trọng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa để tạo sản phẩm đặc thù của địa phương, nhằm phát triển du lịch.

TIN LIÊN QUAN

Đặc trưng văn hóa dân tộc, vùng miền

Những năm gần đây, du khách biết đến thôn Thọ An, xã Bình An (Bình Sơn) không chỉ là làng tranh bích họa mà còn là nơi lưu giữ bản sắc văn hóa của đồng bào Cor. Từ trang phục ngày lễ, Tết, các điệu hát múa của người Cor như xà ru, a giới, cà đáo... luôn hấp dẫn du khách. Đó là chưa kể những sản phẩm ẩm thực như bánh mũi tên, khoai mì chấm muối đậu, rau ranh, ốc đá... đều thể hiện nét độc đáo trong đời sống, văn hóa của đồng bào Cor ở xã Bình An.

Du khách tìm hiểu các món ăn mang đặc trưng văn hóa ẩm thực của đồng bào Cor, ở thôn Thọ An (Bình Sơn).
Du khách tìm hiểu các món ăn mang đặc trưng văn hóa ẩm thực của đồng bào Cor, ở thôn Thọ An (Bình Sơn).


Còn nếu như lên các huyện miền núi Ba Tơ, Sơn Hà, Minh Long trong mùa lễ hội, du khách sẽ được nghe đồng bào Hrê hát điệu ta lêu, ca choi; nghe tiếng cồng chiêng, đàn brooc. Nếu du khách ghé làng Teng, ở xã Ba Thành (Ba Tơ) sẽ hiểu thêm nét độc đáo của nghề dệt thổ cẩm, hay nghề đan lát của người Hrê nơi đây. Ngoài ra, du khách sẽ được thưởng thức các món ngon như cá niên nướng, cá niên luộc chấm muối ớt; thịt trâu nấu xà bần, cá chạch nấu măng chua; rồi thử món heo ki, gà re... nhấm nháp với rượu cần.

Về vùng phía tây huyện Tư Nghĩa, du khách sẽ có dịp thưởng thức món xôi nếp cút, rượu nếp cút. Ra huyện đảo Lý Sơn, du khách hiểu hơn về nghề trồng hành, tỏi... Đó là những món ngon, làng nghề, quy trình sản xuất góp phần hình thành bản sắc văn hóa của từng vùng, miền trong tỉnh.

Giữ gìn và phát huy       

Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy Quảng Ngãi nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể  của các dân tộc, các vùng miền, làm nền tảng phát triển du lịch.

Tại huyện miền núi Ba Tơ, tỉnh đã đầu tư hàng chục tỷ đồng triển khai dự án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa thôn làng Teng, bảo tồn các làn điệu dân ca của dân tộc Hrê, đặc biệt là truyền nghề và giới thiệu nghề dệt thổ cẩm - là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Cùng với sự đầu tư của tỉnh, huyện Ba Tơ đã xây dựng một số nhãn hiệu địa phương như: Dệt thổ cẩm làng Teng, rượu cần Ba Tơ, rượu sim Bùi Hui, mật ong rừng Ba Tơ, tiêu Ba Lế...

Còn ở huyện Tư Nghĩa, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Bùi Văn Tiến, thì huyện đã chỉ đạo cho xã Nghĩa Thuận quy hoạch diện tích trồng nếp cút, để tạo sản phẩm rượu nếp cút phục vụ du khách. Ở các xã biển tiếp tục bảo tồn, gìn giữ các lễ hội cầu ngư...

Ở huyện Lý Sơn, chính quyền cũng chú trọng tuyên truyền, vận đồng nhân dân giữ gìn, bảo tồn và phát huy các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, các lễ hội; xây dựng kế hoạch gắn kết các chuỗi di tích trên địa bàn... để phát triển du lịch, phục vụ du khách".

Sự nỗ lực của các địa phương trong tỉnh đã góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, các vùng miền, qua đó góp phần thu hút khách du lịch, phát triển kinh tế địa phương.


Bài, ảnh: MAI HẠ  


.