Ngày giỗ Tổ, nhớ về cội nguồn

10:04, 13/04/2019
.

(Báo Quảng Ngãi)- Câu ca: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba” đã ăn sâu trong tâm thức người Việt. Từ lâu, cứ đến ngày giỗ Tổ Hùng Vương, cùng với cả nước, người dân Quảng Ngãi tự hào hướng về cội nguồn dân tộc, để ra sức phấn đấu học hành, làm ăn, xây dựng cuộc sống mới.

TIN LIÊN QUAN

Trải qua hàng ngàn năm, dẫu có nhiều biến thiên lịch sử, nhưng ngày giỗ Tổ Hùng Vương vẫn là nét đẹp văn hóa, để tỏ lòng thành kính đối với các vị vua Hùng đã có công dựng nước.

Năm 2001, Bộ VH-TT (nay là Bộ VH-TT&DL) quyết định tổ chức lễ Giỗ Tổ Vua Hùng trên cả nước vào ngày 10.3 âm lịch hằng năm tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng thuộc tỉnh Phú Thọ. Và đã thành thông lệ, cứ đến ngày giỗ Tổ nhân dân trong cả nước đều hướng về cội nguồn để tưởng nhớ, tri ân.

 Hằng năm, tại điện Trường Bà, huyện Trà Bồng tổ chức lễ hội để cố kết cộng đồng, giúp người dân hiểu hơn về nguồn cội.
Hằng năm, tại điện Trường Bà, huyện Trà Bồng tổ chức lễ hội để cố kết cộng đồng, giúp người dân hiểu hơn về nguồn cội.


Phó Chủ tịch Hội đồng họ Bùi Việt Nam, Trưởng Ban họ tộc Bùi phường Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi), TS. Bùi Phụ Anh cho hay: Giỗ Tổ Hùng Vương còn là dịp để bày tỏ công ơn, tôn vinh công lao dựng nước và giữ nước của các bậc tiền nhân. Ðây là hoạt động thể  hiện truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, kết nối trăm họ cùng chung một niềm tự hào. Qua đó, kế thừa và phát triển đất nước.

Sinh thời, trong lần về thăm Đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn đồng bào, chiến sĩ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Thấm nhuần lời dạy của Bác, trải qua những cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm, hàng triệu người dân đất Việt đã đoàn kết một lòng bảo vệ Tổ quốc.

Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Phạm Văn Thạch cho biết: "Phát huy truyền thống đấu tranh giữ nước từ ngàn đời của cha ông, nhiều cựu chiến binh trong tỉnh không chỉ gan dạ trong chiến đấu mà còn đi đầu trong phong trào phát triển kinh tế. Họ đã trở thành những tấm gương sáng để thế hệ trẻ noi theo".

Cựu chiến binh Bùi Hữu Nghĩa, ở phường Nghĩa Lộ (TP.Quảng Ngãi), tự hào: "Tôi luôn dạy bảo con cháu phát huy truyền thống cách mạng của gia đình, dòng họ để ra sức học tập, lao động, đóng góp xây dựng quê hương, đất nước. Đến ngày giỗ Tổ, tôi vẫn thường nhắc nhở các con tập trung về nhà thờ để luôn nhớ về cội nguồn, đó cũng là cách để giáo dục con trẻ về đạo đức, lối sống".

Để tỏ lòng biết ơn các thế hệ đi trước đã có nhiều cống hiến, hy sinh vì Tổ quốc, nhân ngày giỗ Tổ Hùng Vương, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức các hoạt động về nguồn, thăm viếng các nghĩa trang liệt sĩ, các khu di tích lịch sử... Nhiều gia đình, dòng họ tổ chức chạp mả, Thanh minh nhằm gắn kết họ tộc, giáo dục con cháu noi gương tổ tiên ông bà mình.

Giỗ Tổ Hùng Vương từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa của dân tộc. Bây giờ, dù đi bất cứ nơi đâu, cứ đến ngày giỗ Tổ mỗi người dân đất Việt đều hướng về tổ tiên, cội nguồn và xem đó như động lực để tạo nên sức mạnh đại đoàn kết vượt qua khó khăn, cùng nhau tiến tới tương lai, xây dựng đất nước ngày càng giàu đẹp.

Bài, ảnh: MAI HẠ


.