Du lịch làng gốm

10:01, 25/01/2019
.
(Báo Quảng Ngãi)- Nghệ nhân Đặng Văn Trịnh ở làng gốm Mỹ Thiện, thị trấn Châu Ổ (Bình Sơn) đang ra sức giữ gìn, phát huy nghề. Nhờ vậy, thương hiệu gốm Mỹ Thiện lại tiếp nối xưa kia, tiếng vang ngày càng bay xa hơn, thu hút các đoàn du khách trong và ngoài nước đến tham quan, tìm hiểu.
TIN LIÊN QUAN

Sống trọn với nghề xưa
Khi có khách đến tham quan, ông Đặng Văn Trịnh giới thiệu cho khách từng chi tiết, từng sản phẩm, trong khi vẫn luôn tay tạo hình, khắc vẽ họa tiết lên bình gốm. Ông Trịnh bảo: “Tôi luôn khắc khoải việc làm sao gìn giữ nghề cha ông để lại. Nghề này đã hơn 200 tuổi, nếu không còn ai trên đời biết làm gốm Mỹ Thiện sẽ rất tiếc nuối. Nghĩ vậy, tôi động viên vợ cố gắng làm, sáng tạo, quảng bá đến khi cạn kiệt sức lực mới ngưng”.
 
Du khách trải nghiệm làm gốm tại làng gốm Mỹ Thiện.
Du khách trải nghiệm làm gốm tại làng gốm Mỹ Thiện.

Vậy là, bên cạnh việc duy trì, sản xuất gốm, ông Trịnh cùng các thành viên trong gia đình tích cực lên Facebook quảng bá sản phẩm. Nhờ sự cố gắng không ngừng nghỉ của ông Trịnh, làng nghề vẫn “đỏ lửa” cung ứng ra thị trường mỗi tháng tầm 2.000-3.000 sản phẩm gốm trang trí và gia dụng.

Trong nhiều năm qua, bình quân mỗi năm có khoảng gần 20 đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan làng gốm Mỹ Thiện. Ông Trịnh hào hứng kể: Mới đây, có một cô gái tên Vi, khoảng 30 tuổi ở TP.Hồ Chí Minh đến tham quan cơ sở. Cô gái rất hứng thú khi tận mắt chứng kiến cách tạo hình, khắc họa từng sản phẩm và bảo: “Ước gì có thể mang hết sản phẩm về nhà. Bởi, mỗi sản phẩm đều tinh tế, màu men ấn tượng, rất thu hút”. Chuyến đi này, cô đặt hàng 30 sản phẩm.

Anh Nguyễn Tuệ (TP.Hồ Chí Minh) đưa con trai đang học lớp 8 về thăm cơ sở làm gốm Mỹ Thiện của ông Trịnh, cho biết: “Tôi là người con ở quê hương Bình Sơn, nhưng sống và làm việc ở TP.Hồ Chí Minh. Để con trai mình không mất gốc, dịp này, tôi đưa cháu về thăm quê và tham quan, tìm hiểu gốm Mỹ Thiện. Cháu rất hứng thú khi được nghệ nhân Trịnh cùng vợ hướng dẫn, tận tay tạo ra sản phẩm”.
 
UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương hỗ trợ trực tiếp cho cơ sở gốm Mỹ Thiện của hộ ông Đặng Văn Trịnh để phục hồi làng gốm Mỹ Thiện. Trong đó, UBND tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí mở rộng mặt bằng hiện tại, làm lại toàn bộ mái che, xây dựng khu trưng bày sản phẩm, nâng cấp lò nung, hạn chế sự ô nhiễm, mua máy trộn đất, hỗ trợ kinh phí đào tạo, truyền nghề, kinh phí tham gia các hội chợ, làng nghề quy mô khu vực và toàn quốc của cơ sở. UBND tỉnh giao huyện Bình Sơn, Sở Công thương, Sở Tài chính hoàn thiện quá trình thẩm tra, thẩm định đề án Duy trì và phát triển nghề truyền thống sản xuất gốm Mỹ Thiện.
Nhiều trường mẫu giáo, tiểu học trong tỉnh đưa học sinh đến tham quan làng gốm Mỹ Thiện. Gần đây nhất là đoàn 50 cháu đang học Trường Mầm non Hoa Cương (TP.Quảng Ngãi) đến thăm cơ sở. Tại đây, từng cháu được trải nghiệm với đất sét, bàn xoay và thích thú khi thấy được cách tạo ra từng sản phẩm gốm.

Mong được chắp cánh

Ông Đặng Văn Trịnh cho biết: Gốm Mỹ Thiện rất đặc trưng, tinh xảo và được sản xuất thủ công với kỹ thuật bàn xoay. Với nguyên liệu đất sét được lọc kỹ tạp chất, người thợ vuốt đất trên bàn xoay để tạo dáng cho từng sản phẩm.
 
Bằng đôi bàn tay điêu luyện, kỹ thuật vững vàng, người thợ thoăn thoắt dùng dao gọt đều da gốm trở nên nhẵn, bóng. Gốm Mỹ Thiện còn nổi danh bằng cách trang trí đắp nổi các hoa văn, hình rồng, trúc, chim, thú... Sau khi hoàn tất, người thợ tạo cắt chân và đem phơi khô, đưa vào lò nung khoảng 3 ngày.

Điểm tinh tế của gốm Mỹ Thiện, đó là kỹ thuật tráng men được nung qua hai lửa. Lần nung đầu giúp xương gốm chắn. Lần thứ hai, sản phẩm gốm được nhúng men rồi cho vào lò nung. Trong quá trình nung, nhiệt độ nung sẽ tạo nên sự thay đổi màu sắc cho từng sản phẩm như tím, xanh, vàng.
 
“Chúng tôi luôn sáng tạo, nắm bắt nhu cầu thị hiếu ngày nay, đáp ứng được những đơn đặt hàng của khách. Chúng tôi mong nhận được sự hỗ trợ, đồng hành của chính quyền các cấp để duy trì, phát triển gốm Mỹ Thiện trong tương lai”, ông Trịnh trải lòng.

Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Cao Văn Chư chia sẻ: “Gốm Mỹ Thiện nếu mai một sẽ là điều tiếc nuối. Gia đình ông Đặng Văn Trịnh vẫn đang cố gắng gìn giữ nghề truyền thống này. Tuy nhiên, nếu muốn gìn giữ lâu dài  cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền. Chúng ta phải tìm cách gầy dựng, liên kết được thêm nhiều hộ lành nghề gốm, cùng với hộ ông Trịnh mở rộng quy mô sản xuất, thì đây sẽ là điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn”.
Bài, ảnh: ĐĂNG SƯƠNG

.