Mở bí ẩn trong lòng đất

08:09, 05/09/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Từ sâu trong lòng đất, những hiện vật mà nhiều người cho là vô tri, vô giác như chum, vò, mảnh gốm... lại trở nên “biết nói” dưới góc nhìn của các nhà khảo cổ học. Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, hiện là Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh là người như thế, anh đã mở bí ẩn về người thiên cổ từ chính những đồ vật nằm sâu dưới lòng đất.

Ở Quảng Ngãi, nhiều người biết anh Đoàn Ngọc Khôi là tiến sĩ khảo cổ học duy nhất của tỉnh, nhưng chắc rằng ít có ai được nghe anh kể về câu chuyện cuộc đời anh gắn với khảo cổ học.

Bắt đầu từ chữ “duyên”

Đến nay đã là 30 năm kể từ ngày anh Đoàn Ngọc Khôi tốt nghiệp đại học, đó cũng là ngần ấy thời gian anh ngược xuôi nghiên cứu và khai quật khảo cổ từ đồng bằng đến miền núi và hải đảo. Từ những chuyến đi đó mà anh đã mang đến cho nhiều người về những bí ẩn của người thiên cổ. “Mọi việc đều bắt đầu từ chữ duyên”, Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi bảo thế.

 

Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi và di cốt song táng của người Sa Huỳnh cổ do chính anh khai quật tại xóm Ốc (Lý Sơn), hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.
Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi và di cốt song táng của người Sa Huỳnh cổ do chính anh khai quật tại xóm Ốc (Lý Sơn), hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh.


Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi có nhiều phát hiện có ý nghĩa quan trọng đối với nền văn hóa Sa Huỳnh, mà Quảng Ngãi chính là vùng lõi. Cách đây hơn chục năm, trong một lần công tác ở  Lý Sơn, anh tình cờ phát hiện một vài mảnh gốm thời tiền sử trong đám cát dùng để trồng hành, tỏi của người dân. Từ những mảnh gốm vương vãi cứ tưởng không có giá trị, nhưng lại là minh chứng cho sự hiện diện của một nền văn hóa cổ xưa nơi đất đảo, đó là văn hóa Sa Huỳnh.

Sau nhiều lần khảo sát, Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi cùng với cộng sự đã tiến hành khai quật khảo cổ tại địa điểm xóm Ốc. Qua khai quật đã xuất lộ tầng văn hóa của cư dân xóm Ốc dày trên 1,5m, trong đó căng dày gốm, vỏ nhuyễn thể. Đặc biệt là có mộ táng xen lẫn trong tầng văn hóa, gồm có mộ chum, mộ vò, điều này chứng minh niên đại văn hóa Sa Huỳnh ở Lý Sơn kéo dài từ giai đoạn sớm đến muộn.

Đây là phát hiện đầu tiên về văn hóa Sa Huỳnh trên đảo Lý Sơn. Sau đó, anh Khôi tiếp tục tham gia khai quật khảo cổ tại Suối Chình (Lý Sơn), phát hiện mộ vò, mộ nồi và các tầng văn hóa vỏ nhuyễn thể đan xen với gốm, đây là giai đoạn muộn của nền văn hóa ở xóm Ốc. Cư dân văn hóa Sa Huỳnh cư trú trên đảo Lý Sơn khoảng từ thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên và kết thúc ở khoảng thế kỷ thứ II sau Công nguyên. Giá trị của nền văn hóa Sa Huỳnh được phát hiện ở xóm Ốc cũng là cơ sở để anh hoàn thành luận án tiến sĩ và được các nhà khoa học đánh giá cao.

Mới vì ít người biết và hiểu

Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi giải thích: “Khảo cổ bao giờ cũng mới, vì những hiện vật tìm được luôn luôn mới với nhiều người. Cũng giống như khi khai quật trong lòng đất, tầng văn hóa cổ xưa đó, nhà khảo cổ là người tiếp cận đầu tiên, là những người có diễm phúc khi được đón luồng ánh sáng tri thức, đón thông tin đầu tiên từ những tầng văn hóa cổ xưa, mà trước đó không ai biết được”. Cũng vì lẽ đó mà trong suốt 3 thập kỷ qua, Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi đã sống và làm việc với niềm đam mê khảo cổ.

Qua nghiên cứu Thành cổ Châu Sa ở xã Tịnh Châu (TP.Quảng Ngãi) và khảo sát toàn bộ hệ thống di tích của nền văn hóa Chămpa trên địa bàn tỉnh, tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi nhận định: “Dấu tích của nền văn hóa Chămpa ở Quảng Ngãi hiện còn nhiều, như thành quách, mộ táng, đền tháp, giếng nước, khu sản xuất đồ gốm... Chứng tỏ vùng đất này trong một giai đoạn lịch sử là một sự tiếp nối không bị cắt đoạn, từ văn hóa Sa Huỳnh đến văn hóa Chămpa”. Miệt mài nghiên cứu và đã có nhiều phát hiện quan trọng về giá trị văn hóa khảo cổ, tuy nhiên, điều mà tiến sĩ Khôi luôn đau đáu lo lắng đó là, làm thế nào để những di sản văn hóa phát hiện từ khảo cổ được nhiều người biết đến, cùng nhau cộng đồng trách nhiệm trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị di sản văn hóa đó.

Vùng Đông Trường Sơn không “trắng” khảo cổ


 Trong chuyến công tác ở vùng cao Tây Trà, Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi vui mừng như bắt được vàng khi phát hiện những mảnh gốm thời tiền sử. Năm 2011, anh  cùng với các chuyên gia thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam thực hiện đợt khai quật khảo cổ trong lòng hồ chứa nước Nước Trong (Tây Trà) và đã phát hiện nhiều mộ táng cùng với hàng nghìn hiện vật chôn kèm theo mộ, như gốm, công cụ ghè đẽo, đồ thủy tinh, trang sức...

Qua đó chứng minh rằng, vùng Đông Trường Sơn không phải là vùng “trắng” khảo cổ. Một lý thuyết quan trọng được chứng minh nữa là, vào giai đoạn sớm nhất có một cộng đồng cư dân hậu kỳ đá mới của Tây Nguyên tràn xuống vùng rẻo cao Trường Sơn, để xuống đồng bằng duyên hải, họ xác lập nên văn hóa của giai đoạn sơ kỳ kim khí cách đây hơn 3.000 năm. Quảng Ngãi chính là vùng lõi của trung tâm văn hóa Sa Huỳnh, với nhiều di tích ở giai đoạn sớm nhất, từ sơ kỳ đồng thau phát triển đến sơ kỳ sắt.


Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ





 


.