Lặn ngắm san hô ở đảo tiền tiêu

10:09, 06/09/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- “Hôm nào, anh ra Lý Sơn nhớ a-lô em, em đón anh và dẫn anh đi lặn ngắm san hô biển cho biết”, tôi nhận lời mời từ một cư dân xứ đảo mới quen độ dăm ba bận.

Biết trước người Lý Sơn xưa nay nổi tiếng mến khách, nên tôi đoán chắc lời mời ấy xuất phát từ tâm.

TIN LIÊN QUAN

“Hành trình” đi ngắm san hô

Ra Lý Sơn cũng đến vài chục lần, nhưng lần đầu tiên nghe người bạn “rủ rê” đi lặn ngắm san hô biển cũng thấy là lạ và khá hứng thú. Bởi, mọi thứ du lịch ở hòn đảo này tôi đều từng “kinh” qua, nhưng chuyện ngâm mình dưới nước, rồi lặn ngắm san hô biển thì tôi chưa từng.

Nhiều du khách đang lựa chọn trải nghiệm lặn ngắm san hô biển ở đảo Lý Sơn.
Nhiều du khách đang lựa chọn trải nghiệm lặn ngắm san hô biển ở đảo Lý Sơn.


Vậy là theo lịch trình, tôi lên tàu trực chỉ hòn đảo tiền tiêu Lý Sơn xinh đẹp. Phải nói, bây giờ so với 5 - 7 năm về trước, chuyện “leo” tàu đi đảo không quá cam go. Mất chỉ chừng 30 phút đi tàu siêu tốc là đã vượt hàng chục hải lý từ đất liền chạm chân đến đất đảo. Như đã hẹn, tôi được một người bạn xứ đảo đón ngay tại cầu cảng và đưa về nhà nghỉ chờ đến “giờ đẹp” đi lặn ngắm san hô. “16 giờ lên chùa Hang nhé!”  - Tôi gật đầu đáp lại với bạn.

Đúng hẹn, tôi đến chùa Hang khi nắng chiều ngả bóng. Chùa Hang hiện ra trong mắt tôi bình yên đến lạ. Cả trăm du khách đang vãn cảnh chùa Hang cứ tấm tắc khen vẻ đẹp tự nhiên mà tạo hóa đã ban tặng cho thắng cảnh này. Ngay cạnh mép biển chùa Hang là một cái hốc đá khoét sâu vào lòng núi.

Thật bất ngờ, mở ra cái dịch vụ lặn ngắm san hô biển ở chùa Hang này không phải ở đâu xa lạ, mà lại chính là đôi vợ chồng cư dân xứ đảo, vợ chồng anh Mai Tấn Thanh, ở xã An Hải. Đôi vợ chồng trẻ này đã “giữ” cái hang này cùng với một bãi rạn san hô cách chùa Hang chừng 1,5km để làm du lịch lặn ngắm san hô biển.
 

"San hô biển ở Lý Sơn bây giờ rất đẹp, được bảo tồn tốt, nên phục hồi gần như xưa. Lặn ngắm san hô đang trở thành một loại hình du lịch mới của địa phương. Các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực lặn ngắm san hô biển cũng đã từng bước trang bị thiết bị lặn chuyên nghiệp để hỗ trợ, hướng dẫn du khách lặn ngắm san hô biển an toàn. Huyện đang phát triển dịch vụ này để tạo điểm nhấn đối với du lịch Lý Sơn”.


Phó Chủ tịch UBND huyện  Lý Sơn LÊ VĂN NINH

“Ở đây hồi trước bỏ hoang, rác tấp vào hốc đá này ô nhiễm lắm. Thấy san hô bây giờ được bảo tồn rất đẹp, nên tôi xin địa phương cho mở dịch vụ lặn ngắm san hô biển. Ngoài bãi rạn kia, san hô đẹp lắm, ở Lý Sơn không đâu có san hô đẹp bằng chỗ ấy.

Đi Lý Sơn mà không lặn ngắm san hô chùa Hang thì coi như chưa đi Lý Sơn”, anh Thanh đưa tay chỉ về phía rạn san hô nói rồi kéo vội “chiếc thuyền du lịch” lại gần để đưa chúng tôi ra bãi rạn.

Chưa đầy 10 phút đi thuyền, tôi đến được bãi san hô. Nước thủy triều rút nên rạn san hô ở chùa Hang chỉ sâu chưa quá đầu người. Anh Thanh đưa tôi cái kính lặn thủ công, để ngắm san hô biển. Vốn là dân rành lặn, nên chuyện lặn thủ công không quá khó khăn với tôi. Chỉ một cú lấy hơi thật sâu tôi đã “nằm” dưới bãi san hô.

Thật sự, ngay cái nhìn đầu tiên, tôi đã bị choáng ngợp trước vẻ đẹp của san hô biển nơi đây. San hô cứ kết dính với nhau trải đều đủ màu sắc, đủ loại, hình thù của từng cụm san hô cũng rất lạ mắt. Bãi rạn san hô này còn là nơi cư ngụ của rất nhiều loài thủy sản, có cả những chú cá đủ màu đủ sắc vào đây cư ngụ. Cảnh tượng ấy làm cho rạn san hô ở chùa Hang đã đẹp lại càng thêm quyến rũ, chẳng khác “bể kính của tạo hóa” sinh ra để chứa cả trăm loài thủy sản dưới lòng đại dương.

Dân đảo giữ san hô

Vợ chồng anh Thanh làm dịch vụ lặn ngắm san hô biển cũng rất “ăn nên làm ra” mỗi khi Lý Sơn vào mùa du lịch. Cứ một khách lên tàu ra lặn ngắm san hô là vợ chồng anh có ngay 100 nghìn đồng. Ngày đón chừng mươi lượt khách phương xa thì cũng đã có tiền triệu. Ở đảo Lý Sơn, giờ dịch vụ lặn ngắm san hô biển đang rất... thịnh. Ngoài điểm lặn ngắm san hô ở chùa Hang của vợ chồng anh Thanh còn có những điểm lặn ngắm san hô khác ở hang Câu, đảo Bé, cổng Tò Vò.

“Nhờ bảo tồn, ngăn chặn được nạn khai thác san hô biển mấy năm nay, nên Lý Sơn giờ mới có san hô đẹp như vậy đó”, anh Thanh nói với vẻ khá tự hào. Bảo vệ được những rạn san hô biển đẹp như ở chùa Hang chắc nhờ đến lực lượng của Ban quản lý khu bảo tồn biển Lý Sơn bảo vệ nghiêm ngặt mới được như vầy?

Anh Thanh liền đáp: Đâu chỉ có lực lượng chức năng mới giữ và bảo vệ san hô biển, chính mỗi người dân chúng tôi cũng phải có ý thức và cùng chung tay giữ thì san hô mới không bị tàn phá, mới được như bây giờ. Nhưng không chỉ anh Thanh mà hầu như cư dân ở hòn đảo tiền tiêu này cũng nhất mực bảo vệ cho kỳ được những rạn san hô biển, không chỉ vì để làm du lịch mà còn để giữ lấy con cá, con tôm quanh bờ.

Quả thật, lặn ngắm san hô biển nơi hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc - Lý Sơn - là một trải nghiệm đầy thú vị. Hình ảnh những rạn san hô trải dài như thảm lụa đa sắc màu vẫn quẩn quanh trong tôi khi chia tay người bạn. Quên sao được khi tôi đã “chạm đáy đảo tiền tiêu” để thấy vẻ đẹp diệu kỳ dưới lòng đại dương. Bởi thế tôi sẽ lại ra đảo, để đến chùa Hang, đến Hang Câu, đến đảo Bé... để lặn ngắm san hô trong một ngày gần nhất.


Bài, ảnh: VÕ MINH HUY


 


.