Chiếc lồng đèn đẹp nhất

03:09, 22/09/2018
.

Truyện ngắn của Y NGUYÊN

 


1. Nó mê chơi lồng đèn. Nói chuyện lồng đèn phải đợi tới Trung thu. Đầu tháng 8 âm lịch, mấy tiệm tạp hóa ngoài chợ đã thấy bày bán bánh kẹo, đầu lân, mặt nạ (Tề Thiên, ông Địa, Bát Giới...). Thêm đôi chiếc lồng đèn treo lủng lẳng, sặc sỡ giấy bóng kính đỏ xanh. Đừng mơ mấy thứ ấy cho mất công nếu không muốn nghe mẹ hét: "nghèo, cơm không có ăn còn bày đặt bánh trái, đèn đung"! Mẹ đúng là “bà La Sát” (chị Hai hay nói vụng), con mơ chút cho đỡ thèm cũng không cho, nó ấm ức nghĩ thầm. Kệ, không có tiền mua thì ta đây... tự làm lấy mà chơi, gì quan trọng dữ!

Sáng đi học, lên trường nghe thêm cái tin sốt dẻo. Thầy Viên thông báo: "Trung thu năm nay, trường tổ chức cuộc thi lồng đèn, các em về chuẩn bị". Tin ấy khiến nó mừng muốn nhảy cỡn. "Tay nghề lồng đèn” của nó thuộc loại có hạng; chưa kể không thi thì cũng phải (bằng mọi giá) tự làm cho được cái lồng đèn mà chơi Trung thu. Thử tưởng tượng: Trung thu mà không có cái lồng đèn cầm tay đi dung dăng dung dẻ thì còn gì là Trung thu...

 



2. Khoản cắt dán tô màu, rèm tua trang trí “tay nghề” nó không tệ, chắc chắn; nhưng chặt tre vót nan ráp cột khung lồng đèn thì thua. Vụ này mọi năm nó vẫn nhờ ba. Xui, năm nay ba bận việc ở xa, tới giáp Trung Thu mới về, làm sao? Thực tình, nhà vẫn còn một chỗ có thể “cầu cứu”, đó là anh Năm. Nghe nó nhờ vả, anh Năm nhận lời ngay. Làm xong chỉ hề hề: Mầy thi xong, nhận giải về nhớ... chia nửa cho anh Năm là oke! Trời, chuyện nhỏ như con thỏ, nó gật đầu cái rụp, cười toe...

Cái khung lồng đèn củ ấu Năm bẻ (ráp) quả là khéo tay. Đều đặn cân phương tám mặt. Bên trong chỗ cắm nến, Năm còn cẩn thận buộc, khoanh cho cái đai dây kẽm giữ nến khỏi đổ. Khung xong; phần việc bên ngoài là của nó. Phất (dán căng) giấy bóng kính, cắt dán nẹp viền, chạy kiếm lõi bắp khô về xỏ chỉ, quấn giấy màu làm ngù (tua). Ròng rã loay hoay mấy ngày trời mới xong. Lẽ ra có thể làm nhanh hơn, nhưng do nó quyết tâm “đầu tư” cho cái âm mưu... giải nhất nên làm cẩn thận tới hết mức luôn. Không uổng công, lồng đèn làm xong treo lên, xoay trái xoay phải lấp lánh ngù tua, khiến anh Năm cũng phải trầm trồ ngưỡng mộ. Ban ngày trông đã tuyệt, tới tối thắp nến cắm vào lung linh, thử xách đi một vòng quanh xóm mới càng tuyệt hơn. Con nít lối xóm đứa nào cũng chạy theo ngắm nghía trầm trồ. Mấy đứa bạn cùng lớp thì nhìn cái lồng đèn trứ danh của nó bộ ghen tị ra mặt!

3. Con Thơ thầm thì vô tai, vẻ quan trọng: Mầy nghĩ lồng đèn mầy giải nhất hả, mơ đi. Mấy đứa nhà giàu trong lớp toàn mua lồng đèn ngoài phố đem dự thi hông hà! Lồng đèn mình làm đẹp thì đẹp, sao so được lồng đèn phố... Con Kiều đế thêm: không được giải thì chớ, lồng đèn dự thi mấy cái đẹp đẹp sẽ bị nhà trường “tịch thu”, đem treo dưới phòng hội đồng. Không được giải, lại còn bị mất lồng đèn, kể như mình xong cái Trung thu luôn! Con Út cự cãi: Không, chỉ mấy cái được giải mới bị "tịch thu", không được giải sẽ trả mang về...

Nghe bảo: Thi lồng đèn năm nay, giải nhất sẽ là một chiếc bánh Trung thu bự chảng. Bánh cao cấp có hạnh nhân, nho khô và gì gì nữa, chứ không phải như mấy cái bánh bột mì nhân đậu nhân dừa bán trong tiệm bà Tám trước cổng trường. Cái bánh “đẳng cấp” ấy – theo lời con Lan, con thầy hiệu trưởng - lũ nhỏ xóm nghèo mơ còn chưa thấy nói gì được ăn? Đương nhiên với nó, con nhỏ mê đồ ngọt số một, lại càng... nằm mơ. Được ngậm một miếng bánh ấy giữa răng (dẫu có phải chia phần cho anh Năm) kể cũng đáng công chăm chút cái lồng đèn. Nhưng có bánh ăn mà mất cái lồng đèn thì đau quá đau. Bánh - ăn loáng cái hết veo, còn lồng đèn chơi hoài vẫn nguyên xi. Còn đâu niềm hãnh diện, tự hào khi xách trên tay cái lồng đèn đẹp do chính tay mình làm ra. Trung thu không có lồng đèn là kể như mất Trung thu, đúng y như con Kiều than vãn...

Hay mình... trốn, không thi, giữ cái lồng đèn ở nhà chơi cho chắc?

Không được. Thầy Viên hung lắm, “bất tuân thượng lệnh” là... ăn roi chắc cú luôn. Nghĩ tới nghĩ lui hoài cũng không ra cách. Giờ thì nó thực sự hết thèm luôn cái bánh Trung thu “đẳng cấp”, chỉ mong sao có nhiều lồng đèn đẹp ngoài phố cùng dự thi, càng nhiều càng tốt, để đừng ai để ý đến cái lồng đèn cưng của nó; để nó còn được hy vọng xách lồng đèn về đi chơi Trung thu...

4. Không có cái lồng đèn phố nào vào dự thi! Đúng ra cũng có một cái; nhưng bị loại ngay vòng đầu, chủ nhân còn bị mắng té tát. Đã bảo thầy Viên hung lắm, lồng đèn mua sao qua mắt thầy được! Vào vòng chung khảo không thiếu lồng đèn đẹp, nhưng nhìn mãi cũng không tìm đâu ra cái lồng đèn đẹp hơn lồng đèn nó. Đen đủi thật. Biết vậy, nó đã không khổ công đầu tư cái lồng đèn tới mức ấy...

Nó đưa đôi mắt tuyệt vọng nhìn các thầy cô trong ban giám khảo. Thầy Viên xem chừng hãnh diện lắm, bởi trong số lồng đèn vào chung khảo đã có tới 3 cái của lớp thầy! Không biết ban giám khảo trao đổi những gì mà thầy quay nhìn nó gật gật, cười tươi như hoa, không để ý rằng mặt nó đang méo xẹo! Nhìn bộ dạng thầy cũng đủ biết: Lồng đèn nó chắc chắn giải nhất. Chuyện ấy cũng đồng nghĩa với việc cái lồng đèn cưng của nó coi như một đi không trở lại. Nó liếc nhìn hộp bánh Trung thu trao giải bọc giấy kiếng rực rỡ trên bàn bằng đôi mắt ghét bỏ. Nó nguyền rủa con Thơ dám loan tin tào lao hết sức thậm tệ. Tại nó kêu có nhiều lồng đèn đẹp ngoài phố dự thi nên mình mới chủ quan. Không thì...

5. Thầy ơi, em không muốn... nhận giải!
-...???
-Em... Em muốn... trả giải thưởng lại, thầy phát cho bạn khác đi thầy...

Thầy Viên nổi xung:

-Ơ, con bé này lạ thật. Điên à?

Nó bắt đầu khóc:

-Em không muốn... nhận giải. Em chỉ muốn... đem cái lồng đèn của em về thôi...
Con Tím nói leo: Thưa thầy, bạn ấy sợ nhận giải thì sẽ bị “tịch thu” lồng đèn đem treo dưới phòng hội đồng, không có chơi Trung thu á.

Thầy Viên bật cười: Đứa nào tự dưng đi loan cái tin đáng “ăn roi” vậy? Nhà trường chỉ mượn treo triển lãm vài ba bữa; sau đó trả lại thôi mà...

-Dạ, thiệt hả thầy???
Nó thiếu chút nhảy tưng lên từ chỗ đứng, ngoác miệng cười toe toét trong khi mặt mũi vẫn còn nhòe nhoẹt nước mắt...


Y.N
 


.