Phát huy truyền thống văn hóa dân tộc

03:08, 29/08/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, văn hóa đóng vai trò quan trọng trong công cuộc dựng nước và giữ nước. Giữ gìn và phát huy văn hóa dân tộc là nòng cốt để định hướng phát triển kinh tế-xã hội trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Cách mạng Tháng Tám thành công, Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời. Trong Tuyên cáo ngày 28.8.1945, Chính phủ đã thành lập Bộ Thông tin tuyên truyền, tiền thân của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch). Trải qua 73 năm, đi cùng với sự phát triển của đất nước, ngành văn hóa Quảng Ngãi luôn giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa vốn có của dân tộc.

 

Đồng bào Cor đánh cồng chiêng kết hợp múa Cà đáo trong lễ hội điện Trường Bà.
Đồng bào Cor đánh cồng chiêng kết hợp múa Cà đáo trong lễ hội điện Trường Bà.


Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Cao Văn Chư chia sẻ: Sau ngày giải phóng, Quảng Ngãi còn nhiều khó khăn, các lực lượng phản động luôn chống phá, làm cho tình hình an ninh - chính trị không ổn định... Theo chủ trương của Đảng, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, ngành văn hóa đã sớm kiện toàn đội ngũ cán bộ làm văn hóa từ tỉnh đến cơ sở, khắc phục khó khăn, từng bước thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của ngành.

Trong thời gian đến, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy; xây dựng đề án bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số đến năm 2020; triển khai thực hiện hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc, gắn với phát triển du lịch; nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong toàn tỉnh.


Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL CAO VĂN CHƯ

Khi đội ngũ vững mạnh, thực hiện chủ trương của Đảng về “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, ngành văn hóa đã tham mưu cho Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh ban hành các nghị quyết chuyên đề, quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án, cơ chế chính sách về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ngãi đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững; bảo tồn và phát huy di sản văn hoá dân tộc, xây dựng đời sống văn hoá cơ sở, phát triển thể dục thể thao, du lịch, xây dựng gia đình văn hóa, phòng chống bạo lực gia đình... Trên cơ sở này, nhiều địa phương trong tỉnh đã tích cực giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa ở địa phương.

Phó Phòng VHTT huyện Đức Phổ Trương Thị Hương cho hay: Bên cạnh việc trùng tu, tôn tạo, bảo vệ các di tích để phát huy những giá trị văn hóa vốn có, huyện còn tích cực triển khai các thiết chế văn hóa đến cơ sở, xây dựng gia đình văn hóa, cơ quan, đơn vị văn hóa...

Phó Chủ tịch UBND huyện Trà Bồng Hồ Văn Thịnh cho rằng: Để tiếp tục phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Cor, trong những năm qua, huyện Trà Bồng đã đầu tư hạ tầng, xây dựng nhà văn hóa thôn, xã; tổ chức truyền dạy dân ca, dân nhạc, dân vũ, phục dựng các lễ hội, nhà sàn truyền thống... Huyện đã ban hành Đề án Bảo tồn và phát huy một số giá trị văn hóa dân tộc Cor. Đến nay, huyện đã thành lập được 30 đội nghệ thuật cồng chiêng, với hàng trăm nghệ nhân. Trong đó, đội nghệ thuật cồng chiêng thôn 2, xã Trà Thủy và thôn Bắc xã Trà Sơn là những điển hình về nghệ thuật đánh cồng chiêng.

Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Cao Văn Chư cho hay: Trên cơ sở Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy, ngành văn hóa đã triển khai và từng bước thực hiện có hiệu quả việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ngãi đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững... Cơ sở hạ tầng nhà văn hóa thôn, xã, sân bãi tập thể dục thể thao đã đầu tư bài bản... Tuy nhiên, trong quá trình hội nhập và phát triển, Quảng Ngãi cũng chịu tác động từ nhiều luồng văn hóa không phù hợp với thuần phong mỹ tục của văn hóa Việt. Nhiều địa phương trong tỉnh chưa chú trọng phát triển văn hóa cộng đồng.


Bài, ảnh: TRƯỜNG AN


 


.