Trót yêu nghệ thuật múa

04:04, 14/04/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Không đơn giản để chinh phục khán giả khi biểu diễn múa trên sân khấu. Để nghệ thuật múa được đón nhận không chỉ bằng đôi mắt mà bằng cả tâm hồn của người xem, thì diễn viên và biên đạo múa phải tâm huyết, sáng tạo, vã mồ hôi trên sàn diễn.  

Chị Phạm Thị Kim Chung (47 tuổi), là diễn viên và cũng là biên đạo múa, hiện đang công tác tại Trung tâm Văn hóa-Nghệ thuật tỉnh tâm sự: “Nghề múa rất vất vả, không đam mê, không cháy hết mình sẽ không gắn bó được lâu... Còn tôi thì đã trót yêu loại hình nghệ thuật này”.

Trèo đèo, lội suối đi biểu diễn

Gần 30 năm gắn bó với nghệ thuật múa, chị Phạm Thị Kim Chung cùng với các diễn viên trong Đội Tuyên truyền văn hóa miền núi (nay là Đội Thông tin lưu động) đi khắp các vùng miền xa xôi, hẻo lánh để biểu diễn phục vụ đồng bào. Quả đúng là, phải cháy hết mình với nghệ thuật múa thì mới có thể “trụ” được lâu. Mỗi chuyến đi hơn chục ngày, trèo đèo, lội suối, ăn ngủ ở lều trại, nhưng chị vẫn không ngần ngại.

Chị miệt mài luyện tập, chăm chút từng chi tiết cho tác phẩm nghệ thuật của mình, để rồi mỗi khi bước chân lên sân khấu, chỉ có niềm đam mê nghệ thuật múa là duy nhất. Chị Kim Chung tâm tình: “Đối với chúng tôi, không gì vui bằng khi tác phẩm múa được khán giả đón nhận”.

 Biên đạo múa Kim Chung hướng dẫn các cháu ở Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh tập luyện tiết mục múa.
Biên đạo múa Kim Chung hướng dẫn các cháu ở Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh tập luyện tiết mục múa.


Chị Kim Chung được nhiều người biết đến không chỉ là diễn viên gạo cội, mà còn là một trong số rất ít biên đạo múa chuyên nghiệp ở Quảng Ngãi hiện nay. Múa đối với chị không đơn giản là một nghề, mà ý nghĩa hơn cả là biểu diễn, dàn dựng các tiết mục cho thỏa niềm đam mê nghệ thuật. Rất khó để sống bằng nghề múa ở một tỉnh lẻ, đó cũng là lý do mà nhiều người không mấy mặn mà, để có thể gắn bó lâu dài với nghệ thuật múa. Vả lại, nghề múa cũng rất “kén chọn”, tuổi nghề của diễn viên múa rất ngắn, chỉ biểu diễn khi còn trẻ tuổi.
 

"Trong số nhiều tác phẩm, có lẽ ấn tượng nhất là khi làm biên đạo cho tác phẩm “Lời ru theo sóng” của nhạc sĩ Trần Xuân Tiên. Lúc đó, mình đang trong chuyến công tác ở Lý Sơn. Đây là một tác phẩm hay, nhưng ngẫm nghĩ mãi vẫn không tìm ra ý tưởng dàn dựng, trong khi thời gian rất gấp.  Năm ấy, Lý Sơn chưa có điện. Giữa đêm tối, lời bài hát cứ trôi qua trôi lại bên tai... Chợt, ánh sáng lóe lên từ nén nhang do nữ chủ nhà thắp trên bàn thờ khiến mình liên tưởng đến đèn báo bão của cư dân vùng biển, thế là dòng chảy ý tưởng như tuôn trào... Khi vào đất liền, chỉ một buổi là dàn dựng xong tiết mục. Tác phẩm “Lời ru theo sóng” đã đoạt giải A tại Liên hoan Âm nhạc Hội Nhạc sĩ Việt Nam khu vực phía Nam năm 2013. Đó cũng là một kỷ niệm vui với nghề".
Biên đạo múa VÕ NHƯ QUỲNH

Chị Kim Chung thì khác, chị bảo rằng một khi đã yêu và gắn bó với nghệ thuật múa, thì tâm hồn cứ trẻ mãi, nhất là khi dàn dựng, tập luyện cho thiếu nhi. Từ rất lâu rồi chị Kim Chung cộng tác cho Nhà Văn hóa thiếu nhi tỉnh (nay là Trung tâm hoạt động Thanh thiếu nhi), chị ươm mầm rất nhiều tài năng nghệ thuật múa và gầy dựng phong trào múa ở các địa phương trong tỉnh. Nhiều tiết mục múa do chị làm biên đạo đoạt giải thưởng cao ở các hội thi, hội diễn toàn quốc và khu vực miền Trung-Tây Nguyên.   

Đam mê và khổ luyện

Chị Võ Như Quỳnh (37 tuổi), công tác tại Trung tâm Văn hóa-Thể thao TP.Quảng Ngãi, cũng vừa là diễn viên, là biên đạo múa chuyên nghiệp. Chị Kim Chung và chị Như Quỳnh là hai trong số ba hội viên Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam tại Quảng Ngãi. Chị Như Quỳnh trải lòng: “Để thành công với nghệ thuật múa, thì cùng với đam mê là khổ luyện".

Dù biết rằng bệnh nghề nghiệp của diễn viên múa là không tránh khỏi, nhất là bệnh gai cột sống, đau khớp... nhưng với những diễn viên múa, họ như quên đi mọi riêng tư để tập trung cho vở diễn phục vụ công chúng. “Khi bước lên sân khấu thì mình là người của công chúng, gác lại mọi buồn, vui, khó khăn trong cuộc sống để trọn vẹn với vai diễn”, chị Như Quỳnh bộc bạch.

Không đơn giản để có thể dàn dựng một tiết mục múa đi vào lòng khán giả. Biên đạo múa phải là tổng chỉ huy với góc nhìn sáng tạo, quy tụ cái hay, cái đẹp của nhiều loại hình nghệ thuật, từ âm thanh, ánh sáng, màu sắc, trang phục... Chị Như Quỳnh cho biết: Biên đạo múa phải sáng tạo, thổi hồn vào tác phẩm qua từng kỹ thuật múa, nếu không sẽ cho ra đời tác phẩm rất nhàm chán. Hai chị Kim Chung và Như Quỳnh đều là những biên đạo múa “khó tính”, bởi lẽ cả hai đều được đào tạo, tập huấn qua trường lớp chuyên nghiệp và rất tâm huyết với nghề, chăm chút từng động tác múa, để tác phẩm đến với công chúng phải là tác phẩm đảm bảo giá trị nghệ thuật. Vì thế, chị Như Quỳnh đã dàn dựng nhiều tác phẩm múa đoạt giải thưởng cao.

Điều khiến các diễn viên, biên đạo múa trăn trở là, hiện nay nhiều tác phẩm múa do những người không chuyên dàn dựng, bắt chước qua mạng Internet, cảm nhận nghệ thuật “chưa tới”... nên không đảm bảo giá trị nghệ thuật, "vụng về" trong biểu diễn và thiếu những tác phẩm múa dân gian, dân tộc.


Bài, ảnh: PHƯƠNG LÝ

 


.