Sáng tác văn học ở Quảng Ngãi: Nhiều "ấp ủ" trở thành hiện thực

06:04, 01/04/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Lĩnh vực văn học của tỉnh đã đạt thành tựu đáng kể, có nhiều cây bút giàu cảm xúc, tài hoa và sắc sảo, tạo được tiếng vang trong văn đàn cả nước và khu vực Đông Nam Á.

Chủ tịch Hội VH-NT tỉnh Lê Văn Sơn bảo rằng, nhiều “ấp ủ” đã trở thành hiện thực, nhưng cũng còn lắm tâm tư trong lĩnh vực này.  

Nhiều “ quả ngọt”

Thành tựu trong lĩnh vực văn học của tỉnh được ông Lê Văn Sơn ví như quả ngọt, bởi lẽ không đơn giản để có thể cho ra đời một tác phẩm văn học chạm đến trái tim bạn đọc. Và cũng rất “chua” để có thể trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, đoạt được các giải thưởng về văn học, nhất là Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam.

Hội viên Chi hội Văn học (Hội VH-NT tỉnh) đi thực tế sáng tác tại tỉnh Hà Giang.         ẢNH: H.V.H
Hội viên Chi hội Văn học (Hội VH-NT tỉnh) đi thực tế sáng tác tại tỉnh Hà Giang. ẢNH: H.V.H


Quảng Ngãi hiện có 6 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam trong số 75 hội viên Chi hội Văn học thuộc Hội VH-NT tỉnh. Trong đó có 3 hội viên vinh dự được trao tặng Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, đó là nhà thơ Thanh Thảo với tác phẩm “Trường ca chân đất”, Phạm Đương với tập thơ "Giờ thứ 25", Nga Ri-vê với tập thơ “ Đóa hoa rừng”. Tác phẩm “Trường ca chân đất” của nhà thơ Thanh Thảo còn đoạt Giải thưởng của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp của Hội VH-NT Việt Nam, Giải thưởng Văn học Asean.

Ngoài ra, còn có nhiều nhà thơ đoạt giải thưởng của Hội Liên hiệp các Hội VH-NT Việt Nam như Nguyễn Ngọc Hưng, Đinh Tấn Phước, Nga Ri-vê... Đến nay, số lượng tác phẩm văn học của hội viên Chi hội Văn học tỉnh được in ấn khoảng 500 đầu sách. Hiện thực cuộc sống được các nhà thơ, nhà văn cảm nhận bằng chính trái tim của mình, họ đã ấp ủ, nuôi dưỡng và trải lòng trên những trang giấy. Họ đã sống với niềm đam mê và làm việc rất nghiêm túc, để cho ra đời những tác phẩm hay, được giới nghiên cứu văn học đánh giá cao và đi vào lòng bạn đọc một cách nhẹ nhàng, sâu lắng.  

Ở Quảng Ngãi có truyền thống mạnh về thơ, với nhiều tên tuổi được bạn đọc trong cả nước biết đến như Bích Khê, Tế Hanh, Thanh Thảo, Phạm Đương, Nguyễn Ngọc Hưng... Đối với văn xuôi, nhìn chung trong dòng chảy của văn học đương đại, văn xuôi Quảng Ngãi cũng đã gặt hái được nhiều thành tựu.

Đội ngũ những người cầm bút ngày càng đa dạng về độ tuổi và phong phú về bút pháp. Trong lĩnh vực lý luận-phê bình cũng có nhiều cây bút sắc sảo, tạo được tiếng vang. Trước thời kỳ đổi mới, phải ghi nhận tên tuổi của nhà lý luận-phê bình văn học Nguyễn Đức Quyền với những công trình đến bây giờ vẫn còn lưu dấn ấn trên giảng đường các trường phổ thông và đại học. Sau đổi mới, nổi bật là những công trình lý luận-phê bình của nhà thơ Thanh Thảo, cùng với đó là sự vươn lên và từng bước chuyên nghiệp hóa của hai cây bút Mai Bá Ấn, Trần Hoài Anh. Các công trình nghiên cứu-lý luận-phê bình của hai tiến sĩ văn học Mai Bá Ấn và Trần Hoài Anh đã góp được tiếng nói vào sự nghiệp chung của nền lý luận-phê bình cả nước.
 

Đối với hội viên Hội VH-NT tỉnh nói chung và hội viên Chi hội Văn học nói riêng, tin vui trong năm 2018 là Giải thưởng Văn học-nghệ thuật Phạm Văn Đồng lần thứ I và Giải thưởng Văn học lần thứ I của tỉnh được khởi động. Đây là các giải thưởng mà hội viên Hội VH-NT tỉnh mong ước triển khai từ nhiều năm qua. Giải thưởng Văn học-nghệ thuật Phạm Văn Đồng được tổ chức 5 năm một lần; Giải thưởng Văn học tỉnh tổ chức hằng năm. Các giải thưởng này có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của hoạt động VH-NT, động viên, khuyến khích các văn, nghệ sĩ tham gia sáng tác.

Còn đó tâm tư  

Chủ tịch Hội VH-NT tỉnh Lê Văn Sơn cho biết, thành tựu gặt hái được trong lĩnh văn học của tỉnh cũng kha khá so với các địa phương khác trong cả nước, nhưng vẫn còn lắm tâm tư. Thời gian qua, Hội VH-NT tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động để động viên, khuyến khích hội viên tham gia sáng tác các tác phẩm văn học như tổ chức các trại sáng tác, hỗ trợ hội viên in ấn, xuất bản sách... Thực tế cho thấy, số lượng tác phẩm văn học được sáng tác, in ấn, phát hành ngày càng nhiều, đề tài sáng tác phong phú hơn. Tuy nhiên, cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, tác phẩm chất lượng cao, được bạn đọc đón nhận thì chưa nhiều.

Không khó để cho ra đời những tác phẩm truyện ngắn, tản văn hay bút ký... nhưng vấn đề ở đây không phải là viết cho có, mà là làm thế nào để tác phẩm được bạn đọc đón nhận với sự trân quý bởi tâm hồn, sự trải nghiệm, tính hiện thực sinh động và tính giáo dục cao trong mỗi tác phẩm văn học. Điều này đòi hỏi người sáng tác phải có sự trải nghiệm.

Để hiểu và cảm nhận về con người, về giá trị văn hóa của một vùng đất... các tác giả phải đi lại nhiều lần, thậm chí nhiều tháng, nhiều năm cùng ăn, cùng ở, do vậy đòi hỏi phải có kinh phí hỗ trợ.  “Tỉnh ta vẫn chưa có cơ chế hỗ trợ cho hội viên sáng tác, Hội VH-NT tỉnh trăn trở về vấn đề này và hiện đang kiến nghị tỉnh xem xét”, ông Lê Văn Sơn nói. Bởi vậy, nhiều người đã không thể nuôi dưỡng được ý tưởng, để cho ra đời đứa con tinh thần phục vụ bạn đọc.

Một vấn đề nữa cần bàn là văn học trong nhà trường. Ở các trường học trong tỉnh có rất nhiều học sinh đam mê văn học, nhất là ở trường chuyên. Tuy nhiên, việc khơi dậy niềm đam mê sáng tác trong học sinh dường như còn “bỏ ngõ”.  

MINH ANH  



 


.