Ông lão mù đam mê hát sắc bùa

06:02, 25/02/2018
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mỗi buổi chiều muộn, người dân ở xã ven biển Phổ An (Đức Phổ) lại nghe tiếng đàn nhị cùng lời hát cất lên từ nhà ông lão mù. Đó là lời của những bài hát sắc bùa được lưu truyền qua hàng trăm năm.

TIN LIÊN QUAN


Ông lão mù được nhắc đến là cụ Trần Biểu (82 tuổi), ở thôn An Thạch, xã Phổ An. Gần như cả cuộc đời ông gắn bó với nghệ thuật hát sắc bùa.

“Mê làm sao hát sắc bùa!”

Nằm đung đưa trên chiếc võng, nghe có người ngỏ ý muốn tìm hiểu nghệ thuật hát sắc bùa, cụ Trần Biểu ngồi bật dậy đi lấy chiếc đàn nhị. Thế là ông cụ lại ngân nga làn điệu sắc bùa. Ông cụ bảo, phải nghe thì mới thấm thía cái hay của hát sắc bùa.

Cụ Trần Biểu thường ngày vẫn ôm cây đàn nhị, ngân nga làn điệu sắc bùa.                                                                                                                                  Ảnh: M.A
Cụ Trần Biểu thường ngày vẫn ôm cây đàn nhị, ngân nga làn điệu sắc bùa. Ảnh: M.A


Cụ Biểu cho biết, hát sắc bùa có từ thời xa xưa. Ông nội của ông tên gọi Trần Hàm, vào thời kháng chiến chống Pháp là nghệ nhân hát sắc bùa tài danh. Ngấm sâu từng lời hát của làn điệu truyền thống này, nên khi mới 12 tuổi ông đã theo cha (khi đó làm ông bầu của gánh hát) tham gia đội hát sắc bùa. Ngày ấy, bắt đầu từ đêm 29 Tết, cha con ông cùng với thành viên trong đội đi biểu diễn hết nhà này đến nhà nọ. Nhà nhà mong muốn năm mới an lành, làm ăn phát đạt nên đều mời đội hát sắc bùa đến múa hát, để trừ tà, cầu an.  “Vào dịp Tết, làng trên, xóm dưới rộn vang tiếng hát, tiếng đàn, tiếng trống. Từ già chí trẻ mê làm sao cái làn điệu sắc bùa, họ bưng đèn đi theo xem hát suốt cả đêm”, cụ Biểu nhớ lại.

Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp Tết Nguyên đán, đội hát múa sắc bùa ở Phổ An đi biểu diễn suốt cả tháng trời, đến hết tháng Giêng mới trở về nhà. Không chỉ biểu diễn trong xã, trong tỉnh mà gánh hát còn lưu diễn ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên... Cụ Biểu cho biết, anh em trong đội đi biểu diễn nào có phải mê tiền bạc, mà cái chính là đam mê làn điệu sắc bùa, đi đến đâu cũng được đối đãi tốt. “Hát múa sắc bùa hay lắm, không diễn tả hết được. Hồi đó học không cao, nhưng tự biên, tự diễn, lời ca thâm thúy, biến hóa tài tình”, cụ Biểu bộc bạch.
 

"So với nhiều địa phương ven biển khác, hát sắc bùa ở Phổ An còn khá nguyên vẹn về hệ thống làn điệu cũng như trình tự diễn xướng. Điều này có sự đóng góp không nhỏ của cụ Trần Biểu".
Phó trưởng Phòng VH-TT huyện Đức Phổ NGUYỄN THANH SƠN

Không để mất đi nghệ thuật truyền thống  

Đội hát múa sắc bùa ở xã Phổ An ngày trước giờ chỉ có mỗi cụ Trần Biểu còn sống. Không một dòng ghi chép, vậy mà ông cụ nhớ vanh vách các bài hát sắc bùa được lưu truyền từ cách đây hàng trăm năm. Ông lão chân chất bảo: “Ghi chép ở trong đầu chứ đâu. Nhiều bài lắm, hát sáng đêm cũng không hết”. Cụ Biểu cũng đã sáng tác nhiều bài hát phù hợp với giai đoạn đất nước đổi mới, với ca từ gần gũi, dễ đi vào lòng người. Lời bài hát cũng là lời nhắc nhở mọi người chăm lo phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no, tiến bộ, hạnh phúc...

Cụ Trần Biểu luôn đau đáu một nỗi niềm, đó là không để mất đi loại hình nghệ thuật truyền thống từ bao đời của cha ông. Bởi vậy, dù đôi mắt không nhìn thấy ánh sáng, ông cụ vẫn luôn cố gắng truyền dạy nghệ thuật hát múa sắc bùa cho lớp trẻ. Ông bỏ tiền túi mua sắm các dụng cụ, vận động lớp trẻ đến nhà học hát múa sắc bùa. Cụ Biểu nói: “Dù tốn công, tốn của bao nhiêu tui cũng không tiếc, miễn là giữ được hát sắc bùa”.

Không phải dăm ba ngày là có thể hát múa sắc bùa thành thạo, phải siêng năng luyện tập suốt mấy tháng trời. Sợ lớp trẻ nản lòng, cụ Biểu luôn rỉ tai dạy bảo. Giờ đây, ông cụ vui mừng vì con gái, cháu nội, cháu ngoại và một số thanh niên ở địa phương đã biết hát múa sắc bùa. Khi cần có thể tập hợp thành một đội hát múa sắc bùa để biểu diễn trước công chúng.         
                                                                                
Trong câu chuyện kể, thi thoảng cụ Biểu lại ngân nga làn điệu sắc bùa. Ông cụ đưa tay mân mê cây đàn nhị, rồi chép miệng: “Nghe sao mà đã tai. Nếu có người chép lại hết các làn điệu sắc bùa để làm vốn quý cho con cháu đời sau thì hay biết mấy!”.


MINH ANH


 


.