Khi Thanh Thảo ... "lang thang và cơ nhỡ"

05:01, 21/01/2018
.

 


TRẦN ĐĂNG

(Baoquangngai.vn)- Nhà thơ Thanh Thảo vừa cho ra mắt hai tập văn xuôi có tựa đề “Lang thang qua chiến tranh” và “Cơ nhỡ trong hòa bình” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2017.
 
Nếu như những trải nghiệm của Thanh Thảo trong chiến tranh cũng như lúc hòa bình, ông không nói, hoặc “nói không được” trong thơ thì ông đã, gần như “nói hết”, trong hai tập sách này. Nhưng Thanh Thảo chỉ nói bằng một giọng tếu táo, cho vui là chính. Tuyệt nhiên, ông không bới móc những ấm ức của đời mình để mong tìm một sự chia sẻ, dù đời ông cũng lắm lúc ấm ức “chết đi được”.
 
Ảnh bìa hai tập sách
Ảnh bìa hai tập sách
Cũng đề cập đến cái “án văn chương” ấy, song Thanh Thảo chả có ý trách cứ một ai. Ông chỉ hé lộ vài chi tiết về nguyên nhân dẫn đến cái “án văn chương trong rừng” năm nào, trong đó có một “chiến sĩ giải phóng”, sau này thành nhà thơ, đã viết một bức thư dài “tố cáo” bài thơ ấy với ông Trần Bạch Đằng. Những ai đã từng đọc và yêu mến thơ Thanh Thảo những năm chiến tranh, giờ đọc tập sách này sẽ sáng rõ bao điều mà những “văn bản thơ” chưa kịp nói.
 
“Chúng tôi không muốn chết vì hư danh
không thể chết vì tiền bạc
chúng ta lạ xa với những tin tưởng điên cuồng
những liều thân vô ích
đất nước đẹp mênh mang
đất nước thấm tự nhiên đến tận cùng máu thịt
chỉ riêng cho Người chúng tôi dám chết”.
 
Thanh Thảo là đứa con duy nhất trong một gia đình mà cha ông là một lão thành cách mạng, song ông vẫn vượt Trường Sơn để có mặt ở những nơi ác liệt nhất của cuộc chiến tranh. Ông ra trận bằng một sự dấn thân tự nguyện chứ hoàn toàn không phải vì sự xúi giục nào cả. Đọc những đoạn ông kể về sự khổ luyện, hàng ngày phải mang ba lô hàng chục ký đá leo núi tại vùng trung du Bắc bộ trước khi vượt Trường Sơn, ta mới thấm thía những câu thơ vừa dẫn trên đây.
 
Khi con thưa với mẹ/ mưa bay mờ đồng ta/ ngày mai con đi/ khói bếp mẹ con mình chợt ngừng trên mái rạ..”. Rồi: “Quê hương mười mét vuông/ cha mẹ ở đâu thì đó là nhà”. Tôi đã đọc những câu thơ rất dễ rơi nước mắt ấy nhưng vẫn không cắt nghĩa được ngọn nguồn của câu chuyện về gia đình ông, cho đến khi đọc tập sách này, tôi vỡ ra bao điều. Cứ thế, tập sách như một lời “chú giải” cho những phần chưa kịp sáng rõ trong thơ ông vậy.
 
Có những lúc ra về lòng rỗng không/Vì phải gặp trong cơ quan một thằng cặn bã/Tôi chào đất nước tôi. Buồn quá/Đất nước cùng tôi lặng lẽ trên đường”. Đó là những câu thơ ông viết về những năm tháng rất khó khăn ở Quy Nhơn mà ông phải đối mặt hàng ngày. Mười năm sống ở cái thành phố biển ấy, Thanh Thảo đã cho ra lò những tuyệt phẩm của đời ông. Đọc những “lát cắt” trong hai tập sách viết về những năm ông sống tại Quy Nhơn, người đọc sẽ hiểu hơn về sự tận tụy với nghề, với công việc và với bạn bè của Thanh Thảo.
 
“Lang thang” và “cơ nhỡ”  cũng chỉ là một cách tự trào của Thanh Thảo mà thôi. Ông đã lang thang một cách đầy ý thức để nhìn cho tỏ tường cuộc chiến thảm khốc mà đất nước buộc phải trải qua để rồi ông viết được những câu thơ rớm máu. Ông cũng chẳng “cơ nhỡ” gì trong những năm hòa bình, dù có lần cũng phải tự đi xin việc vô tòa báo Phụ nữ dù ông đã là một nhà thơ nổi tiếng, một nhà báo có 5 năm “cày” ở chiến trường.
 
Qua hai tập sách, Thanh Thảo đã hé lộ những gì mà ông chưa kịp ghi dấu trong thơ hoặc chỉ “xuất bản miệng” với bạn bè. Vì là “hồi ký” theo kiểu của nhà thơ nên có cảm giác như ông “nhớ đâu nói đó”. Bởi vậy, cảm giác “tuôn trào” luôn được nối mạch qua từng trang sách. Xin được tiết lộ với độc giả rằng, cả hai quyển sách ấy, Thanh Thảo chỉ viết đúng 20 ngày!
 
 

.