Chạp họ trước thềm xuân mới

02:01, 27/01/2018
.

(Baoquangngai.vn)- Thông lệ, cứ vào tháng Chạp hằng năm, nhiều nơi lại tổ chức chạp họ. Đây là dịp để con cháu, anh em trong họ đoàn tụ, tri ân các thế hệ đi trước. Đồng thời, giáo dục con cháu truyền thống gia đình, họ tộc...

TIN LIÊN QUAN

“Cuối năm rồi, về chạp họ thôi!”

“Alô, cháu à,  đầu tháng 12, tranh thủ sắp xếp thời gian về nhà ăn chạp họ mình nha cháu”, bác trưởng họ dòng họ Dương- ông Dương Cầu, 84 tuổi, ở xã Bình Thới, huyện Bình Sơn ân cần dặn dò trong điện thoại đến từng đứa cháu đang đi học và làm việc ở xa trong Thành phố Quảng Ngãi.

Theo chia sẻ từ bạn tôi, người nhận điện thoại, bác Cầu lúc nào cũng thế, ân cần và chu đáo với tất cả mọi người. Nhưng với người ở xa hơn, bác luôn dành một ưu tiên đặc biệt, lo lắng đến ngày diễn ra chạp họ, vì công việc bận rộn lại quên lịch. Nhờ thế mà năm nào mọi người cũng đều nhớ ngày để trở về.

 Tảo mộ, dọn dẹp, dâng hương khấn vái tại mộ cụ tổ là một trong những công việc quan trọng trong chạp họ.
Tảo mộ, dọn dẹp, dâng hương khấn vái tại mộ cụ tổ là một trong những công việc quan trọng trong chạp họ.


Quê tôi từ bao đời nay, dòng họ nào cũng còn giữ một phong tục rất đẹp mỗi khi cận Tết, đó là chạp họ. Ngày chạp được định vào những ngày khác nhau theo truyền thống của dòng họ nhưng thường vào tháng Chạp, cận kề Tết Nguyên đán.

Ngày trước, khi còn bé, đến ngày, chúng tôi chỉ việc ngồi vào ăn rồi lại tranh thủ đi học, chứ chẳng quan tâm đến việc gì. Có lẽ, khi đã lớn, trưởng thành hơn, dù công việc bận rộn, ai nấy cũng đều tranh thủ tìm về quê nhà để cùng bác trưởng họ quán xuyến một tay.

Cùng bạn trở về quê ăn Chạp ở dòng họ nhà bạn, tôi đã có dịp tìm hiểu sâu hơn về những nét văn hóa độc đáo trong phong tục người Việt mà người dân dòng họ Dương ở Bình Sơn còn gìn giữ.

Nét văn hóa đẹp

Trước ngày diễn ra hạp họ chính thức, có những buổi họp để bà con trong họ cùng bàn bạc, thống nhất chi phí, phân công các công việc cần thiết.

Nhịp sống hiện đại, ở các làng quê bây giờ các ngày giỗ, cúng thuê người nấu nướng, bày biện không khác gì đám cưới. Thế nhưng, các bậc trưởng bối trong họ Dương lại quyết định giữ gìn truyền thống tốt đẹp, giản dị nhất.

Ông Dương Bản, 67 tuổi, xã Bình Trung, huyện Bình Sơn, chia sẻ: Con cháu trong dòng họ tùy tâm và điều kiện kinh tế, có nhiều đóng góp nhiều, có ít đóng ít, trước để nhang khói cho ông bà tổ tiên. Sau cùng, dòng họ có dịp gặp gỡ để nhìn lại một năm trôi qua.

Kinh phí còn dư thì còn tích lũy cho lần chạp họ năm sau, ủng hộ hội khuyến học, hỗ trợ người trong họ lúc ốm đau, ngặt nghèo hoặc nâng cấp nhà thờ...

Những người có “vai vế” trong dòng họ mặc trên mình bộ trang phục truyền thống, cùng đại diện từng nhà thắp nén nhang, lòng thành khấn vái mời ông bà tổ tiên về dự với con cháu.
Những người có “vai vế” trong dòng họ mặc trên mình bộ trang phục truyền thống, cùng đại diện từng nhà thắp nén nhang, lòng thành khấn vái mời ông bà tổ tiên về dự với con cháu tại nhà thờ.

Ngày diễn ra Chạp họ, bác trưởng họ phân công làm ba nhóm. Một nhóm đàn ông, thanh niên trai tráng mang cuốc xẻng, hương, hoa quả xuống khu vực mộ tổ và người đã mất trong họ để tảo mộ, dọn dẹp, dâng hương khấn vái. Đây là dịp để ông trưởng họ giải thích một cách dễ hiểu cho các con cháu mới lớn về nguồn cội.

Một nhóm đàn ông khác thì ở nhà dọn dẹp, sửa soạn trầu, rượu, bày biện mâm cúng. Còn phụ nữ trong họ, theo sự phân công từ trước sẽ lo đi chợ, bếp núc, nấu nướng để lo phần lễ cho tổ tiên.

Trong phần lễ, tuần tự theo thứ bậc trong họ, những người có “vai vế” mặc trên mình bộ trang phục truyền thống, cùng đại diện từng nhà thắp nén nhang, lòng thành khấn vái mời ông bà tổ tiên về dự với con cháu.

Sau lễ cúng, việc họp họ được tiến hành. Giữa không khí đầm ấm và thiêng liêng, mọi người ôn lại truyền thống gia đình, dòng họ, nhắc nhau gìn giữ nếp nhà.

Bác trưởng họ cũng sẵn dịp tổng kết tình hình trong năm qua. Mọi người cùng trò chuyện rôm rã và đóng góp nhiệt tình để xây dựng dòng họ ngày càng vững mạnh, đem lại phồn vinh cho con cháu.

Ông Dương Cầu- Trưởng dòng họ Dương ở xã Bình Thới, huyện Bình Sơn, cho biết: Với quan niệm "Uống nước nhớ nguồn", “Lá rụng về cội”, có thể nói, lễ chạp họ hằng năm đã mang lại những nét văn hóa đẹp từ xưa đến nay. Mỗi năm một dịp, con cháu ở quê nhà hay đi làm ăn xa cũng đều về làng tham gia chạp họ để thăm viếng, tảo mộ, tưởng nhớ tổ tiên; được gặp gỡ, tâm sự, ôn lại truyền thống gia đình, dòng họ, nhìn nhận bà con...".

"Đây cũng là dịp để người trẻ trong họ cùng tìm hiểu gốc gác, nguồn cội, hứa trước tổ tiên sẽ phấn đấu nhiều hơn nữa để xứng đáng với truyền thống tốt đẹp của dòng họ", ông Cầu nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Thiên Hậu

 


.