Nhạc Nga trong lòng người Việt

02:11, 06/11/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Nước Nga là một trong những quốc gia có nền âm nhạc rộng lớn, bác học, có nhiều tác phẩm kinh điển góp phần không nhỏ cho âm nhạc thế giới. Sức lan tỏa của nhạc Nga không chỉ ảnh hưởng đến người dân Nga mà còn đến nhiều châu lục. Hiện tại, nhạc Nga vẫn tồn tại một cách tự nhiên trong lòng người Việt Nam.

Nhạc Nga có nét chung là lãng mạn trữ tình, giai điệu du dương trầm bổng, gắn liền với đời sống con người. Dân ca, dân vũ là nét khá phổ biến trong nhạc Nga. Cả hai nhạc sĩ Trần Xuân Tiên (Chi hội trưởng Chi hội nhạc sĩ Việt Nam tại Quảng Ngãi) và Văn Phượng (Chi hội trưởng Chi hội âm nhạc Hội VHNT Quảng Ngãi) đều cho rằng, nhạc Nga mang tính bác học cao.

Rất nhiều tác phẩm kinh điển đã đi vào lòng người và có nét riêng, dường như không lẫn với âm nhạc một nước nào khác. Một nét rất riêng, rất ấn tượng của nhạc Nga là, rất nhiều bài nhạc được viết với dạng thứ, kể cả một số hành khúc, cho nên độ êm dịu, sâu lắng, trữ tình trong các bài hát Nga là rất cao.

Các ca khúc Nga phổ biến trên đất nước Việt Nam có thể kể như: Đôi bờ, Chiều Matxcơva, Triệu đóa hoa hồng, Tình ca du mục, Cachiusa, Nụ cười... Bài hát “Đôi bờ” giai điệu nhẹ nhàng du dương, diễn tả mối tình thiết tha của cô gái với một chiến sĩ hy sinh ngoài mặt trận, nhưng cô vẫn kiên định đợi chờ.

Lời Việt của Vương Thịnh với sự cộng tác của Cao Thụy:  “Đêm dài qua, dưới mưa rơi, em mong chờ anh tới/ Cây cỏ hoa như nói nên lời, em hạnh phúc nhất đời/ Lòng em riêng biết có yêu anh, giữa tình đôi lứa ta,/ một dòng sông sóng nước long lanh, đôi bờ đâu cách xa...” Ca khúc hết sức thơ mộng, sâu lắng, mang tính ẩn dụ cao, lột tả được ý nghĩa của nguyên tác đã chinh phục đời sống tình cảm của những ai đã tới Nga hoặc hiểu biết về âm nhạc Nga.

Trong khi đó, bài hát “Chiều Matxcơva” có giai điệu nhẹ nhàng, thướt tha, rung cảm lòng người, không chỉ trong nước mà còn đến với các nước Trung Quốc, Bỉ, Việt Nam... Còn lời Việt của Vương Thịnh: “Chiều thanh vắng là đây âm thầm gió rì rào/ Rừng cây chim muông lắng suốt canh thâu/ Hỡi em thấu chăng tình trong lòng bao trìu mến/ Mátxcơva trong chiều vắng thanh bình...” luôn sống trong lòng người Việt với một tình cảm đầy chứa chan! Còn bài “Tình ca du mục” với giai điệu và sắc thái nhạc Nga, lời Việt, "nhắn giúp cho ta chim ơi/ Nhắn giúp cho ta mây ơi/ Thảo nguyên bát ngát đem giấu em ta nơi nao/ Lần theo dấu vết em đi/ Tìm đâu cho thấy em yêu/ Tình yêu đốt cháy trong tim phút giây nào nguôi/ Tháng tháng năm năm trôi qua/ Gió tuyết mưa rơi sương sa/ Tình anh vẫn xanh như lá cây đang mùa xuân / La la la la...” thể hiện sự hòa quyện giữa thiên nhiên, quê hương đất nước, cuộc sống và tình yêu lứa đôi. Nhạc sĩ Phạm Tuy - Phó trưởng Khoa Sư phạm xã hội (Trường Đại học Phạm Văn Đồng), cho rằng: Những bản nhạc Nga rất phù hợp về giai điệu, cung bậc, rất hay về nhạc, có tác dụng giáo giục tình cảm thiếu niên. Lời Việt cũng rất nhẹ nhàng, ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên, cuộc sống, tình bạn, tuổi thơ...

Âm nhạc Nga nói chung và nhiều bài hát Nga nói riêng sẽ mãi còn để dấu ấn đẹp trong lòng người Việt Nam. Sắc thái âm nhạc, học thuật... của nhạc Nga là những vấn đề lớn mà giới sáng tác luôn tìm hiểu học hỏi. Còn đối với công chúng, nhạc Nga luôn để lại những dư âm đầy sâu lắng, du dương, gần gũi thiết tha, ấn tượng lòng người một cách tự nhiên, như dòng sông êm đềm chảy!
 

Bùi Văn Tạo
 


.