Khúc ru người mẹ vùng cao

02:10, 12/10/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Gần 30 năm công tác trong làng báo, nhà báo Trần Đình Quang (Đài PT-TH tỉnh) đã có ngần ấy thời gian lăn xả với nghề. Ông đi nhiều, tìm hiểu nhiều nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi Quảng Ngãi và khắc họa đậm nét qua những trang thơ trong tập thơ “Khúc ru người mẹ vùng cao”.

Tập thơ “Khúc ru người mẹ vùng cao”.
Tập thơ “Khúc ru người mẹ vùng cao”.
Nhà báo Trần Đình Quang (57 tuổi), sinh ra và lớn lên tại xã Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi). Có lẽ vì thế mà trong tập thơ “Khúc ru người mẹ vùng cao”, ông đã ưu ái cho quê hương với nhiều bài thơ viết về biển: Biển và em; Con còng biển; Với biển... Cái “chất biển” trong ông đã được thể hiện trong tập thơ với những lời thơ mộc mạc, chân chất.

Nhưng dù sinh ra ở làng biển, ông lại có những trải nghiệm vô cùng phong phú với miền núi. Hơn 12 năm làm công tác quản lý tại Phòng Biên tập tiếng dân tộc (Đài PT-TH tỉnh) là ngần ấy thời gian nhà báo Đình Quang gắn bó với các huyện miền núi. Ông đã làm nhiều phim về văn hóa và con người đồng bào các dân tộc thiểu số.

Ông chia sẻ: Trong những chuyến công tác ở vùng cao, ông nhìn thấy người mẹ địu con trên lưng để lên rẫy và cũng cái gùi ấy người mẹ lại địu con đến trường. Thoạt nhìn thì rất đỗi bình thường, nhưng ẩn chứa bên trong những chiếc gùi ấy là một nét văn hóa của người phụ nữ đồng bào các dân tộc thiểu số. Cảm nhận được điều ấy, nhà báo Đình Quang sáng tác thơ và đó cũng là tựa đề của tập thơ "Khúc ru người mẹ vùng cao": "...Mai sau lớn khôn/ Con ơi đừng quên/ Vai mẹ chai sần/ Gùi con học chữ...".

Nhà báo Đình Quang cho rằng, người phụ nữ là nơi bắt nguồn cho sự sống, là người tạo nên sự sống cho những hình hài bé nhỏ và dõi bước theo chân con đến suốt cuộc đời. Có lẽ vì vậy mà xuyên suốt tập thơ, người đọc luôn nhìn thấy bóng dáng người phụ nữ, người mẹ vùng cao. Không chỉ người mẹ, người chị hay hình ảnh người con gái mà đó còn có những người vợ tảo tần sớm hôm và thoáng đâu đó còn có hình ảnh “bóng hồng” đã đi qua trong cuộc đời ông của một thời đã xa...

Nhà báo Đình Quang cũng đặc biệt tâm đắc với tiếng chiêng của người Cor. Ông cho rằng, tiếng chiêng người Cor rất đặc sắc, lúc trầm lúc bổng. Âm hưởng của tiếng chiêng thể hiện được tâm trạng của người đánh. Tuy nhiên, điều làm ông ray rứt là ngày nay giới trẻ là con em đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh đã xa dần với các loại hình nhạc cụ truyền thống. Trăn trở ấy được ông thả hồn vào trong bài thơ: Nhớ giữ hồn Cor, Lắng nghe hồn chiêng..., những mong giới trẻ sẽ lưu giữ hồn chiêng truyền thống của dân tộc mình.

Tập thơ “Khúc ru người mẹ vùng cao” với hơn 60 bài thơ. Mỗi bài thơ là tiếng lòng của tác giả viết về người mẹ vùng cao, người mẹ đã sinh ra ông, những người vợ, người con gái và những người bạn, đồng nghiệp đã một thời gắn bó cùng ông; về những vùng đất mà ông đã đi qua.

Bằng sự mộc mạc, giản dị, Trần Đình Quang đã đem đến cho người đọc cái nhìn chính trực về cuộc sống người mẹ vùng cao và những con người xung quanh, về những vùng đất nơi ông đã đi qua.
 
Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG


 

.