Nghĩ nhân ngày Quốc khánh

11:09, 02/09/2017
.

Thanh Thảo


(Baoquangngai.vn)- Ngày xưa, thời thuộc Pháp, nếu ai cũng nghĩ việc cứu nước không phải việc của mình, thì lấy đâu ra những anh hùng hy sinh thân mình cứu nước mà bây giờ chúng ta ngợi ca?

TIN LIÊN QUAN

Tôi vừa trao đổi với thành phố Quảng Ngãi nên tổ chức một hội thảo khoa học về Trương Quang Trọng- một thủ lĩnh Thanh niên cách mạng đồng chí hội, tiền thân của Đảng cộng sản Việt Nam.

Mộ đồng chí Trương Quang Trọng. Ảnh TL
Mộ đồng chí Trương Quang Trọng. Ảnh TL


Ông Trương Quang Trọng nguyên là một sinh viên trường Thuốc Đông Dương, một người trí thức, con một gia đình khá giả ở huyện Sơn Tịnh-Quảng Ngãi. Sớm tham gia cách mạng, bị Pháp bắt đi đày ở ngục Kon Tum, Trương Quang Trọng đã thể hiện khí phách của một con người có nhân cách vĩ đại, khi tiến lên đối đầu với họng súng của tên quan ba Pháp. Tên này muốn tìm tù nhân Lung để “xài hàng nóng”, nhưng hắn đã gặp Trương Quang Trọng: “Tao đây! Không có Lung nào hết! Mày muốn bắn thì bắn tao đây này!” Ông Trọng phanh ngực áo nói với tên quan ba bằng tiếng Pháp.

Đó là hành động của một người hy sinh vì bạn, hy sinh để giữ danh dự cho những người tù Việt. Tên quan ba Pháp đã nổ súng. Trọng vừa ngã xuống, thì một bạn tù của ông-cũng là người Quảng Ngãi-đã bay lên với “hàng lạnh” trong tay là một con dao nhọn, quyết ăn thua đủ với tên quan ba Pháp. Hồ Độ cũng bị bắn, may không chết. (trích theo hồi ký “Ngục Kon Tum” của Lê Văn Hiến).

“Và lồng ngực Trương Quang Trọng ngang tàng thách thức/ và lưỡi dao Hồ Độ phóng qua cái chết/ máu gào thét/ máu/ sáng rực trong khoảnh khắc/”(trích trường ca “Bùng nổ mùa xuân”, thơ Thanh Thảo).

Có lẽ, với những người tù can đảm, “slogan” lúc bấy giờ là “không sợ!”. Ngay thời Pháp thuộc với hàng loạt cuộc đấu tranh chống Pháp trong nhà tù, thì tấm gương hy sinh của Trương Quang Trọng là oanh liệt nhất, hào hùng nhất. 

Tôi cứ nghĩ, nếu những liệt sĩ cách mạng ngày xưa ấy đều nghĩ: “Nếu tôi hy sinh, tôi và gia đình tôi được gì?” thì sẽ không có ai hy sinh cả. Đất nước có một ngày Quốc khánh, với nhiều quốc gia khác là hạnh phúc, vì chỉ toàn niềm vui. Nhưng với Việt Nam ta, thì ngày Quốc khánh ấy phải trả bằng máu của biết bao liệt sĩ.

Ngay giữa Sài Gòn, ngay trong ngày Quốc khánh, máu đã đổ. Người Việt cũng là người chứ, cũng biết tha thiết yêu cuộc sống của mình chứ, vì sao những liệt sĩ lại dám coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, dám xả thân vì nước mà không yêu cầu bất cứ “lợi quyền” nào cả như thế?

Bây giờ, rất nhiều người gọi chị Võ Thị Sáu là “Cô Sáu”, họ kính ngưỡng chị như một bậc Thánh, và cầu xin từ chị đủ mọi ân sủng. Nhưng họ quên rằng chị Sáu vốn là một thiếu nữ rất hồn nhiên rất yêu đời, đến nỗi một số kẻ độc mồm độc miệng, thiếu hiểu biết bây giờ gọi chị là “khùng”. Vì họ không bao giờ hiểu một người con gái hồn nhiên như thế lại sẵn sàng hy sinh như thế. Nếu chị Sáu là “khùng”, thì hóa ra, nước “Đại Pháp” với lá cờ tam tài “Tự do-Bình đẳng-Bác ái” lại đi xử tử một “người con gái khùng” chưa tròn 18 tuổi hay sao?

Những kẻ xử tử chị Sáu không hề khùng, những người lính gác ngục Côn Đảo từ thời Pháp qua thời Mỹ kính ngưỡng đến mức tôn sùng ngôi mộ “Cô Sáu” cũng không hề khùng. Vì những liệt sĩ anh hùng như thế đúng là đã hiển Thánh. Chuyện ấy hoàn toàn có thật, và không chỉ có ở Việt Nam. Hãy hỏi những người Pháp xem Jeanne D’Arc là ai? Có phải là một vị Thánh không? Tất cả mọi người Pháp sẽ nói: Đúng, đó là một vị Thánh của nước Pháp.

Jeanne D’Arc là niềm tự hào của nước Pháp, cũng như chị Võ Thị Sáu là niềm tự hào của Việt Nam. Chính là dưới ánh sáng của Ngày Quốc khánh, mà chúng ta có những vị Thánh như vậy. Và ở khắp đất nước này, có bao nhiêu liệt sĩ anh hùng đã hiển Thánh? Thật không thể kể hết.

Hôm rồi, tôi mới được cùng Sở Lao động-Thương binh-Xã hội xuống bờ biển Mỹ Khê thăm một khu đất có thể sẽ trở thành “Viện điều dưỡng” dành cho những người có công, những gia đình có công với nước hiện đang còn sống. Những viện điều dưỡng như thế cần có như một lời biết ơn, như một niềm thủy chung của các thế hệ hôm nay với những thế hệ yêu nước đi trước. Những người có công với Nước ấy, họ đều đã già rồi và nhiều người đang sống rất neo đơn, rất vất vả.

Ngày Quốc khánh, xã hội cần nhớ tới những người yêu nước lặng lẽ ấy./.    

 
 


.