Di sản văn hóa biển, đảo ở Quảng Ngãi:
Những giá trị cần được bảo tồn và phát huy (kỳ 2)

02:08, 29/08/2017
.

TIN LIÊN QUAN

 

Kỳ 2: Thiêng liêng nghi lễ truyền thống  

Từ bao đời nay, cư dân miền biển Quảng Ngãi luôn lưu truyền nhiều câu chuyện dân gian cùng với nghi thức tâm linh hết sức độc đáo. Với họ, biển là "vườn nhà" để mưu sinh. Nhưng, cuộc mưu sinh này luôn phải đối mặt với nhiều bất trắc, hiểm nguy, nên ai nấy cũng đều tạo cho mình một niềm tin, để vững lòng mỗi khi ra khơi.


Hoàng Sa và Trường Sa là hai quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Dẫu vậy, nhưng ở Quảng Ngãi mới có lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa. Hàng trăm năm qua, cư dân trên đất đảo Lý Sơn vẫn lưu truyền, giữ gìn lễ này như là một báu vật quý hiếm. Với họ, đây không đơn giản chỉ là câu chuyện tâm linh, mà là minh chứng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, thể hiện lòng yêu nướcvà giáo dục ý thức bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc cho thế hệ trẻ.

Đặc sắc, nhân văn...

Cũng như quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, giữa bốn bề sóng nước, nhưng đảo Lý Sơn vẫn gần gũi với đất liền, vì hòn đảo này đã ăn sâu vào trái tim người dân khắp mọi miền đất nước. Điều đó được bắt đầu từ những nét văn hóa đặc trưng trên đảo, trong đó có lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, một lễ hội dân gian mang tính giáo dục và nhân văn sâu sắc. Cứ đến dịp lễ, nhiều người từ mọi miền Tổ quốc đã vượt biển đến với Lý Sơn để được tận mắt chứng kiến lễ hội và thêm yêu phần lãnh thổ máu thịt của Tổ quốc.

“Hoàng Sa trời nước mênh mông/Người đi thì có mà không thấy về/ Hoàng Sa mây nước bốn bề/ Tháng hai Khao lề thế lính Hoàng Sa”... Lời ca ấy không một người dân Lý Sơn nào không thuộc; nó rất da diết, gợi nhớ về thân phận những người được triều đình biệt phái đi Hoàng Sa thuở trước.

Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được tổ chức tại đình làng An Vĩnh (Lý Sơn).                                                               Ảnh: Tr.Phương
Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được tổ chức tại đình làng An Vĩnh (Lý Sơn). Ảnh: Tr.Phương


Giám đốc Sở VH-TT&DL, tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ cho biết, những người ra đi ấy được ghi trong sử sách và tài liệu Hán Nôm hiện còn lưu giữ như: Cai đội Võ Văn Khiết, Võ Văn Phú, Phạm Quang Ảnh; Chánh thủy quân suất đội Phạm Văn Nguyên, Phạm Hữu Nhật... Họ là những người không chỉ cử đi tìm kiếm sản vật, đo đạc thủy trình, tuần phòng trên biển đảo, mà còn cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
 

Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa là một sự sáng tạo đặc biệt của người Lý Sơn... Đây là lễ hội tiêu biểu trong cả nước, là tục lệ tồn tại nhiều thế kỷ qua nhằm tôn vinh, tri ân những hùng binh Hoàng Sa, Trường Sa, đã song hành với lịch sử bảo vệ chủ quyền biển đảo. Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa được Bộ VH-TT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2013.
Giám đốc Sở VH-TT&DL, tiến  sĩ NGUYỄN ĐĂNG VŨ

Cứ đến tháng hai, tháng ba (âm lịch) hằng năm, các tộc họ trên đảo đều tổ chức lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, nhằm tưởng nhớ những người được cử đi Hoàng Sa, Trường Sa không may ở lại với biển cả. Những ai xấu số thì được đồng đội nẹp thả xuống biển cùng chiếc thẻ bài bằng tre có ghi tên tuổi, làng quê, phiên hiệu được cài trong bó xác để gửi về gia đình, làng quê. Vì có đi mà không thấy về, nên ở Lý Sơn có rất nhiều mộ gió.  

Ở Lý Sơn, mỗi một đứa trẻ lớn lên đều được bố mẹ, ông bà kể về ngọn nguồn của lễ Khao lề như để kế tục trách nhiệm của lớp người đi sau. Ông Võ Văn Út (59 tuổi) ở thôn Tây, xã An Vĩnh kể: Từ nhỏ tôi đã nghe cha ông kể về những người đi Hoàng Sa. Trước khi lên thuyền, họ được các thầy pháp nặn hình nhân thế mạng bằng bột gạo hoặc đất sét. Các hình nhân ấy sẽ được các thầy pháp “phù phép” linh hồn của từng binh phu, nên giúp họ yên tâm đi làm nhiệm vụ.

Pháp sư Nguyễn Nữ (80 tuổi) ở thôn Tây, xã An Hải là đời thứ 7 trong dòng tộc làm pháp sư trên đảo và gắn bó với lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa. Năm 20 tuổi, ông đã theo cha làm thầy pháp. Niềm tin và lòng thành của dân làng An Hải, An Vĩnh cũng được gửi đến thần linh với mong muốn chở che cho các binh phu nơi sóng nước nghìn trùng. Vì thế mà trong lễ Khao lề, tiếng ốc u luôn nổi lên như thúc giục lòng người. “Tiếng ốc u là tiếng lệnh của cấp trên giục giã thanh niên lên đường làm nhiệm vụ thiêng liêng trên Biển Đông. Đó cũng là tiếng lòng xuyên qua bao thế kỷ, trao truyền ý thức về nghĩa vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ”, cụ Võ Chú (82 tuổi), thôn Đông, xã An Vĩnh giải thích.   

Chuyện về Nam Hải đại tướng quân    

Đi dọc chiều dài bờ biển Quảng Ngãi, chúng tôi được nghe các bậc cao niên kể chuyện Nam Hải đại tướng quân với lòng thành kính. Đây là danh xưng tôn kính mà ngư dân phong cho cá Ông (tức cá voi). Vì vậy, thờ cúng cá Ông là một trong những tín ngưỡng đặc sắc của cư dân miền biển. Toàn tỉnh hiện có khoảng 100 lăng cá Ông. Với ngư dân, cá Ông là vị phúc thần của biển cả. Ngư dân Đỗ Hoa (67 tuổi) ở xã Bình Thạnh (Bình Sơn), kể câu chuyện của 40 năm trước mà ông tin rằng cá Ông giúp mình thoát nạn.

Năm đó, khi đang đánh bắt trên biển, bất ngờ cơn bão ập đến, ông Hoa và một bạn thuyền rớt xuống biển. Chủ tàu chỉ cứu được một người, còn ông Hoa bị sóng cuốn trôi ra khơi xa. "Trong lúc tuyệt vọng và ngất đi, nhưng không ngờ sau đó được người dân kể lại tôi bị sóng đưa dạt vào bờ, nên sống sót", ông Hoa kể.

Con cá voi nặng chừng 800kg đã lụy tháng 5.2017, được  người dân thôn Hải Ninh, xã Bình Thạnh (Bình Sơn) lo an táng.                                  Ảnh: M.Hạ
Con cá voi nặng chừng 800kg đã lụy tháng 5.2017, được người dân thôn Hải Ninh, xã Bình Thạnh (Bình Sơn) lo an táng. Ảnh: M.Hạ


Vì thế, hằng năm dân vạn chài đều tổ chức lễ cúng để tạ ơn Ông, tạ ơn các vị thánh thần, tưởng nhớ các bậc tiền hiền... Tục lệ này đã góp phần gắn kết cộng đồng cư dân ven biển.   Ông Vũ Huy Bình, thành viên Ban trị sự lăng vạn Hải Ninh, xã Bình Thạnh (Bình Sơn), cho biết: Hôm diễn ra lễ cúng cá Ông, từ sáng sớm, các chủ thuyền đã sắm đủ hương đèn, kim ngân; phù lang, thanh chước, có cả đầu heo, đôi gà trống, mâm xôi... bày soạn trên các gian thờ. Khi tiếng trống tiểu cổ, đại cổ, nhạc bát âm, văn tế vang lên, lần lượt các chủ tàu thắp nén hương đứng trước điện thờ thần Nam Hải khấn vái bày tỏ lòng biết ơn, cầu mong biển luôn lặng sóng để ngư dân có cuộc sống no đủ, khấm khá.

Nghi thức tang lễ cá Ông được tổ chức rất nghiêm trang. Người đầu tiên phát hiện cá Ông lụy sẽ làm “trưởng nam” và chịu tang Ông trong 3 năm như đối với cha mẹ của mình. Xương cốt cá Ông được thờ trong lăng vạn. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Lê Văn Ninh, trên đảo có đến 7 lăng cá Ông và nơi đây được ví như “bảo tàng” xương cá Ông với nhiều bộ xương có kích cỡ khá lớn và có từ rất lâu. Mới đây, tỉnh đã phê duyệt dự án khôi phục bộ xương cá Ông Lăng Tân với tổng kinh phí hơn 14 tỷ đồng, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa từ biển này.

Theo các nhà nghiên cứu, Quảng Ngãi là nơi bảo lưu tương đối nguyên vẹn tục thờ cúng cá Ông, với những giá trị của một tục thờ cúng đặc trưng của vùng biển. Lăng vạn cá Ông là nơi gởi gắm niềm tin của ngư dân mỗi khi đi biển, nơi lưu giữ một công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo mà không phải nơi nào cũng có được.

Đặc sắc lễ cầu ngư

Gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng cá Ông của ngư dân là nghi lễ cầu ngư, diễn ra vào đầu năm mới, hay còn gọi là lễ hội ra quân đánh bắt hải sản đầu năm. Ở Sa Huỳnh (Đức Phổ), lễ hội này được tổ chức Mùng 3 Tết Nguyên đán hằng năm. Chủ Vạn Thạch Bi, xã Phổ Thạnh Lê Ơi, cho biết: Tối Mùng 2 Tết, các chủ tập trung tại lăng để tổ chức lễ cáo yết (lễ báo cáo với thần Nam Hải) và mời thần về chứng kiến lễ. Rạng sáng Mùng 3 Tết, trước khi xuất bến, dân trong vạn bày cỗ cúng Ông; chính quyền địa phương tóm tắt kết quả hoạt động đánh bắt trong năm qua và công việc của năm mới... Sau đó là diễn xướng dân gian với nhiều tiết mục đặc sắc, như hát bả trạo, sắc bùa, tiếp đến là nghi lễ mở cửa biển trong tiếng trống thúc giục liên hồi của chủ vạn...

 


 

NHÓM PV

---------------------------
Kỳ 3: Nét đẹp làng biển        


 


.