Sân khấu hóa hoạt động tuyên truyền ở các huyện miền núi

02:07, 19/07/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sân khấu hóa các hoạt động tuyên truyền là một trong những hình thức chuyển tải chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với cán bộ và nhân dân hiệu quả. Cách làm này được nhiều đơn vị trên địa bàn tỉnh triển khai trong thời gian qua.

Để tăng cường công tác bảo vệ rừng, ngoài tổ chức các đợt tuần tra, truy quét, trong những năm qua, Hạt Kiểm lâm huyện Ba Tơ đã tổ chức hàng trăm đợt tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau. Trong đó, sân khấu hóa là một trong những cách làm thu hút đông đảo nhân dân tham gia, tạo được sự lan tỏa trong cộng đồng.

 Một tiết mục tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa ở huyện Sơn Tây. Ảnh: Thiên Bảo
Một tiết mục tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa ở huyện Sơn Tây. Ảnh: Thiên Bảo


Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Ba Tơ Đàm Minh Tâm cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2017, tình trạng phá rừng làm nương rẫy, cũng như khai thác lâm sản, động vật hoang dã trái phép đã giảm hẳn so với mọi năm. Có được kết quả đó, chúng tôi triển khai đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó hình thức tuyên truyền bằng sân khấu hóa tỏ ra rất hiệu quả.

Cũng theo ông Tâm, với đặc thù là huyện miền núi, dân cư thưa thớt, giao thông đi lại khó khăn, việc tuyên truyền bằng cách cắm các biển báo là rất khô khan. Còn phát hành văn bản cũng gặp khó, vì nhiều lúc đến nhà thì người dân đi vắng. Chính vì vậy, Hạt Kiểm lâm huyện thường xuyên phối hợp với các đơn vị trên địa bàn huyện, lồng ghép các thông điệp tuyên truyền trong các buổi văn nghệ, các cuộc thi. Những tiết mục văn nghệ, tiểu phẩm... mà người thủ vai chính là những người dân. Chính họ sau khi thấu hiểu những thông điệp trong các tiết mục được trình bày, sẽ truyền đạt đến đông đảo bà con làng xóm của mình, một cách gần gũi và chân thật nhất.

Để các hoạt động tuyên truyền sân khấu hóa được hiệu quả, các hình thức sân khấu hóa cũng ngày càng được “biến tấu” sao cho dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp với nhiều đối tượng. “Tuyên truyền về công tác bảo vệ rừng, thì đối tượng mình muốn hướng đến chủ yếu là thanh niên. Nhưng nếu họp dân để tuyên truyền bằng miệng, thì chỉ có người già đến dự, hiệu quả tuyên truyền không như mong đợi. Còn hình thức sân khấu hóa, thu hút đông đảo nhiều đối tượng đến xem hơn, hiệu quả tuyên truyền cũng được nâng cao”, Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Ba Tơ Đàm Minh Tâm cho hay.

Không chỉ các hoạt động tuyên truyền về công tác bảo vệ rừng mới được sân khấu hóa, tại Ba Tơ và nhiều huyện miền núi trên địa bàn tỉnh, rất nhiều hình thức tuyên truyền được sân khấu hóa như tình trạng tảo hôn, bạo lực gia đình... Phó trưởng Phòng VH&TT huyện Sơn Tây Lê Phương Nam, chia sẻ: Trình độ dân trí của một bộ phận người dân ở huyện còn khá thấp. Vì vậy, ngoài công tác tuyên truyền miệng, thì việc sân khấu hóa các hoạt động tuyên truyền, được đông đảo nhân dân ủng hộ.

Cùng quan điểm này, Trưởng Phòng VH&TT huyện Ba Tơ Trần Thị Thanh Thuý, chia sẻ: “Chạm” đến nhiều đối tượng là ưu điểm của hình thức tuyên truyền sân khấu hóa, bởi có những vấn đề “nhạy cảm” như bạo lực gia đình, bản thân người muốn tuyên tuyền không muốn “vạch áo cho người xem lưng”, vì vậy việc gửi gắm thông điệp qua những tiểu phẩm được sân khấu hóa có tác động gián tiếp đến những đối tượng như vậy. Những điểm nóng về bạo lực gia đình hay phá rừng... luôn được chọn là điểm dừng chân thường xuyên của những đội tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa trong nhiều năm qua.


NGỌC VIÊN

 


.