Một đời cống hiến cho nghệ thuật

09:07, 03/07/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Đó là nhạc sĩ Trương Quang Tuấn, sinh ra và lớn lên tại xã Bình Châu (Bình Sơn). Suốt cả cuộc đời, ông luôn gắn bó và cống hiến hết mình cho nghệ thuật, để rồi cho ra đời những tác phẩm của dòng nhạc quê hương, được đông đảo giới nghệ sĩ và người yêu nhạc đón nhận.
 

Nhạc sĩ Trương Quang Tuấn.
Nhạc sĩ Trương Quang Tuấn.

Nhạc sĩ Trương Quang Tuấn sinh năm 1949. Năm 1967, ông về công tác tại Đoàn Văn công giải phóng Quảng Ngãi. Thời gian này, ông được học nhạc lý do nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu dạy. Năm 1974, ông học Trung cấp diễn viên sân khấu, khi tốt nghiệp, ông quay về tiếp tục công tác tại Đoàn Văn công giải phóng Quảng Ngãi. Sau giải phóng, ông về công tác tại Đoàn Ca Múa nhạc Nghĩa Bình (1976).

Đến năm 1977, ông làm chuyên trách về công tác văn hóa của Phòng Văn hoá Thông tin thị xã Quảng Ngãi. Ba năm sau, ông giữ chức Phó Chủ nhiệm Nhà văn hóa thị xã Quảng Ngãi, rồi Giám đốc Nhà văn hóa thị xã Quảng Ngãi. Ở cương vị mới, ông vừa là “nhạc trưởng”, vừa là diễn viên, ca sĩ chính trong đoàn.

Lúc bấy giờ, các phong trào ca nhạc hằng tuần của thị xã đều do Nhà Văn hóa thị xã đảm nhiệm và hoạt động có hiệu quả cao. Năm 1984, ông tiếp tục đi học tại trường Trung cấp Văn hoá Nghệ thuật tỉnh Nghĩa Bình, chuyên ngành âm nhạc và sân khấu. Đến 1989, ông thành lập Câu lạc bộ âm nhạc Quảng Ngãi, nhằm tạo sân chơi cho giới nghệ sĩ.

Sau thời gian dài công tác, năm 1993, Trương Quang Tuấn về hưu. Lúc này, ông tập trung cho việc sáng tác âm nhạc. Đối với ông, sáng tác là niềm đam mê. Ở cái độ tuổi chín mùi, các tác phẩm của ông cũng lắng đọng, với ca từ mộc mạc, nhưng hết sức sâu lắng, dễ thẩm thấu vào người yêu nhạc, với những tác phẩm: “Phía ấy mặt trời lên” (Thơ: Nguyễn Trung Hiếu), “Vầng trăng chờ đợi” (Thơ: Hồ Nghĩa Phương), “Đừng gọi em là em”, “Thương nhau muối mặn gừng cay”, “Quảng Ngãi kiên trung”... Trong đó, ca khúc “Vầng trăng chờ đợi” là một trong số những tác phẩm được giới nghệ sĩ đánh giá cao.

Nhạc sĩ Trương Quang Tuấn chia sẻ: Khi đọc bài thơ của Hồ Nghĩa Phương, tôi cảm nhận được điều tác giả muốn nói, đó là tình cảm, nỗi khắc khoải, chờ mong của người vợ đối với người chồng đi xa. Tuy nhiên, nhạc sĩ Trương Quang Tuấn lại chuyển thể từ nỗi khắc khoải của người vợ sang một chàng trai đối với một người em.

Ông cho rằng, khi chuyển thể như vậy sẽ dễ làm lay động lòng người. Bởi khi nghe ca khúc, người nghe sẽ cảm nhận được một phần con người mình ở trong ca khúc ấy. “Khi phổ thơ, nhạc sĩ phải có sự thẩm thấu bài thơ, để đẩy vầng thơ thành những điệu nhạc, để lại cho đời những giai điệu hay, nhưng không làm phá vỡ cấu trúc của bài thơ đó”, nhạc sĩ Trương Quang Tuấn bộc bạch.

Với những cống hiến của mình, nhạc sĩ Trương Quang Tuấn được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quyết thắng hạng I, Huân chương Giải phóng hạng II, Huy chương “Vì sự nghiệp văn hoá”... Đặc biệt, ông đã để lại những tình khúc quê hương đặc sắc và khắc họa những bức tranh âm nhạc dân ca quê hương tuyệt đẹp.


Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG
 


.