Nhạc sĩ Trần Thế Bảo: Hết lòng vì nghệ thuật âm nhạc

09:06, 02/06/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Vừa vinh dự được tặng Giải thưởng Nhà nước, GS.TS, nhạc sĩ Trần Thế Bảo đã xuất bản cuốn sách Lịch sử âm nhạc Việt Nam, sau bao nhiêu năm gắn bó với tình yêu tha thiết dành cho âm nhạc.

Nghe tin nhạc sĩ Trần Thế Bảo về thăm quê nhà Quảng Ngãi, bạn bè, những người yêu thơ, âm nhạc đến chia vui trước thành quả đáng mừng ông đã gặt hái trong lĩnh vực nghệ thuật. Trong số những câu chuyện nhạc sĩ Thế Bảo chia sẻ cùng bạn bè, ông nói nhiều về cuốn sách Lịch sử âm nhạc Việt Nam.
 

“Sách lịch sử âm nhạc Việt Nam là công trình đồ sộ, tổng hợp nhiều kiến thức, thời đại, ra đời đúng lúc khi bộ môn này cần một cuốn sách giáo khoa có thể tra cứu được, đáp ứng mong mỏi của mọi người”.
Giáo sư, Nhà giáo nhân dân HOÀNG CƯƠNG

Nhạc sĩ Thế Bảo cho biết, biên soạn cuốn sách có chiều dài lịch sử như thế, phải có một tập thể nhiều nhà nghiên cứu âm nhạc tham gia, mỗi người soạn một chương. Tuy nhiên, do yêu cầu về thời gian, nên ông chẳng thể huy động các nhà nghiên cứu mà đành phải cố gắng “soạn ngày, soạn đêm”.

Ông đã nhanh chóng cho ra đời cuốn sách mang tựa đề “Lịch sử âm nhạc Việt Nam” theo yêu cầu của Trung tâm Nghiên cứu quốc học và Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh. Sách do Nhà xuất bản Thanh Niên ấn hành.

Cuốn sách dày 514 trang, phản ánh đầy đủ các giai đoạn lịch sử âm nhạc nước nhà, được chia làm bốn phần,  với 12 chương. Trước đây, đã có nhiều sách, tài liệu nghiên cứu về lịch sử âm nhạc Việt Nam được xuất bản, nhưng chưa có cuốn sách nào phản ánh bao trùm toàn bộ thời gian lịch sử âm nhạc Việt Nam từ thời Hùng Vương đến nay.

Các nhà nghiên cứu âm nhạc trước đây biên soạn sách lịch sử âm nhạc, thường chú trọng đến sự kiện mà ít đề cập đến nhân vật, cuốn sách của GS.TS Thế Bảo khắc phục được điều đó. Bởi theo nhạc sĩ Thế Bảo, con người làm nên lịch sử âm nhạc, có vai trò chủ xướng tác động lên giai đoạn lịch sử âm nhạc.

Trong cuốn sách này, nhạc sĩ Thế Bảo thể hiện nhân vật gắn liền với giai đoạn âm nhạc Đàng Ngoài là vua Lê chúa Trịnh và Đàng Trong có chúa Nguyễn. Nói đến âm nhạc thời chúa Nguyễn, cuốn sách đề cập đến nhân vật Đào Duy Từ- người đã vượt sông Gianh vào Đàng Trong và có đóng góp xứng đáng cho nền âm nhạc cung đình Huế.

Cũng theo tiến trình của lịch sử, vào thế kỷ XIV, XV, trong âm nhạc giữa người Việt và người Chăm có sự hòa hợp, giao thoa. Trong các nghi lễ, cúng lúa, cúng đình, cúng đất, sông, giàng của người Việt đều mời ban nhạc người Chăm đến thể hiện.

GS.TS Trần Thế Bảo chuyên nghiên cứu về lịch sử âm nhạc, nhưng ông cũng đã dành nhiều thời gian cho sáng tác. Bốn tác phẩm: Suy nghĩ về luật nhạc cổ truyền (sách); khí nhạc: Concerto Piano và dàn nhạc nhỏ, khí nhạc: Conceto cho Violoncelle và dàn nhạc giao hưởng; ca khúc Nửa đêm của ông đã được tặng Giải thưởng Nhà nước trong đợt 1/2017. Đây là phần thưởng thể hiện sự ghi nhận của Nhà nước đối với một con người hết lòng vì nghệ thuật âm nhạc nước nhà.


Bài, ảnh: MAI HẠ


 


.