Nhà cổ bên sông Trà

02:06, 17/06/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bên dòng Trà Giang thơ mộng, dẫu trải qua bao thời cuộc, những ngôi nhà cổ vẫn còn đó, với kiến trúc độc đáo, tinh túy của người xưa.

Con đường vào xóm Gò Chùa, thôn 2, xã Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi) bây giờ đã được bê tông, nhưng dấu tích xưa vẫn còn đây đó. Những hàng cau, bờ chuối, bãi bắp tạo thành viền xanh ôm lấy những ngôi nhà cổ trầm mặc in bóng thời gian.

Dấu xưa

Tiết trời ngày hè nắng nóng hầm hập, nhưng bên trong ngôi nhà cổ của ông Bùi Anh (85 tuổi) không khí vẫn mát mẻ. Nhấp chén trà, ông Bùi Anh kể: “Tui là đời thứ 4 kế thừa ngôi nhà. Ngôi nhà là tài sản ông bà để lại, nên con cháu hết đời này đến đời khác thay nhau gìn giữ". Ngôi nhà ông Bùi Anh đang ở có kiến trúc 3 gian, 4 mái. Gian giữa đặt bàn thờ gia tiên. Hai bên là hai bộ phản gỗ. Kế với nhà trên là nhà ngang, nhà bếp, nhà chồ, sân trước, sân sau thoáng rộng. Gian nhà chính được dựng trên 4 hàng cột ngang, 5 hàng dọc đều bằng gỗ mít. Kèo nhà được chạm trỗ rất công phu.
 

 

Nhà cổ gần 300 năm tuổi của ông Bùi Anh, ở xã Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi) ngày càng xuống cấp.
Nhà cổ gần 300 năm tuổi của ông Bùi Anh, ở xã Nghĩa Dõng (TP.Quảng Ngãi) ngày càng xuống cấp.

Theo ông Anh, ngày trước để làm một ngôi nhà rường có khi mất đến vài năm trời. Trước khi nhận làm một ngôi nhà, cánh thợ làm cho thợ cả một chiếc giường để ông ăn ở tại chỗ đốc thúc công việc. Tiếng lốc chốc cứ vang lên từ dùi, từ đục. Bằng sự tài hoa, lành nghề của người thợ, những cây mít thành cột, thành kèo, chạm khắc công phu, tỉ mỉ.

Ngôi nhà của ông Anh đã ghi dấu bao câu chuyện buồn, vui của thời cuộc. Trước Cách mạng Tháng Tám, ngôi nhà cổ bên những vườn rau, vườn cây trái xanh rờn, tạo nên khung cảnh tuyệt đẹp của làng quê bên sông Trà. Ông Anh cho biết, trong dòng họ có ông Bùi Roan, Bùi Phong tham gia cách mạng Tháng Tám. Trong lần tấn công địch, chiếm đồn bốt ở vùng biển Cổ Lũy, xã Nghĩa Phú (TP.Quảng Ngãi), các ông đã anh dũng hy sinh.

Lớp trước đi qua, lớp sau kế tiếp, các thế hệ trong dòng họ Bùi gìn giữ mái nhà xưa như tài sản quý. Hằng năm, dù ở phương trời nào, con cháu dòng họ Bùi cũng về thắp nén hương lên bàn thờ, tưởng nhớ công đức của tổ tiên, động viên nhau ra sức học hành, năng nổ làm ăn góp phần xây dựng quê hương tươi đẹp. "Con cháu lớn lên hiểu rõ nền nếp gia phong, nên không có ai làm điều sai trái ảnh hưởng đến gia tộc, họ hàng", ông Anh tự hào nói.

Bảo tồn nhà cổ

Trong xã hội đương đại, mái nhà xưa thưa vắng dần. Một số gia đình kinh tế khó khăn, không có điều kiện để giữ gìn, tu bổ ngôi nhà cổ cha ông để lại, nên đành tháo dỡ đem bán cho những người săn lùng nhà cổ. Có người thấy nhà cổ xuống cấp, không muốn trùng tu, nên tháo dỡ, xây nhà mới hiện đại. Dấu tích của những ngôi nhà cổ theo đó cũng dần bị mất đi.

Đơn cử như ngôi nhà của ông Đỗ Trọng để lại cho cháu nội là ông Đỗ Trọng Tín (hiện ở tổ 16, phường Trần Phú), do nhiều nguyên nhân ông Tín không giữ được ngôi nhà cổ của tổ tiên. Ông Bùi Tá Tiên (80 tuổi), người cùng làng với ông Tín kể lại: Trước đây ông Đỗ Trọng sống mực thước. Ông là thầy thuốc bắc nổi tiếng, từng chữa nhiều bệnh hiểm nghèo cho dân làng. Khi ông Đỗ Trọng qua đời, không chỉ con cháu trong dòng họ của ông mà nhiều người dân trong làng từng được ông cứu chữa vẫn thường ghé thăm, thắp hương trên bàn thờ, rồi ngồi xếp bằng trên tấm phản gỗ ôn lại chuyện xưa. Thế nhưng, ngôi nhà rường ngày xưa giờ không còn nữa, nên nhiều người tiếc nuối.

Còn ngôi nhà cổ của ông Bùi Anh, ở xã Nghĩa Dõng nay cũng xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều chiếc cột bị mối đục nham nhở, cửa bàn khoa cũng bị hư hỏng nhiều... Ông Bùi Anh thở dài: “Thấy ngôi nhà xuống cấp cũng muốn tu bổ lại, nhưng vợ chồng tôi già rồi không làm gì ra tiền, đành nhìn ngôi nhà xuống cấp dần".

Cạnh bên ngôi nhà cổ của ông Bùi Anh có ngôi nhà cổ do ông Bùi Hiếu trông nom cũng xuống cấp nghiêm trọng. Ông Bùi Hiếu đã huy động dòng họ tu sửa, tuy vậy việc tu sửa không theo kiểu dáng nhà rường, nên ít nhiều mất đi nét đẹp cổ kính.

Những nhà cổ bên bờ sông Trà không chỉ là dấu tích, là niềm tự hào của một gia đình, một dòng họ, mà còn lưu giữ nét văn hóa một thời. Do vậy, cùng với sự nỗ lực của người dân, ngành chức năng của TP.Quảng Ngãi cần có kế hoạch bảo tồn nhà cổ, để gìn giữ nét đẹp cổ xưa một thuở.

       Bài, ảnh: MAI HẠ

 

.