Âm nhạc là mạch sống

01:06, 20/06/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có 10 anh chị em, Hồng Xương Long (sinh năm 1970) là con thứ 9 trong gia đình. Anh vốn có niềm đam mê âm nhạc từ thuở nhỏ, nhưng không được gia đình ủng hộ. Song, điều ấy không làm mất đi niềm đam mê mà còn thôi thúc anh đến với âm nhạc, coi đấy là mạch sống của mình...

 

Nhạc sĩ Hồng Xương Long.
Nhạc sĩ Hồng Xương Long.


Ba mất sớm nên cả gia đình Hồng Xương Long được chuyển lên vùng kinh tế mới Sơn Hà. Lúc này, Long vừa lên 10 tuổi, nhưng đã bắt đầu dành tình cảm đặc biệt cho âm nhạc và theo đuổi niềm đam mê bằng cách tập tành chơi đàn. Đến năm 19 tuổi, anh quyết định rời quê nhà vào Sài Gòn đi làm kiếm tiền, để học nhạc lý và tiếng Anh. Lúc này, Long mở tiệm cắt tóc, để có tiền học nhạc và tập tành sáng tác. Sau khi học xong phần guitar và sáng tác nhạc, anh lại học thêm piano và organ.

Năm 2002, anh chính thức sáng tác và dạy nhạc cũng như tham gia những sô diễn nhỏ ở Sài Gòn. Anh còn hợp tác với Kim Lợi studio và HT Production. “Sau hai tháng tập tành sáng tác, những ca khúc của tôi nhanh chóng được đón nhận.

Đặc biệt, các ca khúc còn được các ca sĩ Quang Dũng, Mỹ Tâm trình bày như: “Từ giã mùa đông” và “Sài Gòn trong tâm hồn tôi”, “Thư cuối”, “Trăng vỡ”, “Biển trắng pha lê”, “Xe hoa”, “Huyền thoại nàng tiên cá”, “Trăng thề”... Anh luôn biết làm mới bản thân bằng việc thử sức vào các thể loại nhạc khác nhau.

Khi dòng nhạc trẻ được đón nhận, anh lại chuyển hướng sáng tác theo dòng dân ca. “Lúc này dòng nhạc trẻ rất thịnh và được đông đảo người yêu âm nhạc đón nhận. Vì vậy, tôi muốn làm một cái gì đó khác biệt để tạo dấu ấn riêng”, Long thổ lộ. Điều may mắn là các ca khúc của anh nhanh chóng được đón nhận, trong đó nhiều ca khúc “hit” được các ca sĩ nổi tiếng như Đan Trường, Cẩm Ly thể hiện như: “Lỡ hẹn”, “Chim trắng mồ côi”, “Gọi đò”...

Khi các ca khúc của các thể loại dân ca, nhạc trẻ được đón nhận, thì đó cũng là lúc Hồng Xương Long trăn trở phải làm cái gì đó cho quê hương. Và rồi anh quyết định chọn dòng nhạc quê hương để vừa làm mới mình, vừa giới thiệu về miền Trung yêu dấu và đã nhanh chóng thẩm thấu, chạm vào trái tim của người yêu nhạc.

Đó là sự đồng cảm về một miền quê nghèo khắc nghiệt bởi thiên tai, lũ lụt. Người nghe biết đến anh qua những ca khúc: “Mưa chiều miền Trung”, “Miền Trung yêu dấu”, “Mắt buồn miền Trung”, “Lỡ duyên”, “Quảng Ngãi yêu thương”... Điều đặc biệt trong ca khúc của Long là những lời ca mộc mạc, chân chất, nhưng không kém phần lãng mạn, nên thơ.

Mới đây, anh đã cho ra đời ca khúc “Quảng Ngãi chiều sông quê” (Thơ Nguyễn Đăng Vũ). “Tôi đã đọc nhiều bài thơ do Nguyễn Đăng Vũ sáng tác, trong đó bài “Bến sông quê” đã để lại nhiều cảm xúc. Vì vậy, tôi quyết định chọn bài này để phổ nhạc. Các câu từ trong bài thơ rất mộc mạc, gần gũi.

Những hình ảnh về cảnh đẹp quê hương Quảng Ngãi, hình ảnh về người mẹ già, người em gái nhỏ hiện lên giống như những người thân của mình, nên tôi muốn làm một cái gì đó để gửi gắm đến người thân, bạn bè với giai điệu slow rock và sử dụng saxophone rất lãng mạn”, Hồng Xương Long tâm sự.

Đến nay, Hồng Xương Long đã viết trên 300 ca khúc. Các ca khúc của anh thuộc nhiều thể loại khác nhau, luôn được giới âm nhạc đánh giá cao.


Bài, ảnh: TRỊNH PHƯƠNG


 

.