Trở lại Tây Nguyên

09:04, 28/04/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Đã nhiều lần lên Tây Nguyên, nhưng dịp vừa rồi, tôi trở lại mảnh đất đại ngàn với một tâm trạng khác. Và đó cũng là một chuyến đi đầy ắp kỷ niệm.

Chả là tôi tháp tùng đoàn nhà văn đi dự trại sáng tác do Bộ tổ chức. Tính từ lúc khai mạc đến hôm đi thực tế đã hơn 10 ngày, chỉ còn vài ngày nữa là bế mạc trại, Ban Tổ chức bố trí đoàn về thăm quan ngôi làng văn hóa ở ngoại thành để thâm nhập thực tế, hiểu thêm về đời sống của bà con ở đây và còn để “mục sở thị” về sự đổi thay của mảnh đất đại ngàn đang chuyển mình đi lên.

Từ thành phố đến điểm thăm quan, cung đường chừng vài ba chục km. Xe ra khỏi thành phố, con đường nhựa phẳng lỳ thẳng tắp đưa chúng tôi qua những phố phường, làng bản, trang trại, nông trường… xe đi chừng vài chục phút phong cảnh Tây Nguyên dần hiện ra, trên xe ai cũng tấm tắt trầm trồ xuýt xoa, sao mà Tây Nguyên đẹp đến lạ kỳ.

 

Lễ hội đua voi lại hồ Lăk (Đăk Lăk) tháng 3.2017. ẢNH: MINH PHƯƠNG
Lễ hội đua voi lại hồ Lăk (Đăk Lăk) tháng 3.2017. ẢNH: MINH PHƯƠNG


Dọc hai bên đường hoa cúc quỳ đúng mùa nở rộ từng vạt vàng rực đẹp thẫn thờ. Những cánh rừng cao su xanh ngút tầm, có rừng cây cao độ 7 – 8 mét đang cho mủ thu hoạch, có nơi cao su mới trồng độ vài năm cây chừng vài ba mét, nhìn hướng nào cũng thấy cao su trồng ngay ngắn thẳng hàng, thẳng lối trông rất đẹp mắt.

Càng ra xa ngoại ô thành phố, xen kẻ những rừng cao su bạt ngàn là những nhà vườn, trang trại, nhà nào cũng trồng tiêu, nhìn qua cửa xe những trụ tiêu cao vút đứng lô nhô từ trước sân ra đến sau vườn, nhìn khuôn viên nhà nào cũng một màu xanh mát mắt. Cả quãng đường dài xe chúng tôi đi qua, hai bên còn có những đồi cà phê, bạt ngàn là cà phê, xen kẻ là những đồi cây ăn quả tít tắp chạy dài như cây bơ, sầu riêng, chôm chôm, măng cụt…

Có lẽ chưa có nơi nào trên dãi đất Việt của chúng ta, các loại cây công nghiệp dài ngày lại thích nghi với khí hậu thổ nhưỡng, dẫu cho năm tháng mưa nắng thất thường, khắc nghiệt, nhưng chúng vẫn tươi xinh, trĩu quả, thương người như mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ này.

Đến một ngã ba thì xe ngoặc rẽ trái, thẳng hướng đi chừng vài ba km, ngôi làng mà chúng tôi dự định đến thăm quan đã hiện ra, khung cảnh đầu tiên đập vào mắt mọi người là một cổng chào khá đồ sộ. Cổng xây thật kiên cố, cao vút, kiến trúc phỏng theo mô típ nhà rông Tây Nguyên, màu sắc trang trí khá đẹp. Người từ xa đến chưa biết ngôi làng này ra sao, nhưng nhìn cái cổng chào đầu thôn, cũng đoán ra nơi này người làng chắc làm ăn “khấm khá” lắm.

Con đường xương cá trải nhựa phẳng lỳ, thẳng tắp chạy xuyên qua giữa làng, suốt chiều dài liên thôn, liên xã, hàng cây xanh cao vút tỏa bóng mát trên con đường xinh đẹp, bên trong 2 ven đường là những ngôi nhà vườn mang dáng dấp của những căn biệt thự được xây kiên cố và khá quy mô, nhà nào cũng to và đẹp, mới nhìn tưởng như khu đô thị nào đó ở thành phố, chứ không phải là ở một làng miền núi cao nguyên. Nhìn vào sân nhà nào cũng phơi kín cà phê, bên trong hè chất đầy những bao cà phê được phơi khô, chờ thương lái đến cân chở về thành phố.

Dọc theo hai bên đường được phân lô ngay ngắn, khoảng cách chừng 60 – 70 mét là những con đường bê tông dẫn sâu vào trong xóm, càng đi sâu vào trong là những nhà vườn, xen kẽ với trang trại, người dân từ các miền quê đến đây sinh sống, lập nghiệp gắn bó với mảnh đất này và trở thành quê hương thứ hai của họ. Bà con ở đây trồng đủ các thứ cây chủ yếu là cà phê và cây ăn trái. Họ còn nuôi các loại con, từ con của núi rừng bản địa, đến các loại con thuần chủng như: Heo rừng, thỏ, nhím, chồn, bò, cả gà rừng và thả cá…

Để chứng kiến sự ăn nên làm ra của làng của xã, xe đưa đoàn chúng tôi đi dọc theo con đường chính, và một vài con đường ngang, để chiêm ngưỡng bộ mặt giàu có của làng. Sau đó xe quay trở về trụ sở nhà văn hóa xã. Khuôn viên nhà văn hóa được tọa lạc trên khu đất bằng phẳng sát bên mặt đường chính, có diện tích chừng vài nghìn mét vuông, chính giữa khu đất là nhà văn hóa được xây cất khang trang, bề thế, chắc chắn, có hội trường, đài truyền thanh, thư viện xã, có phòng dùng cho sinh hoạt câu lạc bộ văn thơ người cao tuổi có cái tên nghe rất hay “Câu lạc bộ thơ cao niên”. Nghe tin đoàn nhà văn, nhà báo miền Trung đến thăm, các anh lãnh đạo Đảng ủy, UBND xã, các trưởng thôn… đều có mặt đông đủ, để đón tiếp chúng tôi.

Sau khi đoàn vào hội trường, đầu tiên mỗi người chúng tôi được thưởng thức một tách cà phê do chính “bổn hiệu” của làng sản xuất và chế biến theo phương thức 3 sạch (trồng sạch, sơ chế sạch và pha sạch). Nhấp ngụm cà phê “thứ thiệt” ai cũng phấn chấn hẳn lên, trong hội trường lúc này hương cà phê tỏa thơm ngào ngạt. Chúng tôi vừa thưởng thức cà phê vừa nghe báo cáo công việc làm ăn cũng như kết quả mà lãnh đạo xã, thôn cùng nhân dân ở đây đã khẩn hoang, lập nghiệp từ những ngày đầu đến đây.

Ngày ấy nơi này cỏ mọc um tùm, toàn đất hoang, đồi trọc, không có đường đi, toàn xã chỉ có vài chục nóc nhà lụp xụp, xiêu vẹo trước những trận cuồn dông gió núi cao nguyên….

Từ đó đến nay là cả một chặng đường dài hơn 40 năm, mồ hôi và nước mắt kể cả máu của bao người từ các miền quê xa xôi đến đây sinh cơ lập ấp, từ một vùng đất nghèo xơ xác, hầu như không có gì, đến nay gần 300 hộ dân đã xây được nhà ngói, biệt thự. Từ những ngày đầu khai hoang tỉa lúa, trồng màu chống đói, đủ ăn qua ngày đến quá trình chuyển đổi sang trồng các loại cây công nghiệp dài ngày theo phương thức mới, áp dụng các tiến bộ kĩ thuật, chăm sóc, tưới tiêu, làm đất, vận chuyển hoàn toàn bằng cơ giới, cho đến việc chế biến, sấy phơi, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch cũng được áp dụng các tiến bộ kĩ thuật một cách đồng bộ, đem lại tiện ích và hiệu quả khá cao, người dân lúc đầu có mơ cũng không dám nghĩ tới.

Từ việc chuyển đổi mô hình cây trồng và áp dụng các tiến bộ kỹ thuật thành công, đã đem đến cho người dân ở đây cuộc sống no đủ, giàu sang. Thu nhập của người dân nâng cao một cách đáng kể, nhiều nhà trở thành tỷ phú, nhà có thu nhập thấp, hằng năm cũng tích lũy từ 600 – 800 triệu đồng, xã thôn không còn hộ nghèo.

Hệ thống hạ tầng cơ sở: điện, đường, trường trạm… đã được đầu tư bằng tiền, công sức của dân, nhà nước chỉ hỗ trợ một phần, phúc lợi xã hội, môi trường sinh thái thực hiện khá tốt, hầu như nhà nào cũng trang bị xe công vụ, nhiều nhà có ô tô, đồ dùng sinh hoạt khá đầy đủ, hiện đại… Là xã đã hoàn thành đủ 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và được công nhận đầu tiên của huyện và tỉnh.

Tiếp xúc với bà con trong làng, trong xã, nhìn nét mặt ai cũng tươi vui hớn hở, tự hào về những thành quả do chính bàn tay cần mẫn của họ làm ra. Họ còn tự hào về ngôi làng mà họ đã gắn bó, bỏ ra biết bao công sức trong chừng ấy thời gian để dựng xây, tô thắm cho mảnh đất Tây Nguyên đại ngàn đầy nắng gió, mà đời họ đã không tiếc công sức gầy dựng qua gần nửa thế kỷ.

Trưa hôm ấy các anh ở xã đã chiêu đãi chúng tôi bữa cơm được làm từ những sản phẩm “cây nhà lá vườn”, mang đậm hương vị Tây Nguyên thực thụ. Nhìn thái độ ân cần, niềm nở, trân quý của họ, cùng tấm lòng thật thà chất phát của những con người Tây Nguyên mến khách và hào hiệp đến lạ lùng. Chúng tôi ai cũng thấy lòng mình ấm áp tràn ngập niềm vui.

Trời đã về chiều, đoàn rời ngôi làng văn hóa của mảnh đất Tây Nguyên trở về thành phố. Trên đường về trong lòng mỗi người ai cũng bâng khuâng, trăn trở. Nhìn bộ mặt khang trang, rạng rỡ của làng, nhìn sự đổi thay của mỗi hộ gia đình ở đây, ai cũng rạo rực và ước ao. Một ngày nào đó, những ngôi làng ở miền núi quê mình cũng bứt phá, đổi thay và đi lên như ngôi làng ở đây. Một ngôi làng đã để lại trong tôi những ấn tượng khó quên, dù chỉ một lần đến nơi này.


NGUYỄN NGỌC TRẠCH



 


.