Nhớ về nguồn cội thiêng liêng...

01:04, 06/04/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Mỗi dân tộc trên thế giới đều có một cội nguồn riêng. Đất nước ta có truyền thống 4.000 năm lịch sử như lời Bác Hồ đã từng nói: “Các Vua hùng đã có công dựng nước...”. Từ bọc trứng mẹ Âu Cơ chung một đồng bào, ngay từ nguồn cội sâu xa đó hai chữ đoàn kết đã trở thành một tâm nguyện, một ý chí, một hành động trở thành lẽ sống trường tồn của dân tộc. Ngày 10.3 (âm lịch) hằng năm đã trở thành ngày Giỗ Tổ, đó là ngày Quốc lễ, lễ hội của toàn dân tộc.

TIN LIÊN QUAN

Người dân đất Việt hành hương về với cội nguồn dân tộc Việt Nam. Ảnh: T.L
Người dân đất Việt hành hương về với cội nguồn dân tộc Việt Nam. Ảnh: T.L


Chúng ta được trở về trung du với những quả đồi bát úp như những mâm xôi dâng lên trời cao, như những đàn voi phục, như những giàn trống trận. Sông núi nước non nơi này gắn với bao địa danh thiêng liêng như núi Nghĩa Lĩnh âm vang trống hội. Như xóm núi Thậm Thình mang âm hưởng của tiếng chày giã gạo buổi vua Hùng xuống núi đi cày ruộng cùng dân chúng.

Ở đền Hùng có hàng chục loại cây cổ thụ tỏa bóng mát: Những cây chò xanh, những cây lim vút thẳng... Đặc biệt, nơi Bác Hồ ngồi ở bậc thềm dặn dò đại đoàn quân tiên phong mũ nan, áo trấn thủ: “Bác cháu ta cùng nhau giữ lấy nước...”, là bóng cây vạn tuế hơn 800 tuổi. Dáng cây nghiêng nghiêng uốn hình chữ S như tượng hình đất nước với ba nhánh cây xòe ra tượng trưng cho ba miền. Đền Giếng thờ cả giếng Ngọc, mạch nguồn trong trẻo lịm mát không bao giờ cạn. Soi vào đó ta như gặp cả chiều sâu trầm tích thiêng liêng của lịch sử.  

Từ đền Hạ lên đền Trung, đền Thượng mỗi bậc tam cấp như đưa ta lên với gió lộng núi ngàn, với khí thiêng đất Việt. Nhớ về và trở về với cội nguồn đất Tổ chính là ta trở lại với mình, tâm linh hướng thiện của mình để càng yêu hơn, gắn bó tự hào hơn với non sông đất nước. Ngỡ còn nghe âm vang tiếng trống  đồng với bao hoa văn, họa tiết làm sống dậy cả thần thái, tâm thức và khát vọng của dân tộc Việt.

Về với Lễ hội Đền Hùng, chúng ta dâng lên những cặp bánh chưng, bánh giầy. Đó là những sản phẩm của văn minh lúa nước, của ấn tượng vũ trụ “trời tròn, đất vuông”. Truyền thuyết Lang Liêu như một câu chuyện cổ tích có hậu, một ước muốn muôn đời. Ta được gặp, được nghe ở đây những giọng nói ríu rít trăm miền, những ánh mắt thân yêu, những tỏ bày thân  thương chia sẻ. Nhớ về cội nguồn, trở lại với cội nguồn chính là tìm về sức mạnh của dân tộc. Một dân tộc “lưng đeo gươm tay mềm mại bút hoa/ Trong và thật sóng hai bờ suy tưởng/Sống hiên ngang mà nhân ái chan hòa” (Huy Cận). Có lẽ đó cũng chính là những đúc kết, chiêm nghiệm sâu sắc về vẻ đẹp thần thái của con người Việt Nam – Một vẻ đẹp với sức sống trường tồn, bắt đầu cội nguồn từ thời đại Hùng Vương lập nước...

NGUYỄN NGỌC PHÚ


 


.