Tình yêu Lý Sơn của cô gái Ba Lan

05:03, 25/03/2017
.

(Baoquangngai.vn)- Người dân đảo Lý Sơn đã quen với hình ảnh Edyta Roko đạp xe vòng quanh đảo, nói chuyện với mọi người bằng tiếng Việt. Cô gái ấy đến từ Ba Lan, nhưng đã gắn bó với đảo Lý Sơn bằng một tình yêu tiền định.

TIN LIÊN QUAN

Câu chuyện bắt đầu từ năm 2002, khi Edyta Roszko xin phép Bộ Giáo dục Ba Lan để thực hiện một nghiên cứu về Trung Quốc. Nhưng một trong những giáo sư của cô khuyên cô hãy đến Việt Nam. 
 
Edyta Roszko. Ảnh: VOV World.
Edyta Roszko. Ảnh: VOV World.
 
Để đọc được những tài liệu cần thiết cho công trình nghiên cứu của cô bằng tiếng bản địa, Edyta quyết định học tiếng Việt: "Tôi đến Việt Nam lần đầu vào năm 2003 và phải nói chuyện với người địa phương bằng tiếng Nga. Sau đó tôi được hai giáo viên người Việt Nam dạy tiếng Việt. Tôi đã gặp rất nhiều người Việt Nam để luyện tiếng Việt", Edyta chia sẻ.
 
Sau khi hoàn thành nghiên cứu ở Việt Nam vào năm 2005, Edyta trở lại Ba Lan để làm việc nhưng bằng một cách nào đó cô không thể quên Việt Nam. Cô quyết định làm luận án tiến sĩ của cô ở tỉnh Quảng Ngãi, miền Trung Việt Nam.
 
Edyta nói: "Vì tôi muốn thay đổi công việc của tôi nên tôi phải nghiên cứu thêm về miền Trung Việt Nam để thực hiện một công trình nghiên cứu về khu vực này. Tôi liên hệ với Trường Viễn Đông Pháp (French School of Far East-EFEO) và được biết rằng họ đang có một công trình nghiên cứu ở tỉnh Quảng Ngãi và đề nghị tôi tham gia. Dự án về tín ngưỡng dân gian, vì thế tôi quyết định thực hiện một nghiên cứu về văn hóa Sa Huỳnh và sống 1 năm ở đảo Lý Sơn".
 
Edyta đã bị ấn tượng bởi văn hóa dân gian ở Quảng Ngãi, đặc biệt là đảo Lý Sơn, một hòn đảo nhỏ chỉ khoảng 10km2, nhưng giàu di sản văn hóa. Edyta tiếp tục làm việc ở Ba Lan sau khi bảo vệ luận án tiến sỹ, nhưng vẫn nhớ Lý Sơn và Việt Nam. Cô dành nhiều thời gian đọc tài liệu về Việt nam và đảo Lý Sơn.
 
Năm 2013, đề xuất nghiên cứu văn hóa biển Việt Nam cho EU được thông qua. Trở lại Lý Sơn sau 7 năm, Edyta rất ngạc nhiên khi thấy nhiều đổi thay ở hòn đảo này: "Trở lại Việt Nam sau 7 năm, tôi đã chú ý đến rất nhiều thay đổi tại đây. Lúc trước, phụ nữ không được phép vào những khu vực tổ chức nghi lễ, nhưng giờ họ có thể. Du khách cũng có thể tham quan những khu vực này. Văn hóa địa phương đã trở nên cởi mở hơn và tôi làm nghiên cứu về những thay đổi này".
 
Cuộc sống đã đổi thay ở Lý Sơn, nhưng sự chân thành của những người dân địa phương thì vẫn thế. Điều đó làm Edyta yêu thêm hòn đảo: "Những người sống quanh tôi xích lại gần nhau. Họ giúp đỡ người khác và đoàn kết như một gia đình. Họ cũng quan tâm nhiều đến tôi".

 

Edyta Roszko và ông Võ Văn Út. Ảnh: VOV World.
Edyta Roszko và ông Võ Văn Út. Ảnh: VOV World.
 
Ông Võ Văn Út, người dân đảo Lý Sơn, thường giúp đỡ Edyta khám phá văn hóa đảo, chia sẻ: "Ban đầu tôi nghĩ cô ấy không thể nói tiếng Việt trôi chảy. Nhưng tôi đã ngạc nhiên khi cô bảo tôi rằng cô ấy muốn nghiên cứu văn hóa dân gian ở Việt Nam, đặc biệt là những lễ hội truyền thống ở đảo Lý Sơn. Tôi rất vui khi biết có một người nước ngoài muốn tìm hiểu thêm về Việt Nam và đã làm những gì tốt nhất để tạo điều kiện cho những nghiên cứu của cô", ông Út nói.
 
Chồng của Edyta, một nhà nghiên cứu dân tộc học người Hà Lan, cũng đã dành hơn 20 năm nghiên cứu về các dân tộc thiểu số Việt Nam ở Tây Nguyên cũng như những di sản văn hóa ở Việt Nam. Edyta bảo rằng chồng và cô đã tìm thấy rất nhiều điểm tương đồng từ sự quan tâm và tình yêu với Việt Nam: "Chúng tôi gặp nhau ở một hội nghị nghiên cứu và nói với nhau về Việt Nam và không thể dừng câu chuyện. Chúng tôi sống chủ yếu ở Đan Mạch, nhưng tôi có công việc giảng dạy ở Anh. Chúng tôi nói chuyện chủ yếu bằng tiếng Anh nhưng khi trò chuyện riêng tư, chúng tôi dùng tiếng Việt. Cả hai chúng tôi đều yêu và xem Việt Nam như quê hương thứ hai".
 
Edyta hi vọng rằng, khi có con, cô sẽ đưa những đứa trẻ đến thăm đảo Lý Sơn để giới thiệu về cảnh quan và văn hóa ở hòn đảo mà cô dành rất nhiều tình yêu ở đó.
 
Phạm Linh  (chuyển ngữ)
 
Theo VOV World

.