Nhạc sĩ Nguyễn Minh Châu với ca khúc Hương cau

03:02, 20/02/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Sinh ra ở miền quê nghèo thuộc xã Triệu Long, huyện Triệu Phong (Quảng Trị), nhưng Nguyễn Minh Châu lại gắn bó với miền đất Ấn-Trà. Những ca khúc của Nguyễn Minh Châu để lại nhiều dấu ấn trong lòng người nghe, người xem.

 

Nhạc sĩ Nguyễn Minh Châu sinh ngày 14 tháng 11 năm 1959. Anh hiện là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam; hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Quảng Ngãi.
Trong các sáng tác của mình, Nguyễn Minh Châu có khá nhiều tác phẩm được giải thưởng. Như ca khúc “Đêm hội làng Cor” đoạt Huy chương Vàng Hội diễn không chuyên toàn quốc tại Đắk Lắk; ca khúc “Bến xưa” phổ thơ Nguyễn Ngọc Trạch đoạt giải xuất sắc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2011; ca khúc “Xôn xao mùa biển” đoạt giải khuyến khích của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 2013.

Nhạc sĩ Nguyễn Minh Châu cũng có đến gần 10 ca khúc phổ thơ Nguyễn Ngọc Hưng. Thế nhưng, ca khúc “Hương cau” mới là tác phẩm mà nhạc sĩ này ưng ý nhất. Bài thơ của Nguyễn Ngọc Hưng như một bức tranh quê nhiều màu sắc, thi từ như một lời thì thầm của làng quê miền Trung dấu yêu...
 
Trong tâm thức mỗi người, vẫn thoang thoảng đâu đây mùi hương hoa cau một đêm tháng Giêng vằng vặc trăng vùng quê nghèo vọng về từ cái thuở đầu trần chân đất. Nơi ấy còn lưu giữ một khu vườn quê, với hàng rào rậm rạp. Hương hoa cau đã thấm vào đời mỗi chúng ta để rồi chảy tràn ra, mỗi khi dòng ký ức chạm vào một hàng cau nào đó, trên đường đi qua:  Tháng Giêng hoa cau rụng/ Chum nước ngạt ngào hương/ Dịu dàng em gội tóc/ Gió thơm thơm khắp vườn...

Con người ta nhớ hương cau không chỉ vì hương hoa thoảng góc vườn quê. Mà có lẽ, ta thương nhớ hương cau bay thoang thoảng bên rào dâm bụt như một mảnh hồn lưu lạc, ở đó có mối tình e thẹn không nói nên lời: Bên rào dâm bụt đỏ/ Mắt ai xanh lá trầu/ Nhìn em như muốn ngỏ/ Thương mà... hổng dám đâu!

Dâu bèo lấm tấm ao/ Còn lăn tăn tăm cá/ Ngun ngút mây trời cao/ Bóng chim mờ mịt quá!  Một mảnh hồn làng làm vấn vương biết bao bước chân người đi xa, vườn cau gắn với ao bèo, hay bóng chim tăm cá. Anh chỉ mong tìm trong gió chút hương cau còn sót lại, cũng là tìm cho riêng mình một mảnh ghép hồn quê lưu tán đã lâu rồi.

Và, mùa đã đến, cau nơi góc vườn ai rồi cũng sẽ trổ buồng, ra hoa. Hương vẫn là hương xưa, hoa vẫn là hoa cũ, lòng người nay đã khác. Rồi đêm nay, hương hoa cau lại xoáy vào hồn, như một lời nhắc nhở, một khúc lòng quê chân thành và tha thiết: Hoa vẫn màu hoa cũ/ Hương vẫn mùi hương xưa/ Nhớ đầy chum nước gội/ Tóc em ngày mỗi thưa... Có thể nói, thơ-nhạc đã hòa quyện ở đây, âm nhạc đã chắp cánh cho bài thơ. Một bài thơ phổ nhạc đòi hỏi người nhạc sĩ sự đồng cảm, đồng điệu để bài thơ khi phổ nhạc sẽ có một sức sống mới kỳ diệu, được người nghe, người xem đón nhận.

Với ca khúc này, giữa tác giả âm nhạc và tác giả thơ đã có chung một chữ “duyên”, cùng hòa điệu để có một tác phẩm âm nhạc chung. Và đó là món quà  để người nhạc sĩ và thi sĩ cùng hưởng chung sự hạnh phúc, vẹn toàn.    

       
Bài, ảnh: Huỳnh Thế


 


.