Người Quảng Ngãi uống nước chè

07:02, 07/02/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong Nam, ngoài Bắc, ở đâu người ta cũng có thói quen uống nước chè, chẳng riêng gì người Quảng Ngãi. Nhưng người Quảng Ngãi thì uống nước chè theo cách rất riêng.

Sau mỗi bữa ăn, người Quảng Ngãi quen uống nước chè tươi, đi làm đồng thì nhâm nhi mấy thỏi đường cát trước khi ngửa cổ tu một hơi hết bát nước chè cho đã cơn khát. Khi tiếp khách, chè tươi được mời cùng với đĩa đường phèn. Đàn bà ở cữ có tục uống nước chè sấy khô, thêm ít vỏ quế, vỏ cây dền, vừa đắng vừa chát, nhưng lại chắc bụng, ngon cơm.

 

 Niềm vui chè được mùa.                                                                                                                                                                   ảnh: Đình Quang
Niềm vui chè được mùa. ảnh: Đình Quang


Ở các huyện miền núi, cây chè trồng khắp từ Trà Bồng, Sơn Hà, qua Minh Long, Ba Tơ; ngược xuống vùng trung du Nghĩa Hành, vùng cao Tư Nghĩa, Sơn Tịnh, Bình Sơn. Chè trồng trên vùng núi, gọi là chè nguồn; chè trồng trong vườn thì gọi chè vườn. Nổi tiếng thơm ngon, đậm nước là chè Long Môn, Long Sơn, Long Hiệp (Minh Long), Bình Khương, Bình An (Bình Sơn). Vậy mới thành câu ca: Bình Khương sánh với Bình An/ Bên em chè đậm, bên anh khoai nhiều...

Minh Long nhiều chè, chè ngon, nhưng bà con người Hrê lại gùi xuống trao đổi với người Kinh ở chợ phiên Tam Bảo (nay thuộc xã Hành Dũng, Nghĩa Hành). Từ đây, chè bó, chè búp được sơ chế rồi vận chuyển đi tiêu thụ khắp nơi trong tỉnh, vào đến Bình Định, ra tận Quảng Nam. Tam Bảo, từ địa danh trở thành một “thương hiệu” chè nổi tiếng: Ai về Quảng Ngãi mà xem/ Bãi tơ vàng óng đồng ken lúa vàng/ Xóm thôn sực nức mùi đàng/ Nhắp chè Tam Bảo luận bàn văn chương.

Pha trà mời khách.                                                                                                           Ảnh: LHK
Pha trà mời khách. Ảnh: LHK



Cùng với chợ phiên Tam Bảo, chợ Đồng Ké (Sơn Tịnh), chợ Thanh Trà (xã Bình Khương, Bình Sơn) là ba điểm giao thương miền xuôi miền ngược đông đúc có tiếng của Quảng Ngãi. Món hàng tuy không phải đắt tiền, nhưng được trao đổi nhiều nhất, kéo dài quanh năm ở các chợ này chính là chè. Mùa nắng chủ yếu chè xanh, mùa mưa là chè sấy khô hoặc phơi nắng.

Muốn có nước chè tươi, người ta lấy lọn chè vò sơ qua rồi đem chần trong nước sôi chừng cháy hết điếu thuốc. Chè tươi thanh mát, uống vào mùa hè giải nhiệt cho cơ thể. Không phải lúc nào cũng có sẵn chè tươi, nên thường ngày người ta uống nước chè khô, bằng cách đem nấu trong nước sôi. Siêu đất (ấm đất) là dụng cụ để nấu nước chè, làm từ các lò gốm ở Hoà Bân (Sơn Tịnh), Châu Ổ (Bình Sơn), Chỉ Trung (Đức Phổ). Các mẹ, các chị ở cữ thì uống chè vừa đậm, vừa đắng, đun bằng các nồi đất rộng miệng (gọi là niêu),  trong đó bỏ nhiều lọn chè khô, gia thêm các loại vỏ cây dền, ngải vặn. Siêu nước chè được giữ nóng bằng cách vần trong bếp tro. Khi uống người ta rót thứ nước đậm chát ấy thẳng từ niêu ra tô lớn, gọi là “bát”. Mời nhau miếng trầu, điếu thuốc, bát nước chè rồi hỏi thăm mùa màng, gia cảnh là cách trao đổi thân tình của người Quảng Ngãi: Trầu đây ăn miếng bạn nề/ Thuốc đây hút điếu, ra về kẻo khuya.

Chè thì trồng trên đồi, trên núi; cá bống thì sống ở đầu suối cuối sông. Vậy mà hai thức đó phối ngẫu thành duyên. Vùng ven sông Trà Khúc, có câu ca dao: Phải đâu chàng nói mà xiêu/ Tại con cá bống tại niêu nước chè. Dân gian tin rằng, người phụ nữ khi lâm bồn mà được ăn món cá bống sông Trà kho tiêu, uống nước chè Minh Long, gia thêm vỏ cây có chất đắng, khi ra ngoài ngày sẽ được trắng da, dài tóc, không nhức mỏi xương cốt những khi trái gió, trở trời. Dân gian nói “ăn mặn, uống đắng” là vì vậy. Các bác thầy thuốc Tây y có thể phải chờ thực nghiệm mới tin được tri thức dân gian, nhưng người rành ẩm thực thì đoán chắc cá bống kho tiêu, nước chè Minh Long là thức ngon đệ nhất!

 
Lê Hồng Khánh


 

.