Nối dài đam mê với sắc màu

07:01, 28/01/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Vài năm gần đây, thị trường hội họa trong tỉnh có nhiều khởi sắc khi nhiều người trẻ đã dành niềm đam mê, sáng tạo và đầu tư vào phòng tranh.

Mặc dù đây là dòng sản phẩm rất “kén” người chơi nhưng phân khúc khách hàng dành cho những sản phẩm đặc biệt này ngày càng mở rộng hơn khi gu thẩm mỹ, nhu cầu thưởng thức cái đẹp nâng cao, nhiều người tìm đến với các dòng tranh vẽ tay.

Thổi hồn vào nét vẽ

Trong số ít các phòng tranh trong tỉnh, Art Hiền ở phường Nguyễn Nghiêm (TP.Quảng Ngãi) là phòng tranh tạo được nhiều sự chú ý với những người yêu tranh trong tỉnh những năm gần đây. Bước chân vào phòng tranh Art Hiền, cảm nhận đầu tiên của khách hàng là những gam màu hài hòa, mượt mà, mang thông điệp lạc quan vui tươi chuyển tải qua các bức tranh.

 

 Nữ họa sĩ Diệu Hiền đang hoàn thiện bức tranh sơn dầu về phong cảnh.
Nữ họa sĩ Diệu Hiền đang hoàn thiện bức tranh sơn dầu về phong cảnh.
 
Chủ nhân của phòng tranh này là nữ họa sĩ Nguyễn Thị Diệu Hiền, sinh năm 1980. Sinh ra trong gia đình không có ai làm hội họa, nhưng từ nhỏ, Diệu Hiền đã dành niềm đam mê cho những mảng màu sắc. Sau thời gian học tập và làm việc tại TP.Hồ Chí Minh, nữ họa sĩ trở về quê và mở phòng tranh. “Ban đầu mở phòng tranh, mình cũng lo không có khách hàng. Sau đó, mình cứ miệt mài vẽ và dần dần khách hàng đến ngày càng nhiều hơn”, nữ họa sĩ trẻ cho hay.

Tại phòng tranh Art Hiền, các bức tranh đều vẽ tay, trong đó chủ yếu là tranh sơn dầu mịn. Đây là dòng tranh được nhiều người trong tỉnh yêu thích và là “mảnh đất” nhiều tiềm năng để các họa sĩ trẻ thổi hồn vào những nét vẽ của mình. “Khách hàng trong tỉnh thường thích các bức tranh sơn dầu về phong cảnh làng quê Việt Nam yên bình, tĩnh vật lãng mạn. Ngoài sáng tạo, tư duy của tác giả thì người vẽ còn tiếp nhận những ý kiến của khách hàng để hoàn thiện bức tranh vừa ý”, chị Hiền chia sẻ.

Ngoài tranh sơn dầu, nữ họa sĩ Diệu Hiền còn làm tranh bằng hạt lúa. Qua bàn tay khéo léo sắp xếp của người họa sĩ, những hạt lúa mộc mạc sau khi xử lý màu trở thành những bức tranh độc đáo mang âm hưởng đồng quê kết hợp với hội họa.

“Tranh sơn dầu không rộ lên cũng chẳng hạ nhiệt như các dòng tranh “theo thời” khác. Nó như một dòng chảy nhẹ nhàng đi vào lòng người và trường tồn với thời gian”
Nữ họa sĩ  DIỆU HIỀN.
Sức sống từ thị trường hội họa

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có vài cơ sở chuyên vẽ tranh bằng tay. Mỗi người một phong cách khác nhau góp phần làm nên sự đa dạng của thị trường hội họa trong tỉnh. Điều thú vị đó là phần lớn các phòng tranh do người trẻ đầu tư mở ra.

Anh Đoàn Ngọc Thanh (1985), người mở cơ sở vẽ tranh ở phường Lê Hồng Phong (TP. Quảng Ngãi) đã gần bảy năm cho hay, thời gian gần đây, nhiều người chú trọng trang trí nhà cửa, kéo theo thị trường tranh sơn dầu cũng sôi động. Cùng với tranh sơn dầu mịn thì tranh sơn dầu đắp nổi mang đến vẻ đẹp mới, lạ, độc đáo. Ngoài ra, nhiều người thích thú với tranh phù điêu đắp nổi với chất liệu xi măng. Gu thẩm mỹ ngày càng nâng cao thì khách hàng càng trân trọng công sức lao động của người vẽ tranh bằng tay.

Không giống như các sản phẩm khác, đối với tranh vẽ tay, khi giao sản phẩm mà khách hàng chưa ưng ý ở một điểm nào đấy thì người vẽ nhận tranh về và vẽ lại bức tranh khác theo ý của khách. Ngoài ra, sự tận tâm của người họa sĩ còn được thể hiện qua việc sẵn sàng “bảo hành” tranh. Có trường hợp, người mua tranh đã lâu, trong thời gian treo trên tường, tranh bị ẩm. Khi mang đến phòng tranh, họa sĩ cũng nhận sửa lại tranh và dán decal kỹ càng.

Nghề vẽ tranh bằng tay vừa là lao động trí óc, vừa là lao động chân tay, mà những họa sĩ đã dành tâm huyết vào những bức tranh của mình. "Để sống với nghề vẽ tranh, người vẽ phải không ngừng học hỏi từ ngành hội họa trong nước và thế giới để bắt kịp các xu hướng, kỹ thuật mới. Bên cạnh tư duy sáng tạo cần phải am hiểu văn hóa, va chạm với thực tế để làm nền tảng cho các bức tranh của mình", nữ họa sĩ Diệu Hiền chia sẻ.

Bài, ảnh: BẢO HÒA

 


.