Nặng lòng với... sách

04:01, 31/01/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Trong các thú chơi xưa nay, có lẽ chơi sách là đặc biệt hơn cả. Nhà nghiên cứu văn hóa Vương Hồng Sển từng ví von, chơi sách là thú chơi phong lưu nhất trong mọi thú chơi.

Ở Quảng Ngãi, nói đến kho sách tư nhân, sẽ không ai hơn bác sĩ Nguyễn Duy Long –Trưởng Khoa Vi sinh, Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi và đại tá về hưu Nguyễn Văn Thư, hiện ở thôn Liên Hiệp 1, phường Trương Quang Trọng (TP.Quảng Ngãi).

Thú chơi phong lưu

Thích đọc sách và đam mê sưu tầm sách, bác sĩ Nguyễn Duy Long – ở số nhà 549, Quang Trung (TP.Quảng Ngãi) đã trở thành một trong những nhà sưu tầm sách có tiếng ở Quảng Ngãi hiện nay. Với bác sĩ Long, trò chơi phong lưu mà anh tìm đến như là một sự tình cờ, nhưng đã trở thành cái duyên, cái nợ không thể nào dứt ra được.  Nhưng anh là bác sĩ chứ đâu phải theo nghiệp viết lách? Thấy tôi băn khoăn, anh cười một cách khoái chí, rồi nói: Bác sĩ thì có sao! Cầm tấm bằng ra trường, rồi đi làm đâu phải là hết học. Và tôi đã chọn sách để mở mang kiến thức cho mình.

Bác sĩ Nguyễn Duy Long giới thiệu về thú chơi sách của mình.     ẢNH: XUÂN THIÊN
Bác sĩ Nguyễn Duy Long giới thiệu về thú chơi sách của mình. ẢNH: XUÂN THIÊN


Năm 1990, trong một lần tìm sách phục vụ cho nghề nghiệp, bác sĩ Long đã nhận ra kho tàng tri thức mà lâu nay anh luôn khát khao đi tìm. Thế là, sau những giờ làm nghề anh lại lang thang đi sưu tầm sách. Không một quày hay chợ sách cũ nào ở TP.HCM hay Hà Nội mà anh không ghé chân trong những dịp đi công tác hoặc du lịch.  Hiện bộ sưu tập sách của anh rất phong phú và được anh phân chia, sắp xếp khoa học, như: Sử - địa, văn học Việt Nam, các đầu sách của các tác giả người Quảng Ngãi, sách y học... Đặc biệt, anh còn sở hữu cả những cuốn sách liên quan đến chủ quyền biển đảo quốc gia, cùng hàng nghìn đầu sách nước ngoài có giá trị, xuất bản từ thế kỷ XIX.
 

Gần 30 năm sưu tầm, bác sĩ Long đã sở hữu hơn 15.000 đầu sách các loại. Trong đó ngoài 3 kệ sách do thân sinh anh để lại, còn có 6 kệ sách là của vợ, chồng và 3 đứa con trai anh cất công sưu tầm. Đặc biệt, nhiều đầu sách có giá trị cao, từ văn học, sách lịch sử đến từ điển, y học, triết học...

Bác sĩ Long lý giải cho đam mê của mình bằng câu nói đùa: “Đua đòi là sức mạnh của kẻ chơi sách”. Anh chia sẻ trong cuốn sách “Về chốn thư hiên” xuất bản năm 2013, rằng: “Là người nặng lòng với sách, tôi say sưa với những giai thoại nửa tin, nửa ngờ về lai lịch quyển sách nào đó. Một cuốn sách lặng lẽ trên kệ sách, bắt đầu một hành trình đa truân tìm đến người quý chuộng mà nặng mối nhân duyên. Là người có chút duyên hàn mặc, tôi thầm hiểu quan niệm của người xưa về chuyện chữ nghĩa. Rằng phải có duyên mới viết được một cuốn sách. Chính nhờ chữ duyên ấy mà niềm đam mê sách cho đến tận hôm nay vẫn còn nguyên vẹn trong tôi”.

Cũng như bác sĩ Nguyễn Duy Long,  ông Nguyễn Văn Thư, một đại tá công an nghỉ hưu, cũng gắn bó cả cuộc đời mình với sách. Gia tài mà cha ông  - một nhà giáo dạy ngoại ngữ để lại cho ông là những kệ sách quý. Chính điều này đã hun đúc niềm đam mê đọc và sưu tầm sách trong ông. Đại tá Thư chia sẻ, trước đây khi học ở Quy Nhơn, có lần bắt gặp được cuốn sách quý, ông mê mẩn đọc rồi mượn cả chiếc nhẫn trên tay bạn mình bán đi để lấy tiền mua. Còn bây giờ, mỗi chuyến đi xa là ông tranh thủ  đi tìm những cuốn sách mà mình yêu thích.

Văn hóa từ sách

Với niềm đam mê cháy bỏng và tình yêu với sách, sau giờ làm việc ở bệnh viện, bác sĩ Long lại say sưa ngắm những kệ sách của mình, rồi dành phần lớn thời gian để nghiền ngẫm những con chữ. Không dừng lại ở việc sưu tầm sách, bác sĩ Long còn dành nhiều thời gian nghiền ngẫm, so sánh giữa những bản dịch mới - cũ, giữa những nhà xuất bản khác nhau, để tìm ra cái thật sự quý nhất trong từng bản in. Những kiến thức đa chiều được anh “nhặt nhạnh” và bồi đắp mỗi ngày đã mang lại nguồn tư liệu dồi dào cho cuộc sống. "Đọc sách là để nghiên cứu, nâng cao kiến thức, nhưng đồng thời còn giúp con người ta có cái nhìn nhân văn, văn hóa hơn trong ứng xử giữa người với người", bác sĩ Long chia sẻ.

Giờ đã nghỉ hưu, ông Nguyễn Văn Thư có nhiều thời gian hơn dành cho sách. Niềm đam mê đọc sách của ông đã “truyền” cho cả 3 cậu con trai và dường như đã "nghiện đọc" như ông. Nhờ thói quen đọc sách mà các con ông đã đạt những thành tích đáng nể trên con đường học vấn. "Đó là phần thưởng cho thói quen đọc sách hằng ngày của gia đình tôi", vị đại tá về hưu bộc bạch.
 

XUÂN THIÊN

 


.