Bảo tồn biển: Hướng phát triển bền vững

03:01, 07/01/2017
.

(Báo Quảng Ngãi)- Bảo tồn biển là việc làm tất yếu để phát triển bền vững thông qua việc bảo vệ, giữ gìn và phát triển tài nguyên biển. Từ việc ứng xử thân thiện với tài nguyên biển, sẽ mang lại nguồn lợi vô cùng to lớn cho con người nói chung và cộng đồng dân cư ở vùng biển, đảo nói riêng.

TIN LIÊN QUAN

Ứng xử thân thiện với tài nguyên biển cũng là hành vi thể hiện văn hóa của con người. Ở đây mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa đan xen, đòi hỏi phải có góc nhìn tổng thể để có hướng đi đúng.
 

 

"Điều quan trọng Quảng Ngãi cần làm hiện nay là có cái nhìn tổng thể trong vấn đề bảo tồn biển. Nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp và cộng đồng cùng ngồi lại để bàn bạc, thống nhất, nhằm bảo vệ, khai thác bền vững tài nguyên biển để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững"
Tiến sĩ CHU MẠNH TRINH, chuyên gia nghiên cứu về bảo tồn biển.        

Từ sự “giàu có” về tài nguyên biển

“Giàu có” về tài nguyên biển là nhận định của tiến sĩ Chu Mạnh Trinh, chuyên gia nghiên cứu về bảo tồn biển qua nhiều lần khảo sát tại Quảng Ngãi. Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh đã trực tiếp khảo sát tài nguyên biển ở đảo Lý Sơn, vùng ven biển Bình Châu (Bình Sơn); Tịnh Khê, Tịnh Kỳ (TP.Quảng Ngãi)... Từng khảo sát, nghiên cứu về bảo tồn biển ở các tỉnh, thành trong cả nước và nhiều quốc gia trên thế giới, thế nhưng khi đến với Quảng Ngãi, tiến sĩ Chu Mạnh Trinh không khỏi ngỡ ngàng và ấn tượng trước cảnh đẹp và sự đa dạng, dồi dào về tài nguyên biển ở đây.

Từ rất nhiều rạn san hô đến các thảm cỏ biển, nhiều loài tôm, cua, cá... cho thấy nguồn tài nguyên biển ở đây rất lớn. Từ làn nước trong vắt ở đảo Bé (Lý Sơn), ngồi trên tàu có thể quan sát rất rõ các rạn san hô, khi triều cạn thì nhìn thấy các thảm cỏ biển. Ở vùng biển xung quanh đảo Lý Sơn có khoảng 92 loài san hô, 45 loài động vật thân mềm, trong đó có một số loài được ghi trong Sách đỏ Việt Nam...

Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh cho biết, rạn san hô là bãi đẻ, là nơi cư trú của nhiều loài cá, tôm. Nếu mất đi rạn san hô thì nguy cơ cá, tôm sẽ không còn nữa. Cá lớn lên ở các cửa sông, đặc biệt là ở những vùng có rừng ngập mặn, dừa nước. “Mục sở thị” tại sông Kinh (xã Tịnh Khê), tiến sĩ Chu Mạnh Trinh đã nhìn thấy ở đây có nhiều loài cá giống như cá căng, cá hồng...

Từ nguồn cá giống ở các cửa sông, kết hợp với rạn san hô ngoài biển đóng vai trò giữ nguồn lợi cho biển cả, cho con người. Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh cũng bị hấp dẫn bởi di sản văn hóa, địa chất ở đất đảo Lý Sơn, Bình Châu và vùng phụ cận. “Quảng Ngãi có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch văn hóa kết hợp với du lịch sinh thái biển, phải nói là tuyệt vời mà không nơi nào có được”, tiến sĩ Chu Mạnh Trinh nhận định.

Lối mở cho sự phát triển

Vấn đề đáng lo ngại hiện nay trong ứng xử với thiên nhiên, với tài nguyên biển của người dân ở một số nơi trên địa bàn tỉnh là khai thác theo kiểu tận diệt. Các vùng ngập mặn xây dựng hồ tôm, tiến hành nạo vét... làm mất đi nơi trú ngụ của các loài cá. Tại Lý Sơn, vẫn còn tình trạng một số ngư dân sử dụng thuốc nổ đánh bắt hải sản... Đây là thực trạng rất đáng lo ngại, trực tiếp ảnh hưởng đến sinh thái biển cũng như nguồn lợi từ biển.

Khách du lịch thích thú khi tham quan biển, đảo Lý Sơn.                 Ảnh: Trịnh Phương
Khách du lịch thích thú khi tham quan biển, đảo Lý Sơn. Ảnh: Trịnh Phương


Quảng Ngãi đã thành lập Khu bảo tồn biển Lý Sơn từ đầu năm 2016, tuy nhiên đến nay hoạt động chưa nhiều. Từ kinh nghiệm trong xây dựng khu bảo tồn biển và phát triển du lịch sinh thái biển ở Cù Lao Chàm (Quảng Nam), tiến sĩ Chu Mạnh Trinh cho rằng, Quảng Ngãi phải nhanh chóng triển khai các hoạt động bảo tồn biển, tạo sinh kế thay thế cho người dân.

Ở Cù Lao Chàm, diện tích rừng ngập mặn rất lớn. Ở đây, cộng đồng dân cư ý thức cao việc bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên biển. Có nhiều cái lợi khi tiến hành các hoạt động bảo tồn biển, qua đó hỗ trợ cộng đồng nuôi dưỡng nguồn lợi từ biển để phát triển kinh tế; tạo sinh kế cộng đồng; phát triển du lịch sinh thái.

Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh cho biết, ở Cù Lao Chàm trước khi xây dựng khu bảo tồn biển, du khách đến tham quan chỉ vài ngàn người, đến nay đã tăng lên hàng triệu khách, thu nhập của người dân ở đây tăng cao gấp nhiều lần. Tại đây, nhiều du khách bị cuốn hút với dịch vụ du lịch, nhất là dịch vụ lặn ngắm san hô. Ở Quảng Nam hiện nay, du lịch phát triển mạnh với sự kết nối giữa di sản văn hóa và thiên nhiên. "Khi chúng ta làm bảo tồn, bảo vệ tài nguyên biển thì lợi ích mang lại bao gồm cả dưới biển, trên cạn, kể cả cảnh quan và môi trường. Đây là cơ hội để phát triển du lịch bền vững", tiến sĩ Chu Mạnh Trinh nhấn mạnh.
                                      

Minh Anh

 


.